Để thu hút các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ: Cần môi trường kinh doanh có tính tiên liệu cao
Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị nội lực, mở rộng cơ hội hợp tác song phương với các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ khi quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển...
Thu hút nhà đầu tư lớn tạo nên giá trị nâng cấp quan hệ
Lẽ ra quan hệ Việt - Mỹ nên được nâng tầm sớm hơn bởi vì trong suốt thời kỳ đổi mới và phát triển, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ 0 USD năm 1995 lên 123 tỷ USD năm 2022. Và lẽ ra, sau hơn 20 năm từ khi Mỹ bỏ cấm vận, thiết lập bang giao với Việt Nam, là một cường quốc kinh tế - công nghệ, nước Mỹ phải là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam… Nhưng thôi, có những cái khó nó bó cái khôn, thà trễ còn hơn không. Tuy cả hai bên đã muốn đến gần nhau nhưng chưa được như ý thì bối cảnh hiện tại là thời cơ tốt để nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược toàn diện.
Đầu tiên, xin phân tích cụm từ “quan hệ chiến lược” để tránh sự hiểu lầm quan hệ chiến lược chỉ là tập trung vào quân sự, ngoại giao, chính trị.
Về phía Việt Nam nên nghĩ “chiến lược” trong khuôn khổ “mình chơi với ai, được lợi gì” đối với sự phát triển bền vững cho đất nước. Vì nhiều năm qua, chủ trương ngoại giao của Việt Nam vẫn là đa dạng, đa phương, giữ được độc lập, tự chủ. Do đó đến thời điểm này, phía Hoa Kỳ đã thấy được vai trò quan trọng của Việt Nam đối với họ, nên đây là cơ hội để Việt Nam ngồi vào bàn thương thuyết để có được từ mối quan hệ “cái gì mình cần” từ Mỹ. Chơi với ai cũng vậy, cần biết người - biết ta - biết mình - biết bạn, mối quan hệ mới được vui vẻ, bền lâu. Về giá trị tuyệt đối, “chơi” với Mỹ có nhiều cái lợi, đặc biệt là họ có công nghệ tiên tiến, có khả năng đầu tư mạnh và mình có thể học hỏi được nhiều từ họ để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên sao cho xứng tầm.
Người Mỹ, với họ, chuyện làm ăn là số 1. Bởi vậy, trong các kỳ tranh cử tổng thống, bất kỳ ông cố vấn tranh cử nào cũng nhắc sếp là “economy first”, “economy stupid” (nhớ nha, kinh tế là cái số 1).
Do đó, nếu đem được những nhà đầu tư hàng đầu trong những lĩnh vực mình cần về Việt Nam thì đó là giá trị lớn nhất mà mình có thể có từ trong mối quan hệ Việt - Mỹ, mà không nhất thiết phải là quân sự, tàu chiến Mỹ cập bến ở đây hay kia… Cần phải có cái nhìn toàn diện như vậy, khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao - những lĩnh vực mà Việt Nam thật sự cần đến. Quan trọng là mình phải chủ động, biết mình cần gì để đi tìm những đối tác uy tín nhất, tạo mọi điều kiện cho họ vào Việt Nam. Khi vào rồi thì tạo điều kiện cho họ thành công vì họ thành công cũng tức là mình thành công. Ngoài chuyện làm ăn, những công ty này còn đem đến cho mình những giá trị chiến lược cực kỳ lớn, vì CEO và thành viên hội đồng quản trị các công ty, tập đoàn này là những người có thế lực rất lớn ở Mỹ. Qua họ, mình tạo được một quỹ đạo gồm những người bạn quý trong nước Mỹ, trong chính trường Mỹ.
Nâng cao trình độ quản trị tương đồng để tạo cơ hội trong hợp tác
Trong mối quan hệ cá nhân cũng như xã hội, kinh tế, thương mại, yếu tố quan trọng nhất là tính tiên lượng (predictability). Đơn giản nhất như việc hai người quyết định làm bạn với nhau, thì điều đầu tiên phải có lòng tin lẫn nhau, có thể dự đoán được bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu mình làm điều gì đó cho bạn, tin tưởng vào con người của bạn và biết rằng bạn sẽ không làm điều gì đó gây bất lợi cho mình. Tính tiên liệu rất quan trọng trong các mối quan hệ.
Nhưng qua khảo sát của các nhà đầu tư nước ngoài, tính tiên liệu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam khá thấp. Họ sẽ nói, nếu tôi đầu tư việc này theo những gì anh đã hứa với tôi, tôi chấp nhận rủi ro, như kinh tế thế giới thay đổi, nhưng tôi sẽ không chấp nhận rủi ro mà tôi không thể lường được trước tại quốc gia của anh.
