Đầu tư, M&A

RECOF Việt Nam chủ trì Hội nghị GMAP nhằm thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam

Thanh An 16/11/2023 19:33

Hội nghị GMAP vừa được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 13/11 do Công ty Tư vấn M&A quốc tế RECOF chủ trì, với mục tiêu tạo cầu nối và điều kiện cho các chuyên gia M&A GMAP tìm hiểu và xác định chiến lược đầu tư tại Việt Nam.

Với chủ đề của GMAP năm nay là “M&A tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, Hội nghị quy tụ các chuyên gia M&A từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về bối cảnh, xu hướng hiện tại và các cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

Theo đó, những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội M&A tại GMAP lần này bao gồm: mảng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, sản xuất và chế biến thực phẩm, logistics, dịch vụ tài chính... Trong đó, mảng logistics trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư, đồng thời chuỗi cung ứng kho lạnh, cũng là lĩnh vực rất được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

z4885848703842_b9cac0c21c471e3e8589072b259385e7.jpg
Các chuyên gia M&A thảo luận các cơ hội và thách thức của lĩnh vực M&G trong Hội nghị GMAP 2023

Thông qua Hội nghị GMAP, RECOF Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc hiện thực hóa các giao dịch M&A xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam ra toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, RECOF Việt Nam mong muốn trở thành cầu nối quan trọng, kết nối các chuyên gia M&A của GMAP và các nhà đầu tư với những cơ hội tại thị trường Việt Nam.

Tại Hội nghị, các vấn đề về kết nối giao thương, bối cảnh cảnh đầu tư, khung pháp lý và các lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam đã được các chuyên gia M&A trình bày và thảo luận. Đặc biệt, những người tham dự cũng đã có cơ hội tham gia vào các cuộc thảo luận trao đổi với các chuyên gia trong ngành, các đại diện cơ quan Nhà Nước.

Theo ông Ivan Alver, đồng sáng lập Global M&A Partners cho biết, điểm mạnh của thị trường Việt Nam là có nền chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao, chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Vì vậy, các công ty đa quốc gia đang lựa chọn Việt Nam làm địa điểm để thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng thị trường đang ngày càng cạnh tranh và tăng trưởng.

sn-4-1699929268-1699929285-7797-1699929319.jpg
Ông Ivan Alver, đồng sáng lập Global M&A Partners chia sẻ tại Hội nghị GMAP ngày 13/11

Ngoài ra, tại Hội nghị, ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành RECOF Việt Nam đã nhận định, riêng ở Việt Nam, những lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng sẽ tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư ngoại, như FMCG (hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) - bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, logistics - kho bãi, tài chính - fintech.

Thông qua những lời nhận xét từ Chủ tịch GMAP và Giám đốc điều hành RECIF Việt Nam, có thể thấy, dù nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng khó khăn, lạm phát xuất hiện ở nhiều quốc gia buộc các nhà đầu tư phải khẩn trương tìm kiếm thị trường bên ngoài, bảo toàn tài sản nhưng Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ấn tượng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để củng cố và mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Theo thông tin từ Hội nghị GMAP, trong những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ nhiều nước châu Á khác nhau, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là sự vắng mặt các khoản đầu tư từ châu Âu và Bắc/Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng trong khuôn khổ Hội nghị, lĩnh vực bán dẫn lại một lần nữa thua hút sự chú ý từ nhiều nhà đầu tư. Theo Chủ tịch GMAP Ivan Alver, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng vì ngành này rất đặc thù, hưởng nhiều thuận lợi như các hiệp định mới được ký kết với Mỹ, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đã có những động thái như mở nhà máy, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam cũng là một trong những đất nước thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Điều này rất có lợi cho lĩnh vực bán dẫn phát triển.

Thanh An