Quốc tế

Rủi ro cho hệ thống tài chính thế giới từ chính sách tiền tệ Nhật Bản

Bảo Quân 12/11/2023 12:09

Rủi ro đặc biệt rõ ràng ở các công ty tài chính lớn nhất Nhật Bản - nơi thực hiện các khoản đầu tư lớn ra nước ngoài.

Trái với kỳ vọng (và cả sức ép), đã không có bất ngờ nào trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ) vào đợt điều chỉnh vừa qua. Ngay cả khi ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia khác đã tăng lãi suất trong những năm gần đây, Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, vốn được thiết kế để kích thích tăng trưởng.

rui-ro-cho-he-thong-tai-chinh-the-gioi-tu-chinh-sach-tien-te-nhat-ban.jpg
BOJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo để đạt mục tiêu lạm phát.

Bảy năm qua, lãi suất chuẩn của Nhật Bản đã duy trì ở mức -0,1%, và đến cuối tháng 10 qua, BOJ quyết định chỉ điều chỉnh mức trần lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, bất chấp sức ép đòi nước này thay đổi chính sách tiền tệ. Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Hội đồng Chính sách đã xác định lại mức trần 1,0% - ngưỡng phòng thủ do BOJ đặt ra vào tháng 7 năm nay, là "giới hạn trên" với lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.

Bất chấp các điều chỉnh chính sách mới nhất, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết ông không kỳ vọng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ tăng mạnh trên 1,0% ngay cả khi chúng phản ánh tốt hơn các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Theo ông Ueda, đã có "một số tiến bộ" nhằm đạt lạm phát mục tiêu 2% của BOJ và tiền lương danh nghĩa có thể tiếp tục tăng, nhưng triển vọng không chắc chắn, nên cần phải duy trì lãi suất cực thấp.

Sau thông báo của BOJ, đồng Yên (JPY) giảm còn 151 JPY đổi 1 USD, và có lúc trượt tới 151,74 JPY đổi 1 USD tại thị trường New York (Mỹ). Nếu chọc thủng mốc 151,94 JPY đổi 1 USD lập hồi tháng 10/2022, JPY sẽ cán mức thấp nhất trong 33 năm kể từ tháng 7/1990. Hiện, JPY cũng suy yếu so với các loại tiền tệ khác, xuống mức thấp nhất so với Euro kể từ năm 2008. Dự báo, JPY sẽ khó tăng lại trong thời gian tới, khiến lạm phát của Nhật Bản vẫn cao khi chi phí nhập khẩu tăng.

Theo The Economist, lạm phát vốn đã im lặng từ lâu tại Nhật Bản đã không còn quá thấp nữa khi BOJ nâng dự báo lạm phát cơ bản trong 3 năm tới. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng BOJ sẽ chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất một lần và mãi mãi vào đầu năm tới rồi sẽ tăng lãi suất vào tháng Tư. Một khảo sát của Reuters cho thấy, hầu hết các nhà phân tích được hỏi đều dự báo BOJ sẽ từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trước cuối năm 2024, phần lớn cũng dự báo ngân hàng này sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào năm tới.

Dù vậy, giới chuyên gia khẳng định, đây không phải việc dễ dàng. Vì thay đổi chính sách có thể dẫn tới nhiều biến động mạnh, thậm chí những đứt gãy trên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, BOJ vẫn đang ở trong thế khó, mắc kẹt giữa một bên là JPY mất giá và một bên là lợi suất trái phiếu tăng gây sức ép lên chủ trương kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, ngay cả khi BOJ cuối cùng cũng tăng lãi suất, nó có thể chỉ tăng dưới 1%, khiến khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu Nhật Bản với phần còn lại của thế giới vẫn sẽ lớn, gây ra những hậu quả lớn cho thị trường tài chính toàn cầu. Đồng nghĩa, một nỗi sợ vẫn đang rình rập.

Để hiểu lý do đằng sau điều này, cần xem xét các tác động của mức lãi suất chạm đáy và sự can thiệp liên tục của BOJ nhằm kìm hãm lợi suất trái phiếu. Lãi suất trong nước thấp đã tạo ra nhu cầu đối với tài sản nước ngoài khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Năm ngoái, thu nhập từ đầu tư nước ngoài của Nhật Bản lên tới 269 tỷ USD, cao hơn nhiều so với thu nhập của các nhà đầu tư nước ngoài tại nước này. Đây là mức thặng dư lớn nhất thế giới, tương đương 6% GDP Nhật. Khoảng cách khổng lồ giữa lợi suất trái phiếu ở Nhật Bản và phần còn lại của thế giới đã tạo nên rủi ro cho cả nhà đầu tư Nhật Bản mua trái phiếu nước ngoài lẫn các nhà phát hành trên thế giới vốn hưởng lợi từ chính sách của BOJ.

Rủi ro đặc biệt rõ ràng ở các công ty tài chính lớn nhất Nhật Bản - nơi thực hiện các khoản đầu tư lớn ra nước ngoài. Cần biết rằng, chi phí phòng ngừa rủi ro đầu tư ra nước ngoài phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn của hai loại tiền tệ đang diễn ra. Lãi suất ngắn hạn của Mỹ cao hơn mức lãi suất tương tự của Nhật Bản hơn 5 điểm phần trăm và khoảng cách này vượt quá mức lãi suất 4,8% của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Đồng nghĩa, người mua Nhật Bản chắc chắn sẽ chịu lỗ trong khoản mua trái phiếu dài hạn bằng USD và phòng ngừa rủi ro. Đây cũng chính là nguyên nhân các công ty bảo hiểm nhân thọ của Nhật Bản - một trong số những tổ chức sẵn sàng phòng ngừa rủi ro tiền tệ nhất, bán 11.400 tỷ JPY (87 tỷ USD) trái phiếu nước ngoài vào năm ngoái.

Khoảng cách lớn giữa lãi suất ngắn hạn cũng có nghĩa là các nhà đầu tư Nhật hiện có các lựa chọn hạn chế hơn. Trong đó, có việc tiếp tục mua hàng ở nước ngoài, nhưng rủi ro cao hơn. Ví dụ, Công ty bảo hiểm Meiji Yasuda Life và Công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo, mỗi nơi nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 40.000 tỷ JPY vào năm ngoái, cho biết sẽ tăng mua trái phiếu ở nước ngoài mà không phòng ngừa trước những thay đổi tiền tệ đột ngột. Điều này, trên thực tế là đặt cược vào sự tăng giá đột ngột của đồng JPY. Các công ty bảo hiểm nhân thọ thường bảo thủ, nhưng khoảng cách lớn về lãi suất càng dài thì họ càng được khuyến khích chấp nhận rủi ro.

Trong khi đó, nếu lợi suất trái phiếu dài hạn của Nhật Bản tăng, và chắc chắn sẽ còn tăng nữa khi BOJ từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất, thì điều này sẽ có thể hút các nhà đầu tư trong nước mang tiền về nhà. Trái phiếu kỳ hạn 40 năm của Nhật Bản có lãi suất 2,1% - mức đủ để bảo toàn vốn của nhà đầu tư ngay cả khi BOJ đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Theo Martin Whetton của ngân hàng Westpac, triển vọng này chắc chắn sẽ khiến các công ty và chính phủ Mỹ và châu u lo lắng vì người Nhật vốn rất thích trái phiếu của họ. Trong kịch bản như vậy, nguồn cầu sẽ trở thành yếu tố gây áp lực lên nguồn tài trợ của các công ty và chính phủ phương Tây. Sau đó, JPY có thể tăng giá khi các nhà đầu tư Nhật Bản bán nợ bằng ngoại tệ và thực hiện các khoản đầu tư mới tại quê nhà. Cảnh báo về điều này, Bob Michele của JPMorgan Asset Management cho biết đó sẽ là một thập niên chuyển vốn về nước.

Hiện, dòng vốn của Nhật Bản đến phần còn lại của thế giới xuất hiện trong suốt 10 năm triển khai chính sách tiền tệ lỏng lẻo trên khắp thế giới, dường như đang suy giảm. Viễn cảnh các tổ chức tài chính trong nước, hay các tổ chức phát hành trái phiếu nước ngoài, hoặc cả hai sẽ cảm nhận được nỗi đau ra sao, sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới. Dù là gì đi nữa, điều chắc chắn là rõ ràng ai đó sẽ cảm nhận được nỗi đau này.

Bảo Quân