Quốc tế

Lý do dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tăng trưởng âm

Nguyễn Văn Phong 09/11/2023 11:00

Theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố ngày 3/11, trong quý III từ tháng 7 đến tháng 9/2023, lần đầu tiên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này ít hơn vốn đi ra.

Các chuyên gia cho rằng, lý do bởi tình hình kinh tế của đất nước tỷ dân đang ảm đạm, như bất động sản khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp, cạnh tranh với Mỹ ngày càng quyết liệt và sự cứng rắn của chính phủ đối với một số doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý III vừa qua, vốn FDI của Trung Quốc âm 11,8 tỷ USD. Đây là dữ liệu thấp hơn 0 lần đầu tiên từ năm 1998. Hàng loạt công ty đã cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, hoặc chuyển hoạt động kinh doanh ra bên ngoài, như tới Việt Nam, Malaysia, Singapore hay Ấn Độ. Doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, chip và chất bán dẫn đóng vai trò chủ đạo trong xu hướng trên.

doanh-nghiep-cong-nghe-dang-di-dau-lan-song-rut-khoi-thi-truong-trung-quoc2.jpg
Doanh nghiệp công nghệ đang đi đầu làn sóng rút khỏi thị trường Trung Quốc - Ảnh: CNN

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 9/2023 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc tổ chức, gần một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Trung Quốc nói rằng, họ sẽ không đầu tư vào nước này trong năm 2023, hoặc đầu tư ít hơn so với năm 2022.

Căng thẳng leo thang với Mỹ trên mặt trận kinh tế và thương mại cũng là một nguyên nhân. Theo khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc thực hiện vào tháng 8/2023, có tới 66% doanh nghiệp Hoa Kỳ đang làm ăn ở Trung Quốc nói rằng, căng thẳng song phương gia tăng đang gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh của họ.

Tháng 8/2023, Mỹ công bố những hạn chế chặt chẽ hơn đối với đầu tư vào lĩnh vực chip và trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. Mặc dù Washington đang nỗ lực thương lượng với Bắc Kinh, để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC ở San Francisco vào tháng 11 tới, nhưng Nhà Trắng không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ trong vấn đề trên. Lý do vì an ninh kinh tế.

Theo dữ liệu của công ty phân tích Rhodium Group có trụ sở tại Mỹ, khi các doanh nghiệp lớn về chất bán dẫn xem xét địa điểm đầu tư tiềm năng, khoảng 48% nghĩ đến Trung Quốc trong năm 2018. Con số giảm còn 1% vào năm 2022. Ngược lại, năm 2018 không có công ty nào muốn đầu tư vào Mỹ, nhưng năm 2022 là 37%. Tương tự, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Ấn Độ, Singapore, Việt Nam hay Malaysia tăng từ 10 đến 38% trong thời gian trên.

Dự luật phản gián sửa đổi mới đây của Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 7/2023, cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại. Dự luật này đã mở rộng điều kiện, trong việc coi các tổ chức và cá nhân nước ngoài là gián điệp.

Ông Yusuke Miura, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI từ Nhật Bản nói: “Luật pháp và quy định của Trung Quốc đang tạo ra nhiều rào cản. Điều này khiến không ít doanh nghiệp cảm thấy lo ngại. Họ chần chừ khi quyết định làm ăn lâu dài, bởi rất có thể sẽ trở thành con tin, nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và đất nước quê hương họ tăng cao. Một doanh nhân Nhật Bản đã sống lâu năm ở Trung Quốc bị bắt với cáo buộc làm gián điệp, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai trong thời gian qua, thực sự khiến người ta bất an.”

Lý do khác là các công ty nội địa Trung Quốc đang mạnh lên rất nhiều, khiến việc cạnh tranh ngày càng khó khăn, nên doanh nghiệp nước ngoài phải rời đi tìm miền đất khác. Mitsubishi Motors tháng 10/2023 thông báo, họ không thể cạnh tranh được về xe điện với các hãng nội địa của Trung Quốc, nên có kế hoạch ngưng sản xuất và chuyển sang quốc gia khác, ví dụ ở Đông Nam Á.

Để ngăn làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rút đi, Chính phủ Trung Quốc tung ra nhiều chính sách hỗ trợ, như nới lỏng quy định về đầu tư trong lĩnh vực sản xuất.

Dù Chính phủ Trung Quốc có những bước đi tích cực, nhưng vẫn rất thận trọng. Tôi tin rằng, điều đó không thể tác động một khi các doanh nghiệp nước ngoài có ý định rời đi. Thật ra ở khía cạnh nào đó, Trung Quốc đang muốn doanh nghiệp nội địa mạnh lên, để dần tự chủ về công nghệ và không phụ thuộc vào bất kỳ bên nào.

Ông Yusuke Miura, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI

Thời gian gần đây, Trung Quốc gấp rút xây dựng chuỗi cung ứng chip cho riêng mình, khi căng thẳng với Mỹ không giảm nhiệt. Mục tiêu của chính phủ, là các công ty hàng đầu như Huawei phải rút ngắn khoảng cách công nghệ với tiêu chuẩn của thế giới, tiến tới tự chủ về nguồn cung linh kiện quan trọng.

Huawei Technologies vào tháng 8/2023 bắt đầu bán điện thoại thông minh được trang bị chip 7 nanomet. Vì các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ bao gồm cả công nghệ 7 nanomet, đã làm dấy lên nghi ngờ rằng, công nghệ hoặc sản phẩm của Mỹ bằng cách nào đó đã được sử dụng trong quá trình phát triển chip của Huawei.

Mặc dù công nghệ chip trên thiết bị di động của Huawei chậm hơn khoảng 5 năm so với loại 3 nanomet do TSMC và Samsung sản xuất, nhưng nó vẫn cho thấy sự tiến bộ rất nhanh. Đại diện một nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc nói với Nikkei Asia: “Có nhiều cách để lách hạn chế của Mỹ, như nhập khẩu thiết bị qua nước thứ ba.”

Trước những lo ngại như vậy, ngày 17/10 vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ công bố biện pháp hạn chế xuất khẩu mới, nhằm ngăn chặn công nghệ bán dẫn tiên tiến chảy sang Trung Quốc thông qua bên thứ ba.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc khó mua được chip và chất bán dẫn hiện đại từ Hoa Kỳ, có thể ảnh hưởng đến tốc độ đổi mới và mục tiêu tăng năng suất công việc trong doanh nghiệp, dẫn tới giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là lo ngại, khiến nhiều tập đoàn điện tử lớn có kế hoạch giảm đầu tư, hoặc rút bớt vốn khỏi thị trường Trung Quốc.

Nguyễn Văn Phong