Quản trị

Không thể có doanh nghiệp đại bàng, nếu CEO chưa phải đại bàng

Nguyễn Thị Minh Đăng (*) 09/11/2023 14:01

Không đơn thuần là những doanh nghiệp có doanh thu bán hàng lớn hoặc được đầu tư khủng, doanh nghiệp “đại bàng” còn là những tổ chức có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và bền vững, trên thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Để hiểu rõ hơn về cách một doanh nghiệp (DN) có thể được xem là "đại bàng" và cơ hội để Việt Nam có nhiều DN đại bàng, chúng ta cần phân tích những yếu tố quyết định và xu hướng hiện tại trong môi trường kinh doanh.

Yếu tố quyết định cho doanh nghiệp đại bàng

Năng lực dẫn đầu trong thị trường lớn: Để thực sự là đại bàng trong thời kì thế giới phẳng, DN cần phải có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Cụ thể là, DN đó phải có năng lực cạnh tranh toàn cầu khi gia nhập vào một thị trường lớn (có khả năng trở thành đại bàng).

Cộng đồng yêu mến thương hiệu: DN nào có cộng đồng khách hàng, đối tác tin yêu lớn thì DN đó có khả năng thành công cao hơn. Sự tin tưởng, lòng chân thành, và cam kết với các bên liên quan giúp xây dựng sự hỗ trợ và ủng hộ cho DN một cách bền vững.

Sáng tạo và đổi mới: Sáng tạo và đổi mới trong sản phẩm, dịch vụ và quy trình kinh doanh giúp DN tiếp tục tạo ra giá trị mới và cạnh tranh liên tục trong việc mang đến nhiều hơn những giá trị cho khách hàng và cộng đồng.

Quản lý rủi ro và thích nghi: Môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng. DN cần phải có khả năng quản lý rủi ro và thích nghi để tồn tại và phát triển.

Ba con đường để doanh nghiệp trở thành đại bàng

Khởi nghiệp nhân rộng mô hình:

Mô hình khởi nghiệp nhân rộng là một cơ hội lớn cho các DN Việt Nam. Điều này đòi hỏi các DN bắt đầu từ những ý tưởng và mô hình nhỏ, sau đó áp dụng phương pháp “lean startup” để phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ cơ bản (Minimum Viable Product - MVP). Sau khi sản phẩm đã có thị trường, họ xây dựng các mô hình kinh doanh có thể nhân rộng để phát triển mạnh mẽ hơn. Các DN như Grab và MoMo đã thành công trong việc áp dụng mô hình này.

Cung cấp sản phẩm đặc thù Việt Nam:

Việt Nam có một loạt sản phẩm đặc thù mà thị trường quốc tế yêu thích như cà phê, gạo, hải sản, và thảo dược. Các DN có thể tận dụng lợi thế này bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Điều này sẽ giúp họ tiếp cận thị trường quốc tế và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm của mình.

13e6e4a16cdaba84e3cb.jpg

Sản xuất lợi thế về qui mô:

Các ngành như sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) có thể tận dụng lợi thế của qui mô sản xuất lớn. Khi tăng kích thước sản xuất và hệ thống phân phối, doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất và cung cấp giá trị cao hơn cho khách hàng. Điều này làm tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm và tạo ra doanh thu lớn.

Trong cuộc chạy đua để trở thành đại bàng trên thị trường kinh doanh, một yếu tố quan trọng mà các DN Việt Nam cần tập trung vào là năng lực lãnh đạo. Lãnh đạo không chỉ đơn thuần là người điều hành một tổ chức, mà còn phải là người biết cách tạo ra tầm nhìn và định hình tương lai. Nếu lãnh đạo DN chưa phải đại bàng, thì không thể tạo ra một doanh nghiệp đại bàng.

Xây dựng năng lực lãnh đạo đúng cách

Đầu tư vào đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo:

Để trở thành đại bàng, DN cần đầu tư vào đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo cho toàn bộ tổ chức và đặc biệt là người đứng đầu tổ chức.

00cdd0e5589e8ec0d78f.jpg
(Trích từ sách Self-Leadership, Tác giả: Ana Lucia Kazan, Andrew Bryant)

Điều này bao gồm việc xây dựng năng lực lãnh đạo bản thân và tư duy kinh doanh. Cụ thể trong lãnh đạo bản thân có đưa ra những định hướng tầm nhìn cho bản thân và khả năng điều hành hoạt động hằng ngày của bản thân để đạt được những mục tiêu mà mình đề ra. Chỉ khi lãnh đạo được bản thân thì mới có thể lãnh đạo người khác, lãnh đạo đội nhóm, lãnh đạo tổ chức và lãnh đạo sự thay đổi. Ngoài ra tư duy kinh doanh tập trung vào nâng cao năng lực đầu tư DN (vì chủ DN cũng là nhà đầu tư vào DN của mình), năng lực kinh doanh và xây dựng thương hiệu, năng lực quản trị tổ chức.

Tạo môi trường thúc đẩy lãnh đạo: Môi trường là một phần quan trọng trong việc phát triển năng lực lãnh đạo. Các DN cần có triết lý nguồn nhân lực để tạo ra môi trường mà năng lực lãnh đạo được phát triển, các cá nhân được khuyến khích thử nghiệm, vượt qua các thách thức, và học hỏi liên tục trong quá trình làm việc.

Lãnh đạo là đại bàng và doanh nghiệp là thành quả

Lãnh đạo là người định hình tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp. Họ phải có khả năng nhìn xa, đưa ra những quyết định chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tầm nhìn và chiến lược này sẽ xác định hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai.

Giống như đại bàng, lãnh đạo cũng phải có khả năng thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng. Họ cần khám phá và áp dụng các cách tiếp cận mới, thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức và tạo cơ hội cho sự phát triển.

Lãnh đạo cần xây dựng đội ngũ làm việc hiệu quả và đội ngũ lãnh đạo kế cận. Họ phải tạo cơ hội cho các thành viên trong tổ chức phát triển và thúc đẩy sự đồng lòng và tương tác tích cực trong đội ngũ. Lãnh đạo cần tạo và duy trì một hình ảnh tích cực cho DN và đảm bảo rằng họ tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh.

(*) Chủ tịch HĐQT và CEO Công ty CP Koro

Nguyễn Thị Minh Đăng (*)