Trong nước

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất cực bởi khó tìm nhà đầu tư tham gia

Thanh An 07/11/2023 19:56

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc tái cơ cấu ngân hàng rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang biến động khó lường.

541a25336846be18e757-169925490-6338-3686-1699255005.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trong phiên chất vấn ngày 6/11.

Đây là phát biểu của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trước đại biểu Phạm Văn Hòa về tình trạng có 4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và tiến trình tái cơ cấu diễn ra rất chậm.

Được biết, hiện có 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Ngoài 4 nhà ngân hàng trên, từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương. Do đó, vị đại biểu Quốc hội băn khoăn liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ Ngân hàng SCB nữa hay không để khách hàng gửi tiền yên tâm.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó khăn bởi do nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như những biến động của kinh tế thế giới. Đồng thời bà Hồng cũng thông tin thêm đây là việc chưa có tiền lệ khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án còn hạn chế.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có nhà đầu tư tự nguyện tham gia tái cơ cấu. Cùng với đó là cơ chế chính sách nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu cần phải được xin ý kiến từ các cơ quan liên quan, có sự đồng thuận, thống nhất.

"Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền, có chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch này trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng đề án", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh. Vì thế, kiểm soát đặc biệt ngân hàng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung.

Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đối với lĩnh vực ngân hàng, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và Ngân hàng Nhà nước đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Qua kết quả kiểm toán, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn. Cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thanh An