Nhưng qua khảo sát của các nhà đầu tư nước ngoài, tính tiên liệu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam khá thấp. Họ sẽ nói, nếu tôi đầu tư việc này theo những gì anh đã hứa với tôi, tôi chấp nhận rủi ro, như kinh tế thế giới thay đổi, nhưng tôi sẽ không chấp nhận rủi ro mà tôi không thể lường được trước tại quốc gia của anh.
Do đó, tôi từng nhấn mạnh việc, Việt Nam muốn làm ăn tốt với các nhà đầu tư uy tín ở nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, thì doanh nghiệp cần có tính “quản trị” cao. Để khi họ đến và thấy, rằng doanh nghiệp này thực sự quan tâm đến việc xây dựng nội lực, hệ thống kỷ cương nhằm có cách ngăn ngừa và xử lý khi xảy ra rủi ro, chứng tỏ doanh nghiệp này vừa nghiêm túc, vừa có chiến lược phát triển mà mình có thể tham gia, vừa có nội lực tốt, thì doanh nghiệp này có thể đi được đường xa với mình mà không gãy gánh giữa đường.
Và dĩ nhiên, chúng ta cũng cần hoàn chỉnh môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật… để nhà đầu tư thấy ít rủi ro. Nếu không, họ chỉ đầu tư vào những dự án “ăn xổi”, nghĩa là có tầm nhìn ngắn hạn, trong vài ba năm lấy lại vốn lẫn lời rồi rút. Chúng ta sẽ không có những đối tác có thể cùng nhau xây dựng tương lai lâu dài. Muốn đối tác chuyển giao công nghệ thì phải cho họ thấy họ có một tương lai ít nhất từ 15 đến 20 năm để sinh lời, vì họ xem đó là “sống chung” với mình để có “lợi chung”. Nếu không được như vậy, họ chỉ tính chuyện đổi chác qua lại trong ngắn hạn mà thôi. Và mình sẽ không có cơ hội làm ăn với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia uy tín, mà họ vốn có những loại đầu tư có khả năng hỗ trợ mình xây dựng nội lực và phát triển bền vững.
Tận dụng tầng lớp trung lưu với thị trường ngày càng lớn mạnh
Như chúng ta đã biết, vừa qua có hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ qua Việt Nam khảo sát. Lý do, Việt Nam bây giờ không phải như Việt Nam của 20 năm trước. Dân số hơn 100 triệu người với nhóm dân số có thu nhập trung bình lớn là một thị trường tốt. Thông qua quan sát lượng tiền người Việt Nam đầu tư mua trái phiếu trong những năm qua, có khi lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng chục tỷ USD, họ nhận thấy “đồng tiền dưới gầm giường” của người dân Việt Nam còn rất nhiều, sẽ có tiềm năng đầu tư lớn, nên họ quan tâm.
Tuy nhiên, trước tiên Việt Nam cần phải định vị, định hướng rõ ràng để biết mình cần “chơi” với ai, ai có thể đem lại cho mình được cái gì, nên các ngành cần quan tâm, gồm công nghệ cao, nông nghiệp (vì liên quan đến 70% dân số Việt Nam). Nếu biết chuyển đổi số và ứng dụng nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn thì tiềm năng của các lĩnh vực này rất lớn, vì sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho tổng ngành nông nghiệp và đến tận từng nông dân (những người đã và đang phải chịu các rủi ro lớn trong quá trình sản xuất vì chuỗi cung ứng luộm thuộm), khi giúp họ tổ chức lại công việc tinh gọn, tăng năng suất lao động.
Tiếp theo là vấn đề môi trường kinh doanh. Tương tự như khi bạn mời ai đến đá một trận bóng, điều quan trọng nhất là sân bóng của bạn có bằng phẳng không, an toàn không, hay là đang lộn xộn khiến khách chạy trên sân bị té ngã bong gân. Rồi luật chơi của bạn có chuyên nghiệp. Trọng tài của bạn có công minh. Nếu minh bạch, công bằng, bình đẳng, cuộc chơi hấp dẫn, ai cũng vui, ai cũng được lợi. Do đó, Việt Nam cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để sao cho đầu tiên doanh nghiệp trong nước phải tin vào môi trường kinh doanh nước nhà để họ mạnh dạn đầu tư, hướng về tương lai, tránh tình trạng làm được một số tiền rồi bỏ ra nước ngoài mà một số doanh nghiệp vì hoàn cảnh đã buộc phải làm vậy. Hoặc, nếu đã muốn ra nước ngoài thì doanh nghiệp nên mạnh dạn làm ăn tốt trong nước rồi đầu tư ngược ra thế giới. Đã đến lúc các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nên nghiên cứu chiến lược đầu tư vào Mỹ vì Mỹ có nhiều cơ hội đầu tư tốt và họ cũng rất khuyến khích.
