Xung đột Israel-Hamas đe dọa kinh tế khu vực Trung Đông như thế nào?
Đầu tháng 10/2023, trước khi Hamas tấn công Israel, viễn cảnh kinh tế khu vực Trung Đông tương đối tích cực. Các quốc gia vùng Vịnh dùng hàng chục tỷ USD tiền bán dầu để đầu tư hàng loạt lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, thể thao và sản xuất hàng hóa. Một số ý kiến cho rằng, các nước nghèo nhất cũng sẽ hưởng lợi từ xu thế trên.
Từ sự kiện mùa xuân Ả Rập năm 2011 đến tháng 10/2023, có thể nói là giai đoạn tương đối bình yên của Trung Đông. Những cuộc xung đột khốc liệt như ở Libya, Syria và Yemen đã lắng xuống. Căng thẳng Israel-Palestine cũng chỉ chứng kiến va chạm nhỏ lẻ. Nhiều người cho rằng, không sớm thì muộn các cuộc xung đột trên cũng biến mất.
Bên cạnh đó, Trung Đông còn chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao có ý nghĩa. Ví dụ các nước Ả Rập công nhận Israel, như UAE, Bahrain, Ma Rốc và Sudan. Đặc biệt, Iran và Ả Rập Xê Út – hai đối thủ không đội trời chung, đã tái lập quan hệ ngoại giao. Giới đầu tư quốc tế cũng đổ xô tới khu vực, để khai thác những tiềm năng được đánh giá là rất lớn, như du lịch, khai khoáng, thương mại và giao thông vận tải.
Cuộc tấn công của Hamas vào Israel, báo hiệu khu vực sẽ chìm trong giao tranh nhiều tháng tới. Dưới áp lực từ người dân, các Chính phủ Ả Rập đã đổ lỗi cho Israel về tình hình hiện nay, mặc dù họ thận trọng hơn trong ngôn từ. Chỉ sau một đêm, từ ưu tiên phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, các quốc gia vùng Vịnh đang dồn sức để ngăn xung đột lan rộng.
Nhiều báo cáo chỉ ra, xung đột Israel-Hamas ngay lập tức cản trở hội nhập kinh tế khu vực. Năm 2020, 4 quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel, sau đó kim ngạch thương mại tăng vọt. Bốn nước này, đặc biệt là UAE và Bahrain, rất muốn đón tiếp các nhà đầu tư Israel, nhất là về khoa học công nghệ và nông nghiệp. Mặc dù nhiều quốc gia khác từ chối công nhận Israel, nhưng lại lặng lẽ thúc đẩy giao thương. Ngay cả các công ty của Ả Rập Xê Út – quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo, cũng âm thầm tăng cường làm ăn với Israel. Hai nước còn đang đàm phán, để bình thường hóa quan hệ.
Chiến sự Israel-Hamas nổ ra, đàm phán Israel-Ả Rập Xê Út về bình thường hóa quan hệ ngưng lại. Nhiều dự án hợp tác kinh tế cũng tạm hoãn. Các bên đều theo dõi cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, và ảnh hưởng như thế nào. Nếu sự tàn phá ở Gaza lớn, các lãnh đạo thế giới Ả Rập sẽ xa cách Israel hơn. Mặc dù ông Thani al-Zeyoudi, Bộ trưởng Thương mại UAE cam kết tách biệt hợp tác kinh tế với Israel và cuộc chiến giữa nước này với Hamas, nhưng các chuyên gia vẫn không chắc có thể làm được hay không. Một chủ ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cho biết, phần lớn khách hàng của ông có ý định đầu tư vào Israel, nhưng giờ chỉ quan sát diễn biến cuộc chiến, ví dụ số người thương vong có tăng hay không. Do đó, mọi kế hoạch đều đưa vào trạng thái chờ.
Với các nước nghèo hơn, áp lực mà họ chịu đựng ngày càng kinh khủng. Ai Cập – quốc gia với hơn 100 triệu dân, đã chứng kiến lạm phát 38% vào năm 2022. Chính phủ cũng gánh một núi nợ nước ngoài. Từ khi xung đột nổ ra, Israel tạm ngưng khai thác những mỏ khí đốt gần dải Gaza, do lo ngại bị Hamas bắn tên lửa. Kết quả là Ai Cập mất đi nguồn cung khí đốt quan trọng. Ai Cập cũng lo ngại về làn sóng người tị nạn Palestine từ dải Gaza. Thời gian qua, giới chức ở Cairo đã cho phép công dân nước ngoài và một số người bị thương được chuyển từ dải Gaza qua.
