Văn hóa nghệ thuật

Nhạc sĩ Vũ Thành An: “Từ nghìn trùng ta gặp nhau đây…”

Như Ngọc-Ý Nhi 11/11/2023 19:06

Một chiều nắng nhẹ cuối thu Sài Gòn, trong dịp tình cờ, tôi có cơ duyên trò chuyện cùng tác giả “những bài hát không tên” nổi tiếng suốt sáu thập niên qua. Ở cái tuổi “thập cổ lai hy” người nhạc sĩ với nụ cười rất hiền thường trực trên môi vẫn viết khúc ca với hy vọng sau khi ra đi chúng vẫn tồn tại.

* Thưa ông, những “bài hát không tên” đã sống trong ký ức biết bao thế hệ suốt 6 thập niên qua. Chắc hẳn ông có những cảm xúc rất đặc biệt đối với sự yêu mến này…

- Tôi rất quý mến tình ca và đặc biệt quý mến thính giả của dòng nhạc này. Người thưởng ngoạn ở Việt Nam vẫn còn thích dòng nhạc có thể gây thương nhớ nhưng cũng có thể “đứt đoạn” con tim và day dứt khôn nguôi đối với những mối tình chia lìa. Điều này đã chứng tỏ sự bền vững của những tình ca mang màu sắc rất riêng trong tâm hồn con người. Mong rằng dòng nhạc này sẽ được tiếp nối, một phần nào đó được xem như tài sản tinh thần của ngôn ngữ Việt Nam.

bia-vu-thanh-an.jpg

* Vì sao với ông, những tác phẩm ấy lại là tài sản tinh thần của “ngôn ngữ Việt Nam”? Có phải vào thời điểm đó từng ý tứ, ca từ trong bài hát được trau chuốt rất kỹ?

- Mỗi một giai đoạn có cách viết khác nhau, nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, những sự kiện diễn ra thời ấy. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh, đó là những bản tình ca thể hiện được phần nào vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt Nam. Chính bởi ca từ đẹp và mang đến giá trị tinh thần sống động, chuyên chở “ý tứ” của tác giả và ảnh hưởng trực tiếp đến người nghe, đã lưu giữ được linh hồn của người Việt Nam, cho nên dù bài hát đã được sáng tác mấy chục năm về trước, những thế hệ sau này nhiều người vẫn tìm được sự đồng điệu.

* Giới sáng tác trẻ đã du nhập rất nhiều ca từ mới lạ, vậy theo ông nét đẹp và giá trị trong ngôn từ của Việt Nam liệu rằng dần dần có giảm đi?

- Ngày trước có những ngôn từ đẹp được đại chúng công nhận, có những nét nhạc nhiều người quý mến, trở thành những bài ca có đời sống lâu dài. Thời nay cũng vậy, vẫn có những bài nhạc để người trẻ thưởng thức. Đó là tiếng nói của thời đại, phải công nhận và tôn trọng tiếng nói riêng đó. Tuy nhiên vẫn phải theo quy chuẩn chân - thiện - mỹ. Hy vọng những tiếng nói riêng đó bày tỏ được giá trị nghệ thuật, thêm nhiều bài hát đậm chất nghệ thuật ra đời để mọi người cùng thưởng thức.

* Ông có nghĩ một lúc nào đó những bản tình ca cũ sẽ bị lãng quên?

- Tôi không nghĩ vậy. Bởi mỗi dòng nhạc ra đời và tuỳ từng thời điểm sẽ dành cho một đối tượng riêng. Có thể lúc này ai đó thích nghe nhạc sôi động nhưng đến một lúc nào đó lại thích những tình ca xưa từng ảnh hưởng đến tâm hồn bao người, rồi chính họ cũng thích. Cuộc sống là vậy, tùy hoàn cảnh, tuỳ tình thế mà thay đổi cho phù hợp. Khi đọc một cuốn sách vào thời điểm 10 tuổi sẽ khác, 15 hay 20 tuổi sẽ khác và cận kề cái chết lại cảm thấy khác nữa. Và một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, dù ở đâu, người Việt nghe những ca khúc của người Việt sẽ thích hơn, vì cảm nhận được bản sắc, văn hoá và cái tình thân thuộc trong bài hát.

* Những sáng tác hiện nay phần lớn không đặt nặng về mặt ý nghĩa, câu từ cũng không được giàu tính nghệ thuật như thời trước...?

- Người sáng tác cần phải đọc nhiều tác phẩm nghệ thuật của thế giới và Việt Nam. Khi còn trẻ tôi đọc rất nhiều và tôi viết được những tình ca đó đều không phải là tự nhiên mà do kết hợp cái tinh hoa của thế giới với tinh hoa nghệ thuật của Việt Nam.

Tôi tin rằng vẫn có những bản nhạc rất hay và giàu thi vị của người trẻ sáng tác đang nằm ở đâu đó chờ ngày toả sáng, tôi tin rằng thời nào cũng có nhân tài, vẫn có những nhân tài tiềm ẩn chưa xuất hiện.

* Ông sẽ nhắn gửi điều gì đến các bạn trẻ đang trên con đuờng sáng tác?

- Tôi mong rằng người viết nhạc cố gắng tìm được con đường riêng và sống thật với tâm hồn mình. Buổi đầu tôi viết ca khúc chỉ để kỷ niệm một cuộc tình. Nhưng chính cách sống thật với tâm hồn đã giúp những bản tình ca ấy sống lâu đến vậy. Bài hát phải có giai điệu đẹp và phải lạ, tiếp đến là ca từ, đó là hai yếu tố quan trọng.

Khi mình có cái độc đáo thì chắc chắn tác phẩm sẽ được công nhận. Nhạc sĩ đừng ngần ngại bày tỏ sự riêng biệt qua tác phẩm nghệ thuật, tôi tin rằng sự riêng biệt đó sẽ tồn tại.

* Những tác phẩm gần đây của ông vẫn được đông đảo thính giả đón nhận. Ông muốn truyền lại thông điệp gì qua những sáng tác mới ấy, thưa ông?

- Đề tài sáng tác bây giờ không còn là tình yêu đôi lứa nữa mà tôi muốn nói đến tình yêu tuyệt đối. Con người đi mãi một vòng, mong mỏi vật chất, cuối cùng lại dừng chân quay về cội nguồn bên trong, mong cầu niềm vui trong tâm hồn. Tôi mong mọi người đều có một đức tin, đức tin là đường đưa ta đến hạnh phúc. Hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau ở tình yêu tuyệt đối, tình yêu tuyệt đối đã tạo ra chúng ta tươi đẹp và chính tình yêu tuyệt đối đó nuôi dưỡng chúng ta. Chính khi tin điều đó, ta sẽ thấy vụ trụ này thật diệu kỳ, ta sẽ biết yêu quý bản thân mình, bao dung hơn, yêu người và yêu đời hơn. Hãy yêu một tình yêu không có sự phản bội, như tình yêu của đấng tạo hoá dành cho vạn vật, như trái đất quay quanh mặt trời vậy. Quỹ đạo đó bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu triệu năm nay vẫn cứ như vậy để chúng ta có bốn mùa xuân hạ thu đông…

Như Ngọc-Ý Nhi