Quốc tế

Bất chấp xung đột, Canada ủng hộ Ukraine gia nhập CPTPP

Nguyễn Văn Phong 01/11/2023 18:46

Bộ trưởng thương mại Canada Mary Ng hôm 31/10 đã nhắc lại sự ủng hộ của nước này, đối với mong muốn của Ukraine, về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng nhấn mạnh phải duy trì các tiêu chuẩn thị trường mở trong khuôn khổ của khối.

Bà Ng nói với Nikkei Asia: “Canada nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên việc gia nhập phải dựa trên cơ sở đồng thuận từ tất cả thành viên.”

Năm 2024, Canada sẽ là chủ tịch luân phiên của CPTPP, do đó đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về việc kết nạp thành viên mới, cùng với Nhật Bản và Úc.

bo-truong-thuong-mai-canada-marry-ng-anh-macleans.jpg
Bộ trưởng Thương mại Canada Marry Ng - Ảnh: MACLEANS

Vương quốc Anh chính thức gia nhập CPTPP vào tháng 7/2023. Như vậy tổng số thành viên của khối đã tăng lên 12. Hiện tại, ngoài Ukraine còn có Trung Quốc và Đài Loan cũng bày tỏ nguyện vọng tham gia.

Bà Ng nói tiếp: “Chúng tôi có sự tin tưởng lớn vào trường hợp của Ukraine. Chúng tôi có kinh nghiệm trong đàm phán hiệp định thương mại tự do với Ukraine. Thỏa thuận của chúng tôi với Ukraine có nhiều điều khoản minh bạch và thiết thực, y như FTA của Canada với EU, hoặc hiệp định thương mại Bắc Mỹ giữa 3 nước Canada – Hoa Kỳ - Mexico. Trên thực tế, các điều khoản về môi trường trong thỏa thuận với Ukraine, là tốt nhất trong số FTA của Canada.”

Hiệp định thương mại tự do Canada-Ukraine bắt đầu có hiệu lực vào năm 2017. Các cuộc đàm phán nhằm nâng cấp thỏa thuận bắt đầu vào tháng 1/2022, và kết thúc vào tháng 4/2023, sau thời gian ngắn gián đoạn do chiến sự.

Theo bà Ng, bất chấp khó khăn vì xung đột, phái đoàn Ukraine luôn đến bàn đàm phán với thái độ nghiêm túc và chăm chỉ. Họ cũng có sự cam kết mạnh mẽ.

japan-food-export-fair-2023.jpg
Ukraine đang mong muốn gia nhập CPTPP để thúc đẩy thương mại - Ảnh: CGTN

Bà Ng thông tin, thời gian qua, thương mại giữa Canada và các thành viên trong CPTPP tăng 10%, riêng với Nhật Bản tăng 23%. Sự thành công của hiệp định, một phần nhờ cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sân chơi quốc tế.

Bà Ng không bình luận về trường hợp của Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên bà tái khẳng định, dù bên nào gia nhập, cũng phải tuân theo quy tắc thị trường một cách nghiêm ngặt. Điều này là thực sự quan trọng.

Canada đến nay vẫn chưa tham gia vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) – sáng kiến về thương mại của Mỹ. Nhiều năm qua, Canada vừa là láng giềng gần gũi, vừa là đối tác kinh tế hàng đầu của xứ cờ hoa. Hoa Kỳ luôn hoan nghênh Canada tham gia khuôn khổ này.

Bà Ng chia sẻ tiếp: “Tất cả các quốc gia trong IPEF đều ủng hộ Canada. Nhưng chúng tôi chưa có thông tin các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu khi nào.”

Hiện nay IPEF gồm 14 quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản và Úc. Khối đã đạt được thỏa thuận về phối hợp củng cố chuỗi cung ứng. Dự tính trong cuộc họp thượng đỉnh APEC tháng 11 này ở San Francisco, IPEF sẽ thảo luận về hợp tác sâu hơn trong hàng loạt lĩnh vực, như khai thác đất hiếm, chuyển đổi năng lượng xanh và chống biến đổi khí hậu. Canada dự kiến sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ, trước khi cân nhắc tham gia đàm phán về việc gia nhập.

Những tuần gần đây, căng thẳng gia tăng giữa Canada và Ấn Độ, sau khi Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng, có thể các đặc vụ Ấn Độ liên quan đến vụ sát hại công dân Canada gốc Ấn tên Hardeep Singh Nijjar - một nhà hoạt động theo đạo Sikh có tư tưởng đối nghịch với Chính phủ ở New Delhi.

Bà Ng đã hoãn chuyến đi đến Ấn Độ để trao đổi các vấn đề kinh tế - thương mại, dự kiến vào mùa thu này, vì những diễn biến đó.

Theo bà Ng, Canada khuyến khích Ấn Độ hợp tác điều tra, vì mục tiêu tìm ra sự thật chứ không phải leo thang căng thẳng.

Cuối tháng 10/2023, bà Ng dẫn đầu một phái đoàn thương mại Canada tới Nhật Bản tham dự cuộc họp của G7. Phái đoàn hùng hậu gồm 250 doanh nhân, đại diện cho 150 công ty.

Các doanh nghiệp Canada thực sự quan tâm đến hợp tác kinh tế với Nhật Bản, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Nhật Bản có những lợi thế rất lớn mà chúng tôi cần tiếp thu, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Thương mại Canada Marry Ng

Canada và Nhật Bản hồi tháng 9 đã ký biên bản ghi nhớ, về hợp tác trong chuỗi cung ứng các nguyên liệu dùng để sản xuất pin cho xe điện.

Nguyễn Văn Phong