Trong nước

Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng doanh nhân phát huy tinh thần dân tộc, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế

Nguyễn Văn Phong 05/11/2023 - 21:35

Gặp mặt các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu vào tối ngày 3/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn giới doanh nhân quan tâm xây dựng, và rèn luyện đạo đức văn hóa kinh doanh. Ngoài ra, cần hun đúc tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến và trách nhiệm xã hội. Mục tiêu cuối cùng là đưa Việt Nam phát triển bền vững, nhân dân có cuộc sống ấm no, hài hòa và hạnh phúc.

Phát biểu trên được đưa ra, khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón đoàn doanh nghiệp gia đình tiêu biểu của cả nước. Cuộc gặp càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023, về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

ctqh-doanh1-1699023218171.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón đoàn doanh nghiệp gia đình tiêu biểu của cả nước - Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Cùng dự cuộc gặp tại tòa nhà Quốc hội còn có các đồng chí: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh; và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Về phía đoàn đại biểu doanh nghiệp có: Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công; Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam Phạm Đình Đoàn, cùng đại diện 70 doanh nghiệp gia đình tiêu biểu.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900 ngàn doanh nghiệp, trên 20 ngàn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Lực lượng doanh nhân - doanh nghiệp góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối - chủ trương - chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, nằm trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại nhiều nhất toàn cầu. Trong đó, doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể như các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ.

Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ “doanh nghiệp dân tộc”, một nội dung rất quan trọng để đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập và tự chủ. Căn cứ định hướng này, Chủ tịch VCCI nhận thấy, việc phát triển doanh nghiệp gia đình là rất cần thiết. Đây là nguồn lực để hình thành cộng đồng kinh doanh hùng cường.

Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, sau gần 10 năm thành lập, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa. Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam” mới được tổ chức, đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu. Tất cả cùng nhau thảo luận về xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình, tiến tới quản trị hiệu quả và phát triển bền vững.

Tại cuộc gặp, các đại biểu trân trọng sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và những đồng chí lãnh đạo Quốc hội khác. Quốc hội đã luôn lắng nghe và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay. Ví dụ tác động kéo theo của đại dịch Covid-19, cùng những diễn biến khó lường của kinh tế chính trị toàn cầu.

Các đại biểu nhấn mạnh, trong hai năm qua, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã nhiều lần gặp trực tiếp cộng đồng doanh nghiệp, rồi lắng nghe ý kiến và kỳ vọng của giới doanh nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cũng có nhiều hoạt động phong phú, để tham vấn ý kiến doanh nghiệp, về các dự thảo và nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch VCCI và cộng đồng doanh nhân mong muốn, Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội khác tiếp tục quan tâm, để sớm thể chế hóa Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng khuôn khổ pháp luật và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.

Đại diện cho các doanh nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sovico Holdings mong muốn, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục, để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động, nâng tầm thương hiệu của Việt Nam ngày càng sánh ngang với cường quốc năm châu.

img_8536-1699082030355.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình phát triển đất nước. Các văn kiện nhiều kỳ Đại hội của Đảng, cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước đều khẳng định, cộng đồng doanh nhân là đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Chủ tịch Quốc hội không quên biểu dương cộng đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam, không chỉ tăng về số lượng mà cả trình độ và năng lực quản lý. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã phát triển thành những tập đoàn kinh tế lớn, có ảnh hưởng trong và ngoài nước, như Sovico, THACO, Vingroup, BRG hay TH True Milk.

Chủ tịch Quốc hội cũng trân trọng nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt trách nhiệm cao cả với xã hội, như tham gia tích cực chương trình xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và giúp đỡ người dân vượt qua hậu quả của thiên tai dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nghiệp gia đình nói riêng, sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò vẻ vang, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, và hoàn thành nguyện ước của bác Hồ, là đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nguyễn Văn Phong