Số lượng người lao động thất nghiệp ở TP.HCM đã tăng 11%
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong 10 tháng qua, TP.HCM đã có trên 142.700 lao động thất nghiệp muốn nhận trợ cấp, tăng 11% so với cùng kỳ, tương đương hơn 14.000 người.
Chỉ riêng trong tháng 10, trung tâm đã tiếp nhận hơn 14.200 hồ sơ nhận trợ cấp của những người lao động mất việc tăng 17% so với tháng trước.
Nguyên nhân cho tình trạng tỷ lệ người thất nghiệp ở TP.HCM tăng cao, do một số doanh nghiệp trên địa bàn TP đã cắt giảm nhân sự vì gặp khó khăn về đơn hàng, thu hẹp sản xuất hoặc người lao động nghỉ để chuyển đổi công việc khác.
Một nguyên nhân khác là do tình hình kinh tế, các cuộc xung đột trên thế giới ngày càng phức tạp, khó đoán định đã có những tác động đến TP. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản của nước ta trong năm nay tiếp tục có nhiều rủi ro.
Được biết, tính từ đầu năm tới nay, TP.HCM có đến 46 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc với số lao động mất việc là 4.022 người; tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 3.847 người. Con số này còn chưa bao gồm số lượng người lao động bị mất việc theo hình thức thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Với tình hình trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự đoán, cho đến cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ tiếp tục cắt giảm lao động. Điều này sẽ tạo áp lực lên hệ thống an sinh và bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của TP.
Theo đó, để giảm thiểu tỷ lệ người thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM đã ban hành 140.645 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lao động với thời gian nhận 3 - 12 tháng. Mức hưởng cao nhất lao động nhận được mỗi tháng 23,4 triệu đồng, thấp nhất gần 1,3 triệu đồng, bình quân 5,5 triệu đồng. Thời gian nhận trợ cấp bình quân của lao động là 6 tháng.
Bên cạnh đó, để ổn định tình hình quan hệ lao động cuối năm, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM còn đề ra 4 giải pháp trọng tâm để ổn định thị trường.
Thứ nhất, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, lao động, dự báo chính xác tình hình cung - cầu lao động. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ tình hình chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm. Đồng thời, phổ biến các chương trình đi làm việc ở nước ngoài cho người dân.
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông với doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ của nhà nước về đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Thứ tư, tiếp tục đưa ra những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.