Start up

Cần làm gì để thương mại hóa được công trình nghiên cứu khoa học?

Lê Hạnh 09/11/2023 09:00

TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, khi xây dựng mô hình trường đại học khởi nghiệp thành công, mối quan hệ giữa ba nhà là Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp (DN) sẽ gắn kết. Qua đó, những nghiên cứu khoa học thành công của các trường đại học, cao đẳng sẽ được thương mại hóa.

* Dù được sự hỗ trợ của các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp nhưng nhiều dự án, nghiên cứu của sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn khó thương mại hoá hay hình thành công ty khởi nghiệp. Theo ông, đại học khởi nghiệp có thể cải thiện điều ấy không?

dsc00239.jpg

- Không phải chỉ sinh viên mà giảng viên và nghiên cứu viên - những người hiểu về lĩnh vực mà họ nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thương mại hóa tài sản trí tuệ. Nếu xây dựng được đại học khởi nghiệp, tôi tin việc này sẽ diễn ra thuận lợi.

Ở các trường đại học, hầu hết hoạt động khoa học - công nghệ diễn ra tại các khoa chuyên môn, viện, trung tâm. Đây là nơi tạo ra những những sản phẩm tạm gọi là tài sản trí tuệ và khâu thương mại hóa ở mỗi trường sẽ theo một mô hình khác nhau. Ví dụ, ở Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, việc thương mại hóa sẽ thông qua Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Nếu các đối tác đặt hàng mà Trường đã có sản phẩm hoàn thiện thì có thể chuyển giao trực tiếp, còn thương mại hóa thông qua một sản phẩm hoặc hình thành những DN để kinh doanh sản phẩm dựa trên tài sản trí tuệ thì sẽ dài hơi hơn. DN đăng ký chương trình ươm tạo ở Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phải qua ba bước. Thứ nhất là tiền ươm tạo, thuyết minh dự án. Thứ hai là ươm tạo, tức tìm cách để cho sản phẩm ra thị trường và ngày càng mở rộng. Thứ ba là tăng tốc. Lúc này, DN được ươm tạo có thể ra khỏi vườn ươm và tự kinh doanh.

* Để thương mại hoá các dự án, công trình nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng, đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - DN và Nhà nước. Vậy theo ông, làm sao để thu hút DN tham gia hệ sinh thái này?

- Đây là một việc khá khó, vì DN căn cứ vào lợi ích trong những thương vụ đầu tư, không chỉ về mức sinh lời mà còn cả thời gian, trong khi cái khó của nhiều DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là thời gian ươm tạo khá lâu. Nhiều nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn để đợi họ hoàn thiện và chứng minh sản phẩm có chỗ đứng trong thị trường. Hiện, các trường đại học, cao đẳng đang tìm cách thay đổi hướng tiếp cận, đó là tìm đối tác chiến lược. Những đối tác ấy sẽ hỗ trợ công ty khởi nghiệp ĐMST được ươm tạo trong trường phát triển còn trường sẽ giới thiệu cho họ những ứng viên nhân sự xuất sắc. Như vậy, khi các trường đại học, cao đẳng có những DN là đối tác chiến lược thì hai bên sẽ cùng nhau phát triển, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.

sp-nong-lam-food.jpg

* Để triển khai nghiên cứu khoa học, ĐMST gắn với thương mại hóa, cần phải đầu tư không chỉ nguồn lực mà cả tài chính, cơ sở hạ tầng, trong khi các trường đại học, cao đẳng đều “khát vốn” khởi nghiệp. Vậy theo ông, nên giải quyết tình trạng này như thế nào?

- Cái khó nhất là tạo ra được sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh tối ưu. Khi chứng minh được tính hiệu quả của sản phẩm thì tự khắc vốn sẽ đến vì các nhà đầu tư rất nhanh nhạy trong việc này. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của những người làm công tác hỗ trợ ươm tạo DN ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay không phải là vốn mà là làm sao tìm ra sản phẩm, mô hình kinh doanh hay công nghệ mới tạo ra được sự thay đổi.

Tuy nhiên, nếu không có “cú hích” ban đầu về tài chính thì cũng rất khó để đạt được điều ấy. May mắn là hiện giờ đã có nhiều chính sách mới, như Nghị quyết 98 của Quốc hội Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã tham mưu với lãnh đạo Thành phố sớm có cơ chế mới, không chỉ về thuế mà cả chính sách đầu tư không hoàn lại cho những DN khởi nghiệp ĐMST.

Nghị định 109 của Chính phủ Về hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học quy định, nhà trường phải trích một phần nguồn thu để đầu tư cho khoa học - công nghệ, qua đó, thúc đẩy việc tạo sản phẩm chất lượng cao. Cơ chế mới cũng khuyến khích các trường đại học hướng đến thành lập quỹ khoa học - công nghệ, hạch toán tương đối độc lập với tài chính của trường. Như vậy, các trường sẽ linh hoạt hơn trong việc tài trợ cho việc ươm tạo DN khoa học - công nghệ.

* Để hướng đến xây dựng đại học khởi nghiệp, các trường đại học, cao đẳng cần thêm những sự hỗ trợ gì về cơ chế, chính sách, thưa ông?

- Khi các trường đại học, cao đẳng đã có thế mạnh về nghiên cứu khoa học thì cần tập trung để tạo ra sản phẩm, công nghệ tối ưu. Sản phẩm có hiệu quả thì sẽ có người nhìn thấy khả năng ứng dụng và tìm đến thương mại hóa. Do đó, hiện tại các trường muốn thúc đẩy giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên xem việc nghiên cứu khoa học và tạo ra sản phẩm phục vụ cho cuộc sống là một tất yếu và có những chính sách khuyến về tài chính, cơ sở vật chất. Tôi muốn nhấn mạnh, chỉ khi nào DN tìm đến các trường đại học, cao đẳng trở thành chuyện bình thường, DN xác định đây là nơi họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh thì lúc đó nếu có những vấn đề bất cập, tự khắc sẽ có người giải quyết.

* Vậy khi xây dựng thành công đại học khởi nghiệp, quan hệ giữa ba nhà cũng như việc thương mại hóa các công trình nghiên cứu trong các trường đại học, cao đẳng sẽ được giải quyết như thế nào?

- Tôi nghĩ là khi xây dựng thành công đại học khởi nghiệp thì vấn đề này tự nó sẽ được giải quyết. Để có được mô hình đại học khởi nghiệp thật sự thì cần phải có sự đồng hành chặt chẽ, mang tính chiến lược của nhà trường với DN và Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ bằng cách điều chỉnh những chính sách để sự hợp tác giữa nhà trường và DN diễn ra thuận lợi.

Hiện tại, Việt Nam chưa có trường đại học khởi nghiệp nhưng đã bắt đầu có những thay đổi về tư duy, đó là các trường đại học dần dần đánh giá các tiêu chí về khởi nghiệp ĐMST do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đây là định hướng để các trường hướng đến mô hình đại học khởi nghiệp.

Khi đã xây dựng đại học khởi nghiệp thành công, sự gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường và DN sẽ trở nên bình thường. Để được gọi là đại học khởi nghiệp, phải có mối liên hệ chặt chẽ, thân thiết và bình thường với DN để hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp ĐMST trong trường. Hiện, chúng ta đang nỗ lực để đạt đến mô hình như vậy.

* Cảm ơn ông!

Lê Hạnh