Một số ý kiến lo ngại, sóng di cư lớn hơn có thể tái diễn thậm chí ở quy mô như vào những năm 1940, khi hàng triệu người Palestine tới Jordan sinh sống. Từ khi nội chiến Syria bùng phát năm 2011, hàng triệu người đã rời bỏ nhà cửa và tới nhiều quốc gia khác nhau. Riêng trong năm 2016, việc chăm sóc 650.000 người tị nạn Syria, đã tiêu tốn của Jordan khoảng 2,6 tỷ USD, nhiều gấp đôi con số 1,3 tỷ USD mà nước này nhận được từ viện trợ quốc tế. Nếu một làn sóng người tị nạn từ Gaza tràn qua Ai Cập, giới phân tích vẫn bỏ ngỏ câu hỏi, liệu nền kinh tế có chịu đựng được hay không?
Trường hợp xấu hơn, ví dụ xung đột leo thang giữa Israel và Iran, có lẽ kinh tế khu vực sẽ đảo lộn. Bất kỳ cuộc chiến nào giữa hai nước này, dẫu lớn hay nhỏ, đều sẽ khiến giá dầu tăng mạnh. Các quốc gia vùng Vịnh sẽ giới hạn lượng dầu xuất sang phương Tây, như họ làm trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu kịch bản trên xảy ra, giá dầu toàn cầu sẽ tăng 70%, lên 157 USD/ thùng.
Mặc dù nền kinh tế nhiều quốc gia đang nỗ lực giảm phụ thuộc dầu mỏ, và chuyển sang năng lượng tái tạo, nhưng với giá cao ngất ngưởng ở trên, sẽ là đòn giáng nặng vào những nước tiêu thụ nhiều “vàng đen”, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và cả châu Âu. Ngay cả những quốc gia vùng Vịnh như Ai Cập hay Jordan, giá dầu cao thực sự là cơn ác mộng. Đối với một số quốc gia xuất khẩu, giá dầu cao mang đến lợi ích trước mắt, như lượng ngoại tệ thu về nhiều. Trong tình huống này, xu thế đa dạng hóa nền kinh tế sẽ chững lại. Các trung tâm thương mại và khách sạn, vốn đã vắng khách do xung đột, sẽ càng đìu hiu hơn. Ngân sách quốc gia sẽ ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ.
Kịch bản xung đột lan rộng nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Ví dụ giao tranh bùng phát tại Bờ Tây và Hezbollah tấn công Israel mạnh mẽ. Li-băng, quốc gia chìm trong khủng hoảng kinh tế nhiều năm nay, có lẽ sẽ không chịu đựng nổi khi Hezbollah mở mặt trận thứ hai chống lại nhà nước Do Thái. Không quân Israel sẽ oanh tạc và tàn phá cơ sở hạ tầng của Li-băng, nhất là ở miền Nam, như đường xá, cầu cống, hệ thống truyền tải điện hoặc công trình quân sự. Với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, chắc chắc Li-băng sẽ không có tiền để khôi phục các công trình này. Năm 2022, kinh tế Li-băng rơi tự do với tỷ lệ lạm phát gần 100%. Các đồng minh như Iran cũng khó cung cấp tài chính trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn có thể sẽ xuất hiện.
Trường hợp giao tranh bùng phát dữ dội tại Bờ Tây, Jordan – quốc gia kế bên, chắc chắn sẽ hoảng sợ. Giống như Ai Cập và Li-băng, mặc dù không nghiêm trọng bằng, nhưng Jordan cũng đang khủng hoảng kinh tế. Năm 2022, nước này phải vay 1,2 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để khắc phục nhiều vấn đề. Xung đột tại Bờ Tây, người tị nạn sẽ tràn qua Jordan, khiến khủng hoảng kinh tế xã hội thêm nghiêm trọng. Bất ổn biên giới, sẽ ngăn nhà đầu tư quốc tế, và buộc cộng đồng doanh nghiệp trong nước, vốn là sức sống của nền kinh tế, không thể hoạt động bình thường.
Một số chuyên gia dự đoán, nếu bất ổn kinh tế nghiêm trọng hơn ở Ai Cập và Jordan, sẽ dẫn tới hậu quả khó lường cho cả Trung Đông. Hai nước này đều có biên giới với Palestine, đều có dân số trẻ và phần lớn không hài lòng với chính phủ được cho là quá chuyên chế. Những người trẻ đang khao khát tự do và thay đổi. Mùa xuân Ả Rập 2011 đã chứng minh, khủng hoảng kinh tế - xã hội từ nước này lây lan sang nước khác nhanh như thế nào. Các quốc gia vùng Vịnh chắc chắn hiểu rõ điều đó.