Chính sách

TP.HCM xây dựng chương trình thanh tra các cơ sở kinh doanh vận tải hành khách

Thanh An 04/11/2023 16:28

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do phương tiện kinh doanh vận tải hành khách gây ra. Điển hình là vụ tài xế xe Thành Bưởi gây tai nạn giao thông trên quốc lộ 20 khiến 5 người thiệt mạng và 4 người bị thương nặng. Trước tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang lên phương án triển khai thanh tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong thời gian tới.

Được biết nhiều năm nay, bên cạnh nhà xe Thành Bưởi, trên địa bàn TP.HCM tồn tại nhiều nhà xe khác vẫn chạy một tuyến cố định đón trả khách ngay tại văn phòng ở Lê Hồng Phong, Mạc Thị Bưởi, Điện Biên Phủ hay các bến bãi lậu ở đường Mai Chí Thọ và Liên Phường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông, đồng thời gây mất an ninh trật tự trong hoạt động vận tải của Thành phố.

vung-dich_1405154733.jpg
TP.HCM đang tồn tại nhiều bến bãi lậu trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Dù thực trạng trên đang diễn ra, nhưng từ năm 2020 trở về trước, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Giao thông vận tải về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không có quy định, cũng như không có hướng dẫn việc xác định hành vi liên quan đến các điểm đón - trả khách không đúng. Điều này dẫn tới không có quy định xử phạt tương ứng, dẫn đến tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều bãi xe lậu.

Bên cạnh đó, sau khi TP.HCM kiểm soát được COVID-19, hoạt động kinh doanh vận tải sau một thời gian tạm dừng đã dần hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Vì thế, vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Mặc khác, Sở Giao thông Vận tải chưa xử lý được vấn đề do một số quy định pháp lý chưa đầy đủ. Điển hình như TP.HCM chưa nâng cấp hệ thống khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, để trích xuất dữ liệu điểm đầu - điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến của xe trong thời gian một tháng; chưa xây dựng và triển khai phần mềm cung cấp nội dung tối thiểu của hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; cũng như chưa có khái niệm hoặc quy định như thế nào là điểm giao dịch đón - trả khách trái phép.

Những bất cập trên đang trở thành rào cản đối với hoạt động giao thông vận tải của Thành phố, nhất là trong năm 2023, nhiều vụ tai nạn giao thông do xe khách đã gây thiệt hại lớn về người và của.

Để giải quyết vấn đề trên, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch chuyên đề (Kế hoạch số 4857/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2022 và Công văn số 4766/UBND-ĐT ngày 25/9/2023) về tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố liên quan phối hợp chỉ đạo kiểm tra và xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tổ chức đón - trả khách không đúng quy định.

Cũng nằm trong chương trình phối hợp, Công an TP.HCM có Kế hoạch số 5464/KH-CATP-PC08 ngày 16/10/2023 triển khai đến cuối năm 2023, nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về “xe dù, bến cóc”, chở quá số người quy định, quá tải, vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn, tăng giá vé trái quy định, dừng - đỗ trái phép, hoặc chiếm dụng lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo xây dựng chương trình thanh tra năm 2024, về điều kiện kinh doanh vận tải, kê khai thuế, sử dụng lao động, thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đối với một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch trên địa bàn.

Thanh An