Quay lại chuyện tính tiên liệu, yếu tố quyết định cho việc gây dựng mối quan hệ với bất kỳ ai. Khi đã kết bạn hoặc làm ăn với nhau, tôi làm việc này và biết bạn mình có thể làm việc kia để hai bên cùng tạo ra kết quả cụ thể nào đó, và còn vì có những chuyện hay để kể cho nhau nghe, ví dụ như bạn có thể làm việc với tôi theo cách này, chúng ta làm việc này cùng nhau để đến “vùng đất hứa” kia, bộ máy quản trị của tôi rất tốt, bạn sẽ không gặp phải rủi ro “máy hỏng dọc đường”… Và về mặt cá nhân, khi hai ông chủ ngồi lại với nhau, họ phải thấy được cả hai bên đều có cùng cam kết “nói là làm”. Vậy, để doanh nghiệp trong nước có khả năng làm cho người khác tin mình, ngoài chuyện thành tâm, thì môi trường kinh doanh phải cho phép ông đó “nói được là làm được”.
Nhiều học giả nghiên cứu về kinh tế Việt Nam đều đánh giá ít có nơi nào trên thế giới mà tinh thần khởi nghiệp cao như tại Việt Nam. Từ những ngày đầu chúng tôi đến đây, cũng là những ngày khó khăn nhất vào đầu thập niên 1990, nơi đâu cũng hừng hực sức sống làm ăn. Ngồi đâu cũng thấy bàn chuyện làm ăn, mua thấp bán cao, từ anh thanh niên cho đến người lớn tuổi. Nếu các bạn nhìn lại những doanh nhân thành đạt trong vòng ba thập niên qua sẽ thấy đây là những bài học khởi nghiệp hiếm có trên thế giới. Vì nếu nói về nghĩa tương đối, chúng tôi đánh giá các doanh nhân này là những người anh hùng vì họ dám làm những chuyện mà người bình thường như tôi không dám làm. Vì trong một môi trường đầy rủi ro, đầy khó khăn mà họ dám làm và họ thành công. Dĩ nhiên, nền kinh tế nước mình có ngày hôm nay là nhờ những doanh nhân trong nước thế hệ trước đã mạnh dạn dấn thân, chấp nhận rủi ro. Thành thử, chúng ta không thiếu tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, đáng lẽ chúng ta phải có nhiều doanh nhân thành đạt hơn, chất lượng hơn, có thể đi đường dài và đầu tư mạnh dạn hơn. Tất cả là vì môi trường kinh doanh của mình còn nhiều rủi ro không đáng có.
Doanh nghiệp thành thật muốn làm tốt và hợp tác tốt nên sẽ làm tất cả những gì cần làm, từ chiến lược kinh doanh cho tới quản trị, quản lý. Nhưng sau khi nhà đầu tư đánh giá đối tác của mình sẽ tiến hành đánh giá môi trường kinh doanh chung của đất nước đó, nhất là hệ thống pháp luật, hành chính... bằng cách dựa vào trải nghiệm và lịch sử đầu tư của người đi trước (thông qua các hiệp hội doanh nghiệp như AmCham của Mỹ hoặc EuroCham của châu Âu). Dĩ nhiên, quá khứ là quá khứ nhưng quá khứ đó cũng là cơ sở để đánh giá tương lai. Vậy nên, quan trọng là Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp phải thể hiện được sự quyết tâm vượt khó bằng cách hoàn thiện chính mình, để mình có thể có được bạn tốt. Chúng ta không chỉ giàu mà còn phải sang vì có sang mới bền vững. Bản thân mình “sang” thì mới kết bạn được với bạn sang. Và sang còn có nghĩa là “sống đúng”.
Việt Nam đang cần những nhà đầu tư chiến lược và có ảnh hưởng lớn. Mỗi nhà đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực mình cần phải đầu tư từ vài tỷ đô la trở lên. Khi họ vào sẽ cần có hệ sinh thái nhất định. Nếu mình biết kết nối với họ, cung cấp thiết bị phụ trợ, một số dịch vụ đi kèm để phục vụ hệ sinh thái của nhà đầu tư đó thì ta cũng sẽ có hệ sinh thái giống như họ. Một nhà đầu tư lớn tương tự như một chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ. Khi đi sẽ có nhiều chiếc tàu nhỏ hơn đi cùng. Chỉ riêng việc phục vụ các đối tượng này từ những chuyện nhỏ nhất, nếu họ vào đầu tư vài tỷ đô la tại một khu vực cụ thể, sẽ tạo cơ hội thay đổi nguyên bộ mặt của khu vực đó. Các nhà đầu tư lớn chính là những cây cầu nối nên chúng ta phải tập trung vào các “ông lớn” này trước, mình phải “ôm ấp” mấy ông sao cho khi vào đầu tư được thuận tiện nhất, làm ăn hiệu quả nhất, từ đó mình mới có thể cùng họ phát triển đường dài.
(*) Chuyên gia kinh tế - CEO (APEC) Công ty Chiến lược doanh nghiệp toàn cầu 3HORIZONS (London, Anh)