Xu hướng

Silent Treatment phá hủy mối quan hệ trong công sở

Nguyễn Phong - Minh Quân 30/10/2023 17:00

Cứ tưởng lời nói độc hại hay các hành vi gây hấn sẽ gây ra những tổn thương tinh thần, nhưng thật ra sự im lặng mới là cách dày vò kinh khủng nhất. Đặc biệt là ở nơi làm việc, hãy thử tưởng tượng bạn bị bơ toàn tập trong suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày sẽ như thế nào. Có một thuật ngữ đề cập đến hiện tượng này đó là “Silent Treatment”.

565465.jpg

Silent Treatment được hiểu là hành vi chủ động tránh giao tiếp