Du lịch

Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 10/2023

Thanh An 03/11/2023 18:42

Theo Tổng Cục Du lịch, tháng 10/2023, Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, và phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng, toàn ngành đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

3b.jpg
Ngành du lịch Việt Nam đã đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng của năm 2023.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu từ khách du lịch trong 10 tháng đầu năm 2023 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu từ du lịch lữ hành cũng tăng 47,6%, đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, cho thấy sự đa dạng và phong phú trong các hoạt động kích cầu du lịch của Việt Nam.

Ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka nhận định: “Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Sự đtăng trưởng này, đặc biệt đến từ du lịch nội địa, là rất quan trọng trong thời kỳ kinh tế toàn cầu bất ổn. Riêng Traveloka cũng đã góp phần vào sự tăng trưởng này của ngành du lịch, hỗ trợ hơn 18.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) của Việt Nam tiếp cận hàng triệu người dùng trên toàn khu vực, thông qua các sáng kiến như các chiến dịch quảng cáo và phát trực tiếp. Đồng thời, chủ động đưa ra các sáng kiến để nắm bắt các xu hướng du lịch mới nổi, thúc đẩy nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam. Nửa đầu năm 2023, các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam thông qua Traveloka, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu của Traveloka cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong sở thích của khách du lịch. Trong nửa đầu năm 2023, số lượt tìm kiếm sản phẩm chuyến bay cao hơn so với năm 2022, với các điểm đến được tìm kiếm hàng đầu bao gồm Ninh Bình và Hội An. Hơn nữa, nhu cầu lưu trú của du khách đến Ninh Bình trong nửa đầu năm 2023 đã tăng đột biến hơn 80% so với năm 2022. Những điểm đến này được ưa chuộng vì vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, chỗ ở thân thiện với môi trường, trải nghiệm hòa mình với người dân bản xứ, và sự hỗ trợ các sáng kiến bền vững, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với trải nghiệm du lịch xanh.

Du lịch văn hóa cũng đang là một xu hướng trọng tâm ở Việt Nam. Các điểm đến nội địa hàng đầu của cả nước trong nửa đầu năm 2023, bao gồm T.p Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang và Huế, đang trở thành những địa điểm để du khách khám phá văn hóa. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận ra tiềm năng của du lịch văn hóa, và đã triển khai một số dự án nhằm thúc đẩy, nâng cao khía cạnh này của du lịch. Traveloka cam kết hỗ trợ những sáng kiến này và thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực du lịch văn hóa.

Mới đây, Traveloka đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam (VNAT) để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chuyển đổi số. Với hơn 30 tùy chọn thanh toán có sẵn trên khắp Đông Nam Á, Traveloka giúp việc đi lại trở nên dễ tiếp cận và toàn diện hơn. Trong một nghiên cứu được ủy quyền gần đây, 86% doanh nghiệp đồng ý vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ, mở rộng thị trường và phạm vi tiếp cận du lịch thông qua các kênh kỹ thuật số.

Để tiếp tục kích cầu du lịch trong những tháng cuối năm, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023, từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả - bền vững. Đồng thời, ngành du lịch cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển.

Theo dự kiến của Tổng Cục Du lịch, trong thời gian còn lại của năm, ngành du lịch còn rất nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, nhất là khi nhiều quyết sách đã và đang phát huy hiệu quả, như Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết về chính sách thị thực, có hiệu lực từ ngày 15/8; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 hay Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Thanh An