Sự kiện

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023: Đẩy mạnh nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn

Bích Ngọc 12/11/2023 - 14:26

Vào ngày 4/11 tại Hòa Lạc vừa qua, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia triển lãm nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng và chuyển giao tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là năm thứ hai Trường Đại học Công nghệ tham gia hội nghị này và là hoạt động thường niên do Đại học Quốc gia Hà (ĐHQG Hà Nội) tổ chức.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học và công nghệ (KH&CN); thúc đẩy đầu tư phát triển khu đô thị đại học xứng tầm quốc gia, tiệm cận với các đại học đẳng cấp quốc tế; đồng thời tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia hội nghị. Đây cũng là cơ hội để kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên xuất sắc, thu hút nhân tài bổ sung cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

z4859989480167_78c492807bbf16fc604599da2e6d3162.jpg

Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài các hội nghị, hội thảo chuyên đề còn diễn ra các hoạt động: Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ, Không gian kết nối và xúc tiến đầu tư; Các hoạt động kết nối đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, các sản phẩm KH&CN, các dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư; Hội trại khoa học, giáo dục STEM của sinh viên ĐHQG Hà Nội; Trình diễn các thí nghiệm khoa học, giáo dục STEM, trình diễn/giới thiệu các sản phẩm/dự án KH&CN; Các hoạt động văn nghệ, thể thao của học sinh, sinh viên ĐHQG Hà Nội…

Tại gian trưng bày của hoạt động “Triển lãm tiềm lực khoa học công nghệ ĐHQG Hà Nội” có 14 sản phẩm của Trường ĐH Công nghệ mang tính ứng dụng cao và được chuyển giao doanh nghiệp. Ngoài sản phẩm trưng bày tại gian trại, Trường Đại học Công nghệ còn tham gia trình diễn 2 sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn, cụ thể là FastV - Nền tảng sáng tạo video trực tuyến ứng dụng công nghệ AI (TS.Trần Mai Vũ - Khoa Công nghệ thông tin); Hệ thống dịch máy đa ngữ UET (TS. Nguyễn Văn Vinh - Khoa Công nghệ thông tin) đã được đưa vào sử dụng tại website www.dichmay.itrithuc.vn.

z4859989482291_461ed3692ad3be8d282f0c7d21d12442.jpg

Nói đến hệ thống này, TS. Nguyễn Văn Vinh - Khoa Công nghệ thông tin cho biết: “Sản phẩm này thuộc đề tài cấp quốc gia KC-4.0.12/19-25 “Phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác” và được nhóm phát triển thành sản phẩm sử dụng trong thực tiễn. Từ năm 2020 đến nay, nhóm nghiên cứu đã liên kết, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, hoạt động chuyên môn sâu về lĩnh vực xử lý ngôn ngữ Trung Quốc, Lào, Khmer và dịch máy. Đề tài với việc xây dựng hệ thống dịch máy đa ngữ với 4 cặp ngôn ngữ Việt - Anh, Trung Quốc, Lào, Khmer được triển khai trên cổng itrithuc.vn; xây dựng kho ngữ liệu song ngữ Việt - Trung chất lượng tốt, Việt - Lào và Việt Khmer; công cụ trợ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu song ngữ và đơn ngữ; phát triển bộ công cụ dịch máy mã nguồn mở phục vụ cộng đồng nghiên cứu và phát triển…

cũng theo ông Vinh, sau khi triển khai hệ thống dịch thử nghiệm trên Itrithuc.vn, Trung tâm phát thanh tiếng Khmer của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và một số đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhóm nghiên cứu đã nhận được các phản hồi tích cực và hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Trường Đại học Công nghệ với các báo cáo và sản phẩm trong phiên chuyên đề Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn đã cho thấy sự góp phần của Nhà trường vào việc phát triển các lĩnh vực bán dẫn và chip vi mạch cho ĐHQG Hà Nội nói riêng, xã hội nói chung.

z4859989516755_d7a793611c6f721586846e289c42ba65.jpg

Phát biểu đề dẫn tại phiên chuyên đề, GS-TS. Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ đã khẳng định về tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu, việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam có nhiều ưu thế và cơ hội khi dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp chip toàn cầu và với ưu thế về sự hợp tác quốc tế, Việt Nam càng có thêm cơ hội phát triển lĩnh vực này.

Cũng theo ông Trình, chủ đề Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn tại hội nghị phù hợp với sự phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay. Qua phiên chuyên đề, các chuyên gia sẽ có cơ hội trao đổi, bàn luận về những ưu thế và công tác đào tạo tại các trường đại học, chuẩn bị nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để phục vụ thị trường Việt Nam và trên thế giới thời gian tới.

Bích Ngọc