Indonesia mời gọi phương Tây đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện
Indonesia muốn Mỹ và châu Âu không chỉ mua nguyên liệu thô từ nước này, mà còn đầu tư vào phát triển xe điện và pin cho xe điện. Thứ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia vừa cho biết như vậy với Nikkei Asia.
Indonesia rất muốn trở thành quốc gia hàng đầu về xe điện, nhờ nguồn tài nguyên niken dồi dào. Đây là thành phần chính trong sản xuất. Tuy nhiên, Jakarta cho rằng, mong muốn của họ bị cản trở bởi các biện pháp ngày càng mạnh mẽ từ Mỹ và châu Âu, nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ Đầu tư Nurul Ichwan nói, các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào lĩnh vực luyện kim của Indonesia, để biến niken thành nguyên liệu pin. Trong khi đó Mỹ và châu Âu chỉ muốn mua quặng thô.
Trước đó, bên lề diễn đàn đầu tư Indonesia ở London vào tháng 10, ông Ichwan chia sẻ: “Chúng tôi không yêu cầu Mỹ và châu Âu phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bắt đầu từ khai thác mỏ cho đến xe điện thành phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi muốn phương Tây đầu tư và chia sẻ một số công nghệ liên quan tới chế biến nguyên liệu thô, vì chúng tôi sở hữu nguồn nguyên liệu thô lớn.”
Nhằm bảo vệ nguồn nguyên liệu thô của mình, năm 2020 Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken. Quốc gia giàu tài nguyên này đã phụ thuộc xuất khẩu thô trong nhiều thập kỷ để có thêm ngoại tệ.
Xuất khẩu nguyên liệu thô không phải là cách làm ăn lâu dài. Chúng ta cần những công nghệ chế biến hiện đại, để tạo ra sản phẩm có giá trị hơn.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo
Trong vài năm qua, Indonesia đã tăng cường thu hút các nhà sản xuất xe điện phương Tây. Tuy nhiên, mới chỉ có Ford Motor công bố kế hoạch đầu tư vào quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Nhà sản xuất ô tô của Mỹ tháng 3/2023 đã ký thỏa thuận với Vale Indonesia – chi nhánh Indonesia của gã khổng lồ khai thác mỏ Vale từ Brazil, để cùng phát triển một dự án luyện kim chuyên tinh chế quặng niken.
Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật Giảm lạm phát. Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự, cung cấp các khoản tiền hào phóng cho những công ty xe điện đầu tư sản xuất trong nước. Động thái này nhằm giảm rủi ro về địa chính trị, khi Trung Quốc đang thống trị nguồn cung nguyên vật liệu xe điện. Bên cạnh đó cũng giúp tăng sức mạnh lĩnh vực sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm.
Nói về chiến lược trên, ông Ichwan bộc bạch, điều đó khiến các nhà đầu tư ưu tiên trong nước, tìm đến nơi khác như Indonesia là không thể.
Trong khi đó, Indonesia và EU đang mong muốn tìm ra lợi ích chung trong hợp tác. Sau cuộc gặp với các nhà hoạch định chính sách EU tại Brussels, ông Ichwan chia sẻ, các bên có cùng quan điểm, là tiềm năng hợp tác song phương hiện nay rất lớn, ví dụ giúp đỡ để tạo ra hệ sinh thái xe điện ở cả 2 nơi.
Được biết thời gian qua, nhằm thu hút đầu tư từ phương Tây, Indonesia cũng phải điều chỉnh chính sách theo diễn biến căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Mỹ luôn cảnh giác với sự can thiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, nên có nhiều chính sách ưu tiên nội địa và hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao sang đất nước tỷ dân. Indonesia không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, nên cũng gặp trở ngại nếu căng thẳng Mỹ - Trung lên cao. Theo đạo luật Giảm lạm phát, nhiều công ty Trung Quốc được xếp vào danh sách thực thể nước ngoài cần quan tâm, nên không có quyền nhận ưu đãi về xe điện. Do vậy, sản phẩm của Indonesia nhưng có hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, sẽ khó xuất khẩu vào Hoa Kỳ hơn.
Hiện tại, hợp tác với Indonesia mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Trung Quốc. Gã khổng lồ sản xuất pin CATL đã thành lập một quỹ đất xanh, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất ở Indonesia. Tháng 4/2022, CATL thành lập liên doanh trị giá 5,97 tỷ USD với đối tác địa phương, bao gồm cả công ty nhà nước, để sản xuất pin và nguyên liệu pin xe điện. Thời gian gần đây, nhiều tiếng nói nghi ngờ về tiến độ dự án này.
Đề cập tới vấn đề trên, ông Ichwan nói “CATL và các đối tác có chung niềm quan tâm và tầm nhìn về ngành công nghiệp xe điện Indonesia”. Ngoài ra, ông không nói thêm chi tiết, ví dụ tiến độ dự án hay khả năng bị đội vốn.
Bên cạnh CATL, thời gian qua các doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng khai thác và chế biến khoáng sản quan trọng tại Indonesia. Ví dụ CNGR Advanced Material, Ningbo Lygend Mining và BTR New Material.
Ông Ichwan cho rằng, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư, bởi Indonesia đang mở rộng chính sách với mọi công ty nước ngoài.
Đề cập tới lo lắng của Hoa Kỳ, rằng doanh nghiệp Trung Quốc có thể lũng đoạn thị trường và tạo ra các bất ổn tiềm tàng, ông Ichwan đáp: “Nếu bạn không tới đất nước của chúng tôi đầu tư, bạn không thể phàn nàn việc doanh nghiệp nào đến. Chúng tôi có chính sách công bằng và minh bạch. Chúng tôi luôn chào đón mọi đối tác, với sự tận tâm và cởi mở cao nhất.”