WeWork, WeFit phá sản: Bài học cho startup Việt
Năm 2020, WeFit - ứng dụng di động kết nối các phòng tập thể hình với khách hàng, đã nhận được hàng triệu USD vốn đầu tư nhưng đã bị phá sản tại Việt Nam. Ngày 6/11 vừa qua, WeWork - Công ty cho thuê văn phòng làm việc cũng nộp đơn xin phá sản tại tòa án bang New Jersey (Mỹ). Hai doanh nghiệp này không chỉ giống nhau chữ “We” mà còn có nhiều bài học thất bại tương đồng.
Nộp đơn xin phá sản là động thái đánh dấu sự đảo chiều đáng kinh ngạc khi vào năm 2019, WeWork được định giá tới 47 tỷ USD. Mảng kinh doanh chủ chốt của WeWork là thuê những căn nhà hoặc công trình, sau đó tân trang, rồi cho thuê lại để sinh sống, làm văn phòng hay trung tâm mua bán. WeWork làm ăn theo mô hình này tại hơn 30 quốc gia, trong đó 1/3 lợi nhuận đến từ thị trường Mỹ.
WeWork bắt đầu có dấu hiệu bất ổn khi năm 2019 phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thất bại. Các nhà đầu tư hoài nghi về chiến lược dài hạn tập trung vào lĩnh vực cho thuê văn phòng. Tiếp theo là đại dịch Covid-19 xuất hiện, mảng cho thuê văn phòng trên thế giới gần như tê liệt. Trước khi nộp đơn xin phá sản, WeWork mắc nợ hàng chục tỷ USD trong các ngân hàng cũng như với người cho thuê nhà.
Vụ phá sản của WeWork là bài học đắt giá đối với nhiều tổ chức kinh doanh, đặc biệt là công ty khởi nghiệp.
Thứ nhất, không nên quá tham vọng trong việc phát triển nhanh chóng. WeWork đã tăng trưởng với với tốc độ chóng mặt, mở rộng ra hơn 100 thành phố trên thế giới chỉ trong vài năm. Đây cũng chính xác là vấn đề mà WeFit gặp phải. Thành lập năm 2016, ứng dụng khởi nghiệp của Việt Nam này nhận được 155.000 USD từ ESP Capital vào năm 2017. Đến năm 2019, nhận thêm một triệu USD từ CyberAgent Capital. Tăng trưởng người dùng trung bình của ứng dụng là 40% mỗi tháng. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng này khiến Công ty gặp khó trong quá trình kiểm soát chi phí và hiệu quả công việc. Đặc biệt, WeWork và WeFit chưa tìm hoặc đào tạo đủ nhân lực, là những lãnh đạo tầm trung có kỹ năng cần thiết.
Thứ hai, cần một mô hình kinh doanh bền vững. Mô hình kinh doanh của WeWork dựa trên việc thuê văn phòng dài hạn, sau đó cho thuê lại ngắn hạn. Mô hình này có thể mang lại lợi nhuận cao trước mắt nhưng rất rủi ro về lâu dài. Khi thị trường bất động sản suy yếu, WeWork đối mặt với áp lực thâm hụt tài chính ngày càng lớn. Đây cũng chính xác là vấn đề WeFit gặp phải, khi Covid-19 xuất hiện, các trung tâm thể hình đều đóng cửa.
Thứ ba, cần có nền tảng quản trị vững chắc. WeWork bị chỉ trích nhiều về vấn đề quản trị, ví dụ chi tiêu quá mức, môi trường làm việc độc hại và thiếu tính minh bạch. Những điều ấy khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào Công ty.
Thứ tư, công việc cần có sự kiểm soát chặt chẽ của các nhà quản lý. Ông Adam Neumann, nhà sáng lập kiêm CEO của WeWork được cho là có phong cách quản lý thiếu chuyên nghiệp và không thể nắm bắt công việc một cách chặt chẽ. Lãnh đạo cấp trung thường xuyên tạo ra lỗ hổng, như về tài chính trong quá trình tân trang lại các tòa nhà cũ. Điều này khiến Công ty gặp nhiều rắc rối, như mâu thuẫn giữa các lãnh đạo, mâu thuẫn giữa các phòng ban và mâu thuẫn về chiến lược phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới đang ảm đạm và tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Từ đầu năm 2023, số người thất nghiệp tăng, số công ty phá sản tăng, xuất khẩu giảm và ngân sách nhà nước phải chi tiêu nhiều hơn. Một chuyên gia kinh tế nói, 2023 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt lẫn nền kinh tế, tính từ sau đổi mới 1986. Từ thực tiễn trên, dưới đây là một số cách cụ thể mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể áp dụng để tránh mắc phải sai lầm như WeWork và WeFit.
1/ Xây dựng kế hoạch kinh doanh khả thi và bền vững. Kế hoạch kinh doanh cần được xây dựng dựa trên phân tích thực tế và đánh giá kỹ lưỡng về thị trường. Thiếu hiểu biết về thị trường, được cho là chiếm trên dưới 30% tổng số vụ thất bại của các công ty khởi nghiệp.
2/ Tập trung vào phát triển doanh nghiệp có quy hoạch và có kiểm soát. Không nên mở rộng quá nhanh, hoặc đầu tư quá nhiều vào những việc không cần thiết. Vốn đầu tư theo chiều rộng cần được tiến hành song song với đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ. WeWork có chi nhánh và hoạt động ở cả trăm thành phố trên khắp thế giới nên cần đội ngũ quản lý cấp trung đông đảo. Trong lịch sử, không có công ty nào xây dựng được đội ngũ này chỉ trong vòng vài năm.
3/ Thiết lập hệ thống quản trị minh bạch và hiệu quả. Hệ thống quản trị cần có quy trình và quy định rõ ràng để đảm bảo tính công khai và trách nhiệm của từng nhà quản lý.
4/ Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và cởi mở. Văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ giúp thu hút và giữ chân người tài, đồng thời góp phần tạo dựng lòng tin của khách hàng và nhà đầu tư. Muốn vậy, nó đòi hỏi thời gian, không thể gấp gáp được. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng cách làm việc hay định hình phong thái ứng xử của nhân viên đều cần được tính toán và lên kế hoạch cẩn thận.
Vụ phá sản của WeWork và WeFit là bài học quý giá. Doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm của hai công ty này để xây dựng và phát triển bền vững.