Quốc tế

Mỹ, EU và Trung Quốc cam kết hợp tác ngăn chặn mặt trái của AI

Nguyễn Văn Phong 03/11/2023 09:30

Tại hội nghị thượng đỉnh về kiểm soát an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) vừa diễn ra ở Vương quốc Anh, Trung Quốc đã đồng ý hợp tác với Hoa Kỳ, châu Âu và những bên liên quan, nhằm ngăn chặn rủi ro từ mặt trái của AI, trong lúc công nghệ này đang phát triển nhanh chóng.

Một số giám đốc điều hành doanh nghiệp công nghệ và các lãnh đạo chính trị đã cảnh báo về sự phát triển nhanh chóng của AI, có thể gây đe dọa hiện hữu cho thế giới nếu không được kiểm soát. Do vậy, nên có giải pháp phòng ngừa từ sớm.

Trong nỗ lực đầu tiên của phương Tây nhằm quản lý sự phát triển của AI, một Thứ trưởng của Trung Quốc đã cùng các lãnh đạo và ông chủ công nghệ từ Hoa Kỳ và EU, như tỷ phú Elon Musk của Tesla, hay Sam Altman của ChatGPT, đã tập trung về Bletchley Park của Vương quốc Anh để thảo luận.

cac-dai-bieu-tai-hoi-nghi-kiem-soat-an-toan-ai-anh-reuters.jpg
Các đại biểu tại hội nghị kiểm soát an toàn AI ở Vương quốc Anh - Ảnh: Reuters

Ngoài Hoa Kỳ, EU, và Trung Quốc, còn có hơn 20 quốc gia khác ký vào “Tuyên bố Bletchley”, với nội dung cam kết hợp tác cùng nhau, để thiết lập cách tiếp cận chung trong cơ chế giám sát, nhằm ngăn chặn rủi ro từ AI.

Tuyên bố có hai phần chính. Thứ nhất là xác định rủi ro tiềm tàng, sau đó xây dựng kho kiến thức khoa học để phân tích. Thứ hai là hình thành chính sách xuyên quốc gia, nhằm giảm thiểu những rủi ro trên.

Ông Wu Zhaohui, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phát biểu tại hội nghị rằng, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ quản trị và kiểm soát quốc tế. Nhưng ông cũng khẳng định, mọi quốc gia bất kể quy mô lớn nhỏ, đều có quyền bình đẳng trong phát triển và sử dụng AI.

chinese-vice-minister-speaking(1).jpg
Ông Wu Zhaohui, đại diện Trung Quốc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Newsweek

Những lo ngại về tác động mà AI có thể gây ra đối với kinh tế - xã hội, đã nổi lên vào tháng 11 năm ngoái, khi OpenAI và Microsoft ra mắt ứng dụng ChatGPT.

Việc dùng ứng dụng để xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhằm tạo ra cuộc đối thoại giống như giữa người với người, đã gây ra sự lo sợ một ngày nào đó máy móc có thể đạt được trí thông minh cao hơn con người. Khi đó nếu không kiểm soát được, sẽ dẫn tới hậu quả khó lường. Một số tiếng nói thậm chí cho rằng, AI đủ khả năng nghĩ ra công thức, để chế tạo một loại virus gây lây lan toàn cầu. Ngoài ra, AI có thể gây khủng hoảng tài chính hoặc nghĩ ra cách tấn công cơ sở hạ tầng mạng.

Trong lúc nhiều chính phủ cố gắng vạch ra phương thức kiểm soát AI, một số công ty lo ngại, giám sát chặt chẽ có thể hạn chế sự phát triển.

Tôi không hiểu các quy tắc công bằng nhất hiện nay là gì, nhưng phải bắt đầu bằng cái nhìn sâu sắc trước khi giám sát sự phát triển. Có thể cần một bên thứ ba, để gióng lên hồi chuông khi sự phát triển bị hạn chế ở mức báo động.

Tỷ phú Elon Musk nói bên lề hội nghị

Hội nghị thượng đỉnh này là ý tưởng của Thủ tướng Anh Rishi Sunak - người muốn phát huy vai trò hậu Brexit cho đất nước mình, với tư cách trung gian giữa các khối kinh tế Mỹ, Trung Quốc và EU.

Bộ trưởng kỹ thuật số của Anh, bà Michelle Donelan nói rằng, việc quy tụ nhiều nhân vật quan trọng như vậy vào cùng một phòng họp, đã là một thành tựu. Bà thông báo một hội nghị khác sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc 6 tháng sau, và tại Pháp 6 tháng sau đó.

Trung Quốc là thành viên quan trọng tại hội nghị, với vai trò ngày càng lớn trong việc phát triển AI. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Anh đã đặt câu hỏi, liệu có nên hợp tác với Trung Quốc không, vì mức độ tin cậy thấp giữa Bắc Kinh với phương Tây. Trước đây phương Tây nhiều lần tố cáo đất nước tỷ dân đánh cắp công nghệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Không những vậy còn tăng cường gián điệp công nghệ, nhằm sở hữu các kỹ thuật tiên tiến một cách nhanh nhất.

Về vấn đề trên, đại sứ Mỹ tại London, bà Jane Hartley nói với báo chí: “Quyết định mời Trung Quốc là của nước chủ nhà, không phải chúng tôi.”

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ lần này là Phó Tổng thống Kamala Harris. Bà đã có bài phát biểu vào ngày 1/11. Các quan chức Anh nói rằng, họ muốn nghe càng nhiều tiếng nói càng tốt. Lý do nếu mỗi quốc gia phát triển AI theo cách riêng mình, sẽ rất khó để phối hợp và giải quyết lo ngại chung. Bài học về đại dịch Covid-19 vẫn còn nguyên giá trị.

Nguyễn Văn Phong