Quốc tế

Nhật Bản - Hàn Quốc cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng hydro và amoniac

Nguyễn Văn Phong 11/11/2023 15:01

Nikkei Asia vừa cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng hydro và amoniac. Đây là động thái mới nhất của hai nước láng giềng, nhằm mở rộng hợp tác về an ninh kinh tế. Các khuôn khổ trao đổi mới cũng sẽ được thiết lập trong lĩnh vực công nghệ lượng tử và chất bán dẫn.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dự kiến sẽ công bố chương trình hợp tác vào giữa tháng 11, khi họ tới Mỹ tham dự cuộc họp cấp cao diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Hai nước sẽ hợp tác để nâng cao khả năng đàm phán giá cả và đảm bảo thu mua ổn định hai loại nhiên liệu mới nổi này. Chúng không thải ra carbon dioxide khi đốt, dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khí thải nhà kính.

mitsui-and-partners-to-study-development-of-hydrogen-ammonia-supply-chain-using-fsru-offshoreenergy(1).jpg
Nhật Bản – Hàn Quốc muốn cùng xây dựng chuỗi cung ứng hydro và amoniac - Ảnh: Offshore Energy

Các tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ sẽ hỗ trợ những công ty Nhật Bản và Hàn Quốc, để huy động vốn đầu tư chung vào dự án sản xuất hydro và amoniac ở bên ngoài, ví dụ tại Trung Đông và Mỹ.

Về phía Nhật Bản, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan Bank for International Cooperation) sẽ đảm nhiệm.

Dự án nhằm mục đích đến năm 2030, sẽ hình thành một chuỗi cung ứng bằng đường biển, để vận chuyển nhiên liệu hydro và amoniac từ nhiều nơi trên thế giới.

Hai lãnh đạo sẽ công bố khái niệm “Chuỗi giá trị toàn cầu hydro - amoniac”, khi họ cùng đến thăm Đại học Stanford ở California vào ngày 17/11.

Hai nước hiện chia sẻ một số thách thức chung, như khử cacbon trong lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng. Ví dụ thép hay hóa chất. Cả hai đều phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu nhập khẩu.

Hydro và amoniac chủ yếu được sản xuất từ khí tự nhiên. Bằng cách cùng đầu tư vào dự án tại những quốc gia sản xuất khí đốt, hai nước mong thiết lập một hệ thống tiếp nhận nguồn cung ổn định với giá thấp.

Các dự án hợp tác tương tự đã được tiến hành trong khu vực tư nhân.

Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản và Lotte Chemical của Hàn Quốc, cùng với tập đoàn năng lượng khổng lồ RWE của Đức, sẽ phối hợp sản xuất 10 triệu tấn nhiên liệu amoniac hàng năm ở Mỹ, bắt đầu từ thu mua năm 2029. Họ sẽ tạo ra amoniac xanh, tức phải thu giữ và lưu trữ khí carbon dioxide thải ra trong quá trình sản xuất.

Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản và GS Energy của Hàn Quốc đang tham gia vào một dự án tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), do Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi làm chủ. Dự án này dự kiến sẽ sản xuất một triệu tấn amoniac hàng năm, bắt đầu từ 2026.

Hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác về công nghệ lượng tử. Hai viện nghiên cứu quốc gia, là Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản (Japan's National Institute of Advanced Industrial Science) và Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn và Khoa học Hàn Quốc (Technology and the Korea Research Institute of Standards and Science), sẽ sớm công bố một biên bản ghi nhớ hợp tác. Các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Chicago cũng sớm được chia sẻ.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang hợp tác phát triển chất bán dẫn, để cải thiện chuỗi cung ứng. Các lãnh đạo tại APEC dự kiến sẽ khuyến khích thêm những động thái mới, như nhà sản xuất chip Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhau phát triển công nghệ tiên tiến, hay doanh nghiệp chip Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Nhật Bản.

Không chỉ kinh tế, các lĩnh vực khác hai nước láng giềng cựu thù cũng cho thấy sự cải thiện trong hợp tác rất mau lẹ và tích cực.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc đến thăm Washington đầu tháng 11 cho biết, nước này và Nhật Bản sẽ cùng nhau là thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2024, sau 27 năm. Đây là cơ hội tuyệt vời để bắt tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bà Lee Shin-wha, đặc phái viên Hàn Quốc về hợp tác quốc tế liên quan tới Triều Tiên, phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu Hudson tổ chức rằng: “Các đại sứ từ Seoul và Tokyo sẽ ngồi cùng nhau làm việc trong Hội đồng Bảo an. Chúng tôi có cơ hội thảo luận không chỉ vấn đề Triều Tiên, mà còn nhiều lĩnh vực khác.”

dac-phai-vien-lee-shin-wha-cua-han-quoc-ben-trai-anh-unikorea.jpg
Đặc phái viên Lee Shin-wha của Hàn Quốc (bên trái) - Ảnh: Unikorea

Theo bà, với sự tham gia của Hoa Kỳ là thành viên thường trực, ba đối tác sẽ ưu tiên vấn đề kinh tế, khủng hoảng nhân đạo và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Bà Lee nói tiếp, thay vì tập trung vào nghị sự riêng của mỗi quốc gia, như Nhật Bản cố gắng giải cứu công dân bị Triều Tiên bắt cóc trong giai đoạn 1970 - 1980, ba quốc gia nên đưa vấn đề về Triều Tiên ra thảo luận trong khuôn khổ chương trình nghị sự toàn cầu, liên quan tới giá trị phổ quát và trật tự quốc tế tự do.

Lời kêu gọi hợp tác của bà Lee bắt nguồn từ niềm tin rằng, sự hòa giải gần đây giữa Seoul và Tokyo, nên tạo ra những lợi ích hữu hình ngay lập tức, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và hợp tác quốc tế, hơn là lợi ích lâu dài, nhằm giành được thiện cảm của công chúng Hàn Quốc.

Cuộc gặp tại trại David vào tháng 8/2023 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, là thành tựu lịch sử làm thay đổi bối cảnh địa chính trị châu Á, nâng tầm hợp tác ba bên lên mức gần như liên minh. Tuy nhiên, nếu không đạt được những lợi ích ngắn hạn, xã hội Hàn Quốc sẽ bị chia rẽ trong việc ủng hộ nỗ lực này.

Đặc phái viên Lee Shin-wha

Tháng 6/2023, Hàn Quốc đã giành được nhiệm kỳ hai năm với vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, bắt đầu từ năm 2024. Nhiệm kỳ này trùng một năm với vai trò thành viên không thường trực của Nhật Bản giai đoạn 2023-2024.

Nguyễn Văn Phong