Năm 2024, doanh nghiệp nên đầu tư cho công nghệ gì tùy theo ngân sách?
Thời đại số đã khiến việc đầu tư cho công nghệ không còn là câu hỏi "nên hay không" nữa, mà là "nên đầu tư công nghệ thế nào để có kết quả tối ưu"?
Trước khi quyết định đầu tư, nhà quản trị sẽ cần tìm lời đáp cho 2 vấn đề quan trọng. Một, công nghệ nào cần đầu tư ngay và công nghệ nào có thể được tạm hoãn, dựa trên nguồn ngân sách? Hai, công nghệ được đầu tư có phù hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp (DN) hay không?
Đương nhiên, tư duy nắm bắt xu hướng là tốt, nhưng cần biết rằng đầu tư công nghệ hiệu quả không đơn giản là áp dụng thành công các xu hướng mới nhất, mà còn phải đảm bảo mỗi bước nhảy về công nghệ phù hợp với các mục tiêu, ưu tiên lẫn thách thức của DN.
Nói cách khác, dù sức hấp dẫn của các công nghệ mới có thể cao, điều quan trọng mà nhà quản trị phải nắm bắt là các tác động hữu hình của chúng với hoạt động kinh doanh. Vì không phải tất cả nền tảng công nghệ đều được tạo ra như nhau: một số có thể quan trọng với DN này hơn với DN khác và ngược lại. Vì vậy, trước tiên hãy xem xét các công nghệ hiện có theo 2 cấp bậc: nền tảng và nâng cao, từ đó định hình kế hoạch đầu tư phù hợp theo 3 mức ngân sách: nhỏ, vừa và lớn.
Công nghệ nền tảng: Theo Bernard Marr - chuyên gia tư vấn công nghệ cho DN, trong bối cảnh số không ngừng thay đổi hiện nay, điều quan trọng là hiểu công nghệ nền tảng trước khi đi vào thảo luận bất cứ chiến lược nào. Lý do là các công nghệ này đóng vai trò củng cố hoạt động kinh doanh cho mọi tổ chức, bất luận quy mô, và tạo tiền đề cho các công nghệ ở cấp tiếp theo.
1. Công nghệ mạng máy tính và kết nối
Thời đại số, tốc độ truy cập và xử lý là tất cả. Phản hồi và xử lý yêu cầu của khách hàng chậm trễ, và nhiều khả năng họ sẽ nhanh chóng chọn... nơi khác. Do đó, DN cần ưu tiên mạng máy tính kết nối nhanh, an toàn, không chỉ ở trong mà cả ngoài văn phòng. Và công nghệ 5G đang mở ra một loạt cơ hội mới, đặc biệt với DN phụ thuộc vào điện toán đám mây.
Không chỉ cung cấp tốc độ Internet nhanh hơn so với các thế hệ trước, khiến việc truy cập và chia sẻ dữ liệu diễn ra mượt mà, 5G còn giúp hoạt động quản lý dịch vụ đám mây, truy cập từ xa và giám sát ổn định hơn, giúp tránh gián đoạn trong công việc. Hơn nữa, tiềm năng thực sự của 5G còn ở vai trò nền tảng cho các công nghệ tiên tiến như Internet of Things (IoT) khi hỗ trợ kết nối hàng nghìn thiết bị một lúc và mở đường cho kết nối thời gian thực, cải thiện các ứng dụng như video streaming, video call, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường (AR) và các dịch vụ trực tuyến khác...
2. Công nghệ quản lý dữ liệu
Trên thực tế, có thể xem dữ liệu là một tài sản của DN, được sử dụng để ra các quyết định sáng suốt hơn, cải thiện chiến dịch marketing, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh lẫn giảm chi phí. Dù vậy, thu thập một lượng lớn thông tin không đồng nghĩa với sở hữu dữ liệu; DN cần công nghệ quản lý để diễn giải và biến thông tin thô thành dữ liệu cũng như phân tích sâu sắc.
Nhờ công nghệ này, DN sẽ có cái nhìn toàn diện về hoạt động của mình, xu hướng thị trường mới nổi và các sở thích đa dạng của khách hàng. Cách tiếp cận tỉ mỉ này để quản lý dữ liệu giống như một la bàn dẫn đường, đảm bảo DN không trôi dạt trong đại dương thông tin rộng lớn mà được điều hướng một cách chính xác tới các quyết định sáng suốt.
3. Công nghệ an ninh mạng
Một nhu cầu cơ bản khác cần quan tâm là an ninh mạng. Hiện, các mối đe dọa không chỉ giới hạn ở ransomware làm tê liệt cơ sở hạ tầng dữ liệu công ty mà đa dạng hơn rất nhiều, và có thể tấn công khi ít ngờ tới nhất. Việc dựa vào các biện pháp phản ứng, như sửa chữa hệ thống sau cuộc tấn công, đã trở nên lỗi thời. Hiện, cách tiếp cận chủ động mới là điều cần thiết và điều này đòi hỏi việc triển khai các công nghệ phát hiện và đẩy lù mối đe dọa từ xa.
Công nghệ nâng cao
1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Cho đến nay, công nghệ nâng cao quan trọng nhất với DN là AI. Không chỉ tập trung xử lý các thuật toán phức tạp, AI còn hỗ trợ biến chúng thành các giải pháp kinh doanh. Trong đó, AI tạo sinh (generative AI) hứa hẹn là yếu tố thay đổi cuộc chơi, khi không chỉ tạo ra nội dung văn bản mà cả hình ảnh, giai điệu, mã máy tính, thiết kế mới và thế giới 3D. Trong thế giới kinh doanh nhộn nhịp, AI được dự báo vừa là la bàn, vừa là con tàu, hỗ trợ định hướng và đưa DN vào các thị trường chưa được khám phá.
2. Thực tế ảo qua Internet
Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), vốn chỉ từng xuất hiện trong phim viễn tưởng, giờ đã trở thành công cụ kinh doanh của tương lai. Với công nghệ này, DN có thể mang đến trải nghiệm thú vị, từ các chuyến tham quan bất động sản ảo hoặc thử trang phục trong phòng thay đồ điều khiển bằng AR, thậm chí cả cửa hàng thực tế ảo (VrMall).
Ngoài tiết kiệm chi phí marketing, quảng cáo, AR/VR còn giúp các DN tăng tính tương tác với khách hàng, mở rộng thị trường và tạo ra một trải nghiệm mua sắm mới mẻ và thú vị.
3. Blockchain
Với đặc trưng là tính phi tập trung, blockchain có thể được sử dụng cho các mô hình yêu cầu sự minh bạch cao cũng như các lĩnh vực mà tính xác thực là yếu tố quan trọng nhất. Với việc mọi động thái, mọi giao dịch đều có sẵn để tất cả mọi người có thể xem, tiềm năng của blockchain sẽ phát huy tốt tiềm năng của nó khi ứng dụng cho hợp đồng thông minh, minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm tra danh tính sản phẩm.
Chiến lược đầu tư dựa trên ngân sách: Giống như bất cứ một bữa tiệc buffet nào, điều quan trọng không phải là việc chộp lấy mọi thứ trong tầm mắt mà là tìm những lựa chọn đúng đắn dựa trên khả năng và sự cần thiết.
Nhỏ: Nếu ngân sách nhỏ, hãy bắt đầu với công nghệ nền tảng. Đồng nghĩa, hãy cải thiện mạng máy tính và kết nối để đảm bảo hoạt động liền mạch, sắp xếp trật tự hệ thống quản lý dữ liệu cũng như đảm bảo các bức tường số được củng cố trước các mối đe dọa trên mạng. Sau đó, nếu vẫn còn ngân sách, hãy nghĩ đến AI. Trong đó, AI tạo sinh là một lựa chọn tốt để có thể hỗ trợ xây dựng nội dung marketing hoặc thiết kế.
Vừa: Nếu ngân sách lớn hơn một chút, hãy cân nhắc nâng cấp kết nối với công nghệ 5G. Đồng thời, hãy quan tâm nhiều hơn tới dữ liệu - huyết mạch của kinh doanh hiện đại. Cụ thể, hãy xem xét cải thiện và tối ưu công nghệ đám mây, để việc bảo vệ lẫn truy cập dữ liệu được dễ dàng. Ngoài ra, hãy bắt đầu nghĩ đến việc tích hợp cả các bộ dữ liệu bên ngoài để cải thiện hoạt động phân tích. Kế tiếp, hãy tập trung vào AI, mà cụ thể là trong hoạt động tự động hóa, cải thiện quy trình kinh doanh và tiến tới cá nhân hóa sản phẩm/dịch vụ.
Lớn: Nếu túi tiền rủng rỉnh, trước tiên hãy nghĩ đến các giải pháp kết nối tốt nhất. Còn với dữ liệu, hãy bắt đầu nghĩ đến Big Data và việc xây dựng một kho lưu trữ không chỉ gồm dữ liệu của riêng DN mà cả dữ liệu tổng hợp, từ đó dọn đường cho việc phát triển mô hình AI/học sâu, hay thử nghiệm phần mềm. Đối với ngân sách lớn, hãy biến AI thành hạt nhân để thúc đẩy mọi thứ từ hoạt động vận hành đến nghiên cứu đổi mới. Và, hãy làm quen với Web3 (còn gọi là Web 3.0) - giai đoạn phát triển kế tiếp của Internet.