Quốc tế

Người lao động Singapore ngày càng cảm thấy căng thẳng và áp lực

Nguyễn Văn Phong 02/11/2023 15:52

Một nghiên cứu được công bố hôm 31/10 cho thấy, tỷ lệ người lao động bị stress ở Singapore đã tăng đều từ năm 2021 tới nay. Hiện tại con số là 87%, cao hơn 7% so với trung bình toàn cầu.

Cụ thể, theo bảng khảo sát, số người được hỏi nói bị stress không kiểm soát được là 16%, bị stress nhưng kiểm soát được là 71%, và không bị stress là 13%.

Gen Z – những người từ 18 đến 24, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi cảm thấy bị stress, là 90%.

100418406-people-in-singapore-financial-district.jpg
Người lao động Singapore có tỷ lệ bị stress cao - Ảnh: CNBC

Số liệu được công bố trong nghiên cứu có tên “Cigna Healthcare Vitality Study 2023”, sau khi Cigna Healthcare khảo sát khoảng 1.000 người trưởng thành Singapore, từ tháng 5 đến tháng 6/2023.

Nghiên cứu đặt ra câu hỏi về sức khỏe thể chất - tinh thần, mức độ stress và quan điểm về sự hỗ trợ của công ty tác động đến sức khỏe.

Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ người Singapore cảm thấy stress đã tăng lần lượt từ 85% năm 2021, lên 86% năm 2022 và 87% năm 2023.

Trong khi những người bị stress có thể kiểm soát được không đổi ở mức 71% kể từ năm 2021, thì những người bị stress không thể kiểm soát được, đã tăng đều đặn từ 14% vào năm 2021 lên 15% vào năm 2022, và 16% vào năm 2023.

So với các khu vực khác ở châu Á, tỷ lệ người bị stress không thể kiểm soát được của Singapore năm 2023 thấp hơn Hồng Kong (19%), nhưng cao gấp đôi Trung Quốc đại lục (8%).

Anh Peter, thực tập sinh quản lý 26 tuổi tại một công ty vận tải biển nói rằng, kết quả công trình nghiên cứu không có gì bất ngờ.

Ở Singapore, ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi được dạy rằng, tất cả những gì đất nước có chỉ là con người, không tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, mỗi người phải cố gắng nhất có thể.

Anh Peter, thực tập sinh quản lý 26 tuổi tại Singapore

Đồng tình với nhận định trên, anh Gareth Tan 28 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tin rằng Singapore có văn hóa cạnh tranh và buộc phải làm việc với năng suất cao. Điều này thấm sâu vào nhiều khía cạnh của xã hội.

Theo anh Tan, sự phổ biến của mạng xã hội, tin tức tiêu cực và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, cũng góp phần vào kết quả trên.

Rất ít người Singapore có sức khỏe thể chất và tinh thần cao

Nghiên cứu của Cigna Healthcare nhằm mục đích đo lường mức độ sinh lực của người lao động, được công ty y tế toàn cầu này định nghĩa thông qua khả năng cảm nhận, kiểm soát và tận hưởng cuộc sống.

Sức khỏe thể chất và tinh thần tốt sẽ dẫn đến nhiều điều tích cực. Ví dụ khả năng phục hồi sau thời gian làm việc mệt mỏi, cải thiện hiệu suất, giảm đau mãn tính và đẩy lùi bệnh tật.

ông Raymond Ng, giám đốc điều hành Cigna Healthcare

Ông Raymond Ng cho biết thêm, bản nghiên cứu đo lường sức khỏe thể chất và tinh thần của một người, thông qua 35 câu hỏi trên 8 lĩnh vực khác nhau: Cảm xúc, môi trường, tài chính, trí tuệ, nghề nghiệp, thể chất, xã hội và tinh thần.

Sau đó, điểm trung bình được tính toán và điều chỉnh theo thang 100, sau đó phân mọi người thành các đối tượng có sức khỏe thấp, trung bình và cao.

Kết quả, chỉ 1 trên 10 người Singapore có sức khỏe thể chất và tinh thần cao. Con số này thấp hơn mức trung bình của châu Á Thái Bình Dương là 14%, và bằng một nửa mức trung bình toàn cầu 20%.

Những phát hiện khác từ nghiên cứu

+ Gần 4 trên 10 người được hỏi nói rằng, họ chủ động ưu tiên sức khỏe thể chất (38%).

+ Tỷ lệ tương tự nói rằng, họ biết những nơi có thể đến để cảm thấy an toàn và khỏe mạnh hơn (38%).

+ Khoảng 3 trên 10 người Singapore mong chờ ngày mới đến (32%).

+ Tỷ lệ tương tự cho biết, họ cảm thấy có thể quản lý cảm xúc (31%).

+ Ba trên 10 người Singapore nói rằng, họ có tất cả kỹ năng và công cụ cần thiết, để sống lành mạnh, tận hưởng tự do và tự chủ về tài chính.

Nguyên nhân stress liên quan tới tài chính

+ Ba trên 5 người Singapore cho rằng, chi phí sinh hoạt do lạm phát toàn cầu gây ra, khiến họ cảm thấy căng thẳng.

+ Tương tự, gần 7 trên 10 người nói rằng, lạm phát khiến việc giữ gìn sức khỏe trở nên đắt đỏ hơn (67%).

+ Hai trên 5 người cho biết, căng thẳng của họ đến từ sự không chắc chắn về tương lai (41%).

Nguyên nhân stress liên quan tới môi trường làm việc

+ Ba trên 5 người cho biết, họ muốn được cấp trên hỗ trợ nhiều hơn, để có cuộc sống khỏe mạnh hơn (61%).

+ Hai trên 3 người Singapore muốn có thời gian nghỉ linh hoạt, và sắp xếp công việc linh hoạt, như một phần của chương trình sức khỏe và phúc lợi công ty (66%).

+ Ba trên 5 người muốn công ty cung cấp chương trình bảo hiểm y tế tư nhân (63%) và một phần 3 muốn có thêm hỗ trợ về sức khỏe tinh thần (34%).

+ Trợ cấp thẻ thành viên phòng tập thể dục, là hình thức hỗ trợ sức khỏe truyền thống từ các công ty sử dụng lao động Singapore, chỉ được gợi ý bởi 1/4 số người tham gia khảo sát (26%).

Lời khuyên của chuyên gia để giảm stress trong công việc

Sau khi công trình nghiên cứu được công bố, một số chuyên gia của Cigna Healthcare đã đưa ra lời khuyên, giúp giảm stress trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung.

Thứ nhất, cần nhận biết dấu hiệu của stress. Đó có thể là các biểu hiện như: Mệt mỏi, căng thẳng, khó tập trung, thay đổi tâm trạng, mất ngủ, đau đầu, đau bụng hay khủng hoảng trong giao tiếp.

Thứ hai, sắp xếp công việc khoa học. Đây là cách hiệu quả để giảm căng thẳng. Bạn nên chia nhỏ công việc thành các nhiệm vụ dễ thực hiện. Đồng thời, đặt ra mục tiêu thực tế và mang tính khả thi cho bản thân.

Thứ ba, quản lý thời gian hiệu quả. Điều này giúp bạn làm việc hiệu quả và tránh quá tải. Hãy dành thời gian để lập kế hoạch những việc cần làm trong ngày và trong tuần. Song song đó, hãy nói “không” với những điều chưa cần thiết.

Thứ 4, nghỉ ngơi hợp lý. Đây là điều cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần tốt trong chặng đường dài. Hãy dành thời gian thư giãn sau giờ làm. Ví dụ tập thể dục, nghe nhạc, đi du lịch hay các hoạt động gần gũi thiên nhiên.

Thứ 5, đọc sách. Đây là cách tuyệt vời để tiếp thu kiến thức và rèn luyện tư duy. Hãy chọn những cuốn sách có nội dung bổ ích, giúp bạn mở mang tầm nhìn và suy nghĩ.

Đọc sách giúp bạn tập trung hơn, bình yên hơn và sâu lắng hơn, sau những giây phút bộn bề của cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý tại Cigna Healthcare

Thứ 6, thiền định. Điều này giúp bạn thư giãn, tập trung và rèn luyện khả năng sáng tạo. Các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên, hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để thiền.

Cuối cùng, là tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Nếu bạn cảm thấy áp lực kéo dài và không thể giải quyết, đừng ngần ngại. Họ có thể lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và cùng bạn đề ra giải pháp.

Nguyễn Văn Phong