Chuyện làm ăn

Cách nào khai phá thị trường Halal?

Hồng Nga 09/11/2023 18:02

Với doanh thu hàng nghìn tỷ USD cùng tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 6%, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu đang có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN).

Nhiều tiềm năng

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 2.800 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, chi tiêu cho thực phẩm Halal đã tăng trưởng 6,9% kể cả trong đại dịch Covid-19, từ 1.190 tỷ USD lên 1.270 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo sẽ đạt mức 1.670 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM cho biết, trên toàn cầu, nền kinh tế (Hồi giáo) Halal có tiềm năng rất lớn. Trong đó, khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu với tiềm năng rất cao sản phẩm Halal, bởi số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD. Đặc biệt, xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

32acc5c4e90cc02143f65090bcfd8934.jpg

Tuy Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thuỷ sản, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP, nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó Brunei 143 triệu USD, Indonesia 10,18 tỷ USD, Malaysia 9,31 tỷ USD, Singapore 6,7 tỷ USD. Đó là con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, thị trường Halal rộng lớn nhưng khá thách thức với DN Việt Nam. Thách thức đến từ khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt người Hồi giáo coi việc sử dụng Halal như một nghĩa vụ tôn giáo phải tuân thủ nên sản phẩm phải có giấy chứng nhận là Halal.

Cần nhiều hỗ trợ

Hiện mới có khoảng 20 mặt hàng Halal của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước, có đến 40 địa phương trong cả nước chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Nói cách khác, Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.

Thực tế được lý giải là do hiện nay, không có nhiều DN Việt Nam hiểu rõ về Halal. Thêm vào đó, để được cấp chứng nhận sản phẩm Halal, DN phải tốn khá nhiều chi phí. Đã vậy, giấy chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia, với tất cả các mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN khi phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

TP.HCM đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm Halal và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường liên kết vùng nhằm phát phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal.

DN ngành thực phẩm của TP.HCM là DN nhỏ và vừa, chưa hiểu rõ về sản phẩm Halal cũng như cách thâm nhập trị trường tiềm năng này. DN đã sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal lại gặp khó khăn trong đầu tư nhân sự, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản theo tiêu chuẩn Halal.

Ông Agustaviano Sofja cho rằng, để khai thác được thị trường Halal, DN Việt Nam phải đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị Halal từ nông trại tới bàn ăn. Không chỉ đơn thuần là làm thế nào có nhãn Halal dán lên sản phẩm mà phải truy xuất được nguồn gốc để đảm bảo không tồn tại hàng giả và không có sản phẩm Halal bị nhiễm bẩn. Muốn vậy, phải hợp tác và cộng tác giửa các nước trong khu vực ASEAN để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp thực phẩm Halal bền vững. “Hỗ trợ DN Việt Nam, chúng tôi có thể hợp tác tổ chức hoạt động giúp người dân, DN hiểu về Halal song song với việc nâng cao năng lực, đào tạo việc kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm. Chúng tôi sẽ tổ chức kết nối giữa các tổ chức ở Indonesia với DN Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về những tiêu chuẩn Halal” - ông Agustaviano Sofja cho biết.

Hồng Nga