Quốc tế

Mỹ - Indonesia nâng cấp quan hệ và tăng cường hợp tác về khoáng sản

Nguyễn Văn Phong 14/11/2023 16:15

Ngày 13/11, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo đã gặp nhau tại Nhà Trắng. Hai lãnh đạo đồng ý nâng cấp quan hệ và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như khoáng sản, kỹ thuật số, năng lượng mới, chống biến đổi khí hậu và quốc phòng.

Theo thông báo của Nhà Trắng, hai lãnh đạo đồng ý nâng cấp quan hệ song phương thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, với lời giải thích “Đây là mức độ hợp tác chưa từng có giữa hai nước, được xây dựng dựa trên các giá trị chung như pháp quyền”. Động thái giống như nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ vào tháng 9 vừa qua.

tong-thong-my-phai-va-indonesia-tai-nha-trang-ngay-1311-anh-bloomberg.jpg
Tổng thống Mỹ (phải) và Indonesia tại Nhà Trắng ngày 13/11 - Ảnh: Bloomberg

Cuộc gặp tại Nhà Trắng diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, từ ngày 15 đến 17/11.

Mỹ và Indonesia từ lâu đều quan tâm tới lĩnh vực cung ứng khoáng sản quan trọng, và mong muốn đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, có tiếng nói giấu tên cho biết, các cuộc thảo luận chỉ là giai đoạn đầu, trước khi đàm phán chính thức về hiệp định thương mại tự do hạn chế - điều kiện để hàng hóa như khoáng sản từ Indonesia, được hưởng ưu đãi theo đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Hoa Kỳ.

Tổng thống Widodo nói tại đại học Georgetown ở Washington DC, trước cuộc gặp ở Nhà Trắng: “Là quốc gia giàu khoáng sản quan trọng, cũng như tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng xanh, Indonesia có thể trở thành đối tác lớn của Hoa Kỳ. Indonesia sở hữu trữ lượng niken nhiều nhất thế giới. Năng lượng xanh gần như vô tận. Đây là tiềm năng cực cao để hai nước cùng nhau phát triển.”

Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, trong tuyên bố chung, hai bên đồng ý xây dựng kế hoạch hành động về khoáng sản quan trọng, để tăng cường đầu tư với tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật cao. Cả hai đặt mục tiêu tạo thêm việc làm trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch, thông qua khai thác tài nguyên trong nước, phù hợp với quy tắc thị trường công bằng, đồng thời bảo vệ người lao động và hệ sinh thái.

Nhà Trắng thông tin, Tổng thống Biden sẽ công bố bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Năng lượng Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, về phát triển năng lượng và khoáng sản một cách bền vững.

Thông báo của Nhà Trắng có đoạn: “Biên bản ghi nhớ giúp thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng phục hồi và an ninh lưới điện, đồng thời cải thiện công nghệ khai thác - chế biến khoáng sản một cách có trách nhiệm. Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Indonesia phát triển ngành khoáng sản để có mức phát thải khí carbon thấp hơn.”

Hoa Kỳ đang muốn mở rộng buôn bán khoáng sản với quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc ký kết một FTA hạn chế, sẽ cho phép các phương tiện chạy bằng điện sử dụng niken nhập từ Indonesia, có thể nhận trợ cấp theo đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Nhưng một nhóm thượng nghị sĩ đã phản đối động thái như vậy, cho rằng các tiêu chuẩn của quốc gia Đông Nam Á về bảo hộ người lao động, giữ gìn môi trường, an toàn và nhân quyền đều có vấn đề. Trong lá thư gửi Chính phủ Hoa Kỳ, một số nhà lập pháp cũng nhấn mạnh đến sự thống trị của Trung Quốc trong hoạt động khai thác và tinh chế khoáng sản ở Indonesia. Lưu ý đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực niken của Indonesia, đạt 3,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.

Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói: “Indonesia có nguồn cung tài nguyên quan trọng khổng lồ, rất cần thiết cho nền kinh tế xe điện thế kỷ 21. Ngoài ra còn là lĩnh vực pin và chất bán dẫn. Chúng tôi rất muốn bắt đầu đàm phán với Indonesia, hướng tới mối quan hệ đối tác trong khía cạnh này. Chúng tôi hiểu điều phía Indonesia đang tìm kiếm, nhưng họ phải lắng nghe từ chúng tôi và những kỳ vọng của chúng tôi.”

Khi chúng tôi hợp tác với bất kỳ bên nào, thường theo tiêu chuẩn nhất định về lao động và môi trường. Rất khó để chúng tôi chấp nhận, nếu quá trình khai thác khoáng sản của các bạn tạo ra vấn đề môi trường, như phá rừng hay gây ô nhiễm nguồn nước.

Một quan chức cấp cao của Mỹ

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Hoa Kỳ ban hành tháng 8/2022, bao gồm khoản trợ cấp 7.500 USD cho mỗi phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Nhưng các khoáng sản và linh kiện quan trọng trong thành phẩm, phải có nguồn gốc từ Hoa Kỳ hoặc quốc gia có FTA với Hoa Kỳ, ví dụ Canada hay Úc. Indonesia đang nỗ lực ký một FTA hạn chế, nhằm đáp ứng quy định này.

Bà Julie Lucas, giám đốc điều hành MiningMinnesota, thuộc một nhóm lãnh đạo trong ngành khoáng sản, ủng hộ việc khai thác an toàn và có trách nhiệm ở bang Minnesota, nhưng nhận định một FTA hạn chế như vậy, sẽ dẫn tới thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, vì nó không mang lại cho các nhà xuất khẩu Mỹ bất kỳ quyền tiếp cận thị trường nào.

Bà Lucas nói: “Hầu hết khoáng sản quan trọng của Indonesia, đều do công ty Trung Quốc khai thác và tinh chế. Cả Tổng thống lẫn Quốc hội đều không thể ủng hộ tiền thuế của người Mỹ rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Những công ty này cũng không bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. Giải quyết lo ngại trên phải tốn nhiều năm, cộng với sự quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ Indonesia.”

Trong bài phát biểu ở đại học Georgetown, Tổng thống Widodo nói rằng, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều tự nhiên, nhưng phải được quản lý tốt, để không dẫn tới đối đầu gay gắt hơn, có thể cuốn quốc gia khác vào.

Indonesia luôn sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia. Chúng tôi không đứng về bên này để chống lại bên kia. Chúng tôi đứng về hòa bình và công lý.

Tổng thống Joko Widodo

Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, ngoài trọng tâm về kinh tế, hai lãnh đạo cũng trao đổi liên quan tới cuộc chiến ở Trung Đông và Myanmar.

Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ: “Các lãnh đạo nhất trí nên hợp tác cùng nhau, và với những đối tác khác trong khu vực, để đạt được nền hòa bình lâu dài thông qua giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại song song.”

Về tình hình Myanmar, một quan chức Mỹ nói rằng, môi trường an ninh ngày càng xấu đi là mối quan tâm chung của hai nước.

Nguyễn Văn Phong