“Chợ chiếu ma” Định Yên vẫn “vang bóng"
Du lịch di sản văn hoá các vùng miền của Việt Nam luôn hấp dẫn du khách, nhất là khách nước ngoài. Du khách trong nước thì tự hào vì thông qua sản phẩm du lịch mà biết thêm đất nước mình có quá nhiều điều cần được lưu giữ và bảo tồn, như làng dệt chiếu và “chợ chiếu ma” 200 năm Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Xuất phát từ Sa Đéc - nơi được mệnh danh là “Thành phố hoa của miền sông nước”, dọc theo quốc lộ 80 về hướng phà Vàm Cống chừng 30km rồi rẽ trái vào con đường nối hai xã Vĩnh Thạnh và Định Yên, băng qua cánh đồng lúa mênh mông sẽ bắt gặp thảm lác nhiều màu rực rỡ trải dọc hai bên đường, những chiếc chiếu đang phơi thơm phức mùi lác. Tất cả hoà quyện vào khung cảnh làng quê yên bình. Đó cũng là dấu hiệu cho biết đã đến làng “Văn hoá phi vật thể quốc gia” Định Yên.
Làng chiếu Định Yên hay còn gọi là chợ chiếu Định Yên nằm cạnh sông Hậu. Định Yên nổi tiếng với nghề dệt chiếu có cách nay khoảng 200 năm. Theo các nhà nghiên cứu, cư dân làng chiếu Định Yên có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc bộ, như Thái Bình, Nam Định, khi vào phương Nam, lưu dân đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống.
Chiếu Định Yên có nhiều loại, từ chiếu trắng đến chiếu bông vảy ốc, con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc… Mỗi loại chiếu có chiều dài thống nhất 2 mét, chiều ngang 1,6, 1,4, 1,2, 1 mét, giá phải chăng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chiếu với đủ kích thước, hoa văn nhưng chiếu làng Định Yên vẫn được ưa chuộng hơn cả bởi lác phơi được nắng, dệt dày, tỉ mỉ, độ bền cao, màu sắc phù hợp với thị hiếu nhiều nhóm khách hàng. Trước đây, chiếu Định Yên chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và TP.HCM, gần đây đã có mặt tại thị trường Campuchia, Thái Lan, Đài Loan…
Do tập quán sinh hoạt, điều kiện đặc thù của người dân làm nghề dệt chiếu nên từ xa xưa, ban ngày bà con bận bịu việc đồng áng hoặc miệt mài dệt chiếu nên đến tối mới rảnh rỗi và có chiếu bán. Thương thuyền ghe lái ban ngày buôn bán nơi khác, tối về buông sào neo rạch Ngã Cạy để mua chiếu. Vì vậy, tùy theo con nước, chợ chiếu Định Yên nhóm họp từ trước khuya cho đến hai ba giờ sáng.
Giữa không gian tĩnh mịch đêm quê, trên đường đến chợ, người bán chiếu đốt đèn dầu mù u hay đuốc lá dừa rọi đường, ánh sáng lập lòe, lúc ẩn lúc hiện. Đến trước cổng đình Định Yên, họ dùng đèn hột vịt để mua bán, ánh sáng leo lét soi bóng người qua lại chẳng khác nào những bóng ma lờn vờn trong bóng đêm nên dân gian gọi chợ chiếu Định Yện là "chợ ma", “chợ âm phủ”.
Chợ chiếu Định Yên không có quầy sạp kinh doanh nhưng luôn tấp nập, người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ, người bán thì vác chiếu đi tới đi lui rao hàng, nói giá.
Thời thực dân Pháp đô hộ, người bán chiếu họp vào lúc nửa đêm còn để trốn thuế. Người bán chỉ có cây đèn dầu hột vịt hoặc đèn mù u nên khó nhìn rõ mặt, không thể nào thu nổi thuế của một phần ba số người bán chiếu. Trên bến sông, thương lái đã đóng thuế buôn chuyến nên không phải nộp thuế.
Ba mươi năm trở lại đây, thương lái không lấy hàng vào ban đêm nữa, do đường đi thuận lợi, phương tiện vận chuyển hiện đại hơn. Nhưng những ký ức về cuộc sống của phiên chợ đêm này vẫn được kể cho thế hệ con cháu nghe.
Ngày nay, xã Định Yên và Định An (gọi chung là làng chiếu Định Yên) có 70% hộ dân theo nghề làm chiếu, đã sắm được 620 máy dệt, 62 máy may bìa chiếu, 2 máy se chỉ, 2 máy lau bóng sản phẩm. Hằng năm, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, doanh thu trên dưới 80 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân. Định Yên đã thành lập được một hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút gần chục nghìn lao động ở địa phương và những vùng lân cận.
Làng chiếu lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ với những sợi lác xanh, đỏ, vàng, tím cùng tiếng cười nói xôn xao hoà trong tiếng cọc cạch của máy dệt.
Nghề chiếu Định Yên đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Đây là điều kiện thuận lợi để thương hiệu làng nghề chiếu Định Yên ngày càng được nhiều nơi biết đến.
Trong chương trình xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo địa phương, UBND huyện Lấp Vò và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức tái hiện “Chợ chiếu ma Định Yên” với 150 bà con làng chiếu làm “diễn viên” và đông đảo người dân, khách tham quan, diễn ra trước đình Định Yên, gồm hoạt cảnh trên bờ và dưới rạch Ngã Cạy.
Mở màn là cảnh đêm tịch mịch, tiếng ếch nhái kêu vang. Trên bờ, người dệt chiếu, người mua kẻ bán thỏa thuận giá cả, trả tiền dưới ánh đèn dầu, rồi người bán đạp xe, đi bộ vắt trên vai hoặc gánh chiếu tỏa ra các ngả đường. Dưới rạch, ghe chở lác rao bán rộn ràng, trai gái làng chiếu bơi xuồng qua lại, cất giọng hò Đồng Tháp vang trời đêm, hay chụm lại đờn ca tài tử. Phiên “chợ ma” còn có khu ẩm thực với những món ăn đặc trưng sông nước miền Tây Nam bộ.
Cuối cùng là cảnh hàng trăm chiếc đèn hoa đăng lững lờ trôi theo dòng nước cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Tái hiện “chợ ma” là một chương trình nghệ thuật thực cảnh, “diễn viên” và dân chúng đều là người vùng chiếu Định Yên. Nghề dệt chiếu đã đi cùng họ qua bao năm tháng, họ lớn lên bên khung dệt, trong mùi thơm của sợi lác, trong những câu chuyện về “chợ ma”. Chính những cảm xúc chân thực ấy đã giúp sản phẩm du lịch “Chợ ma Định Yên” càng sống động. Trong không gian mờ ảo, du khách bất ngờ với nét đẹp văn hoá làng chiếu, người dân địa phương thì xúc động và hạnh phúc khi được sống lại cảnh “chợ ma” ngày trước. Qua sản phẩm du lịch “Chợ ma Định Yên”, những người trẻ càng muốn tiếp nối làng nghề truyền thống, xây dựng nghề chiếu ngày càng phát triển.
Để bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề trong điều kiện mới, Đồng Tháp chọn đình Định Yên là nơi tái hiện nghề dệt chiếu thủ công và không gian “chợ chiếu ma” nhằm phát huy giá trị của làng nghề gắn với du lịch nhằm quảng bá thương hiệu chiếu Định Yên, đồng thời có chính sách phù hợp để hỗ trợ làng nghề phát triển.