Trong nước

Việt Nam nhận hỗ trợ từ G7 để chuyển đổi năng lượng sạch liệu có dễ dàng?

Nguyễn Văn Phong 02/11/2023 08:53

Kế hoạch giảm sử dụng than ở Việt Nam và Indonesia, với sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây, đang gặp một số khúc mắc ban đầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng các nước phát triển giúp các nước khó khăn, trong quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

Việt Nam và Indonesia đang đàm phán theo chương trình Quan hệ Đối tác chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Theo đó, hai nước sẽ nhận được tài trợ theo dạng cổ phần, trợ cấp hoặc vay ưu đãi từ các chính phủ G7, ngân hàng đa phương hoặc ngân hàng tư nhân, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

cuoc-chien-israel-hamas-duoc-du-bao-se-thuc-day-nang-luong-sach-anh-cccs.jpg
G7 đang hối thúc các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch - Ảnh: CCCS

Nam Phi là quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận JETP năm 2021, với cam kết sẽ nhận được 8,5 tỷ USD. Cuối năm 2022, Indonesia được cam kết tài trợ 20 tỷ USD và Việt Nam là 15,5 tỷ USD. Senegal gần đây được cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD.

Chương trình của Việt Nam

Thỏa thuận JETP dự kiến giúp Việt Nam giảm mức phát thải trong ngành điện xuống còn 170 triệu tấn carbon vào năm 2030, và 101 triệu tấn vào năm 2050.

Tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã thành lập Ban thư ký JETP do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đứng đầu, cùng các quan chức từ Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, và một số bên khác để thực hiện các hợp tác.

Kế hoạch của JETP sẽ giới hạn tổng công suất điện than ở mức 30,13 gigawatt vào năm 2030, từ mức 25,3 gigawatt vào cuối năm 2022. Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và xe điện.

Việt Nam đã chuẩn bị dự thảo cam kết cải cách và hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng, như trang trại gió - năng lượng mặt trời, nâng cấp lưới điện và sản xuất pin cho xe điện.

Các nhà tài trợ khuyến khích Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng hơn, với cải cách mạnh mẽ hơn, nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện mạng lưới điện.

Các thành viên và đối tác của G7 đã đề nghị tài trợ gần 8,08 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn đầu, như một phần của cam kết 15,5 tỷ USD đưa ra vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, chỉ có 321,5 triệu USD, tương đương 2%, là tài trợ gần như hoàn toàn từ Liên minh châu Âu. Khoảng 2,7 tỷ USD là vay ưu đãi với lãi suất thấp, trong khi hầu hết còn lại được cho vay theo giá thị trường, điều Việt Nam tỏ ra miễn cưỡng chấp nhận.

Chương trình của Indonesia

Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2030, cắt giảm lượng khí thải carbon xuống còn 250 triệu tấn trong ngành điện. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 44% tổng lượng điện quốc gia.

Nếu không có kế hoạch này, lượng khí nhà kính của Indonesia sẽ đạt hơn 350 triệu tấn vào năm 2030.

Ban thư ký JETP của Indonesia đã xác định 400 dự án ưu tiên cho chuyển đổi năng lượng, với số vốn tối thiểu là 67,4 tỷ USD.

Sẽ có 5 lĩnh vực chủ đạo, bao gồm tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải để tránh thất thoát, và ngưng sớm các nhà máy nhiệt điện sử dụng than.

Indonesia đặt mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện than hiện cung cấp 1,7 gigawatt, thông qua nguồn tài trợ do Quỹ Đầu tư chống biến đổi khí hậu và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) huy động.

Các nhà tài trợ từ khối G7, cộng với Na Uy và Đan Mạch, cam kết ủng hộ tổng cộng 10 tỷ USD cho Indonesia. Khoảng 10 tỷ USD còn lại đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên chỉ có 153,8 triệu USD được xác định là tài trợ không hoàn lại. Phần còn lại có thể là cho vay với lãi suất thấp hơn thị trường. Nguồn tài chính đến từ khối tư nhân, có thể là các khoản vay với lãi suất tương đương thị trường, đầu tư vốn cổ phần hoặc theo hình thức khác.

Nguyễn Văn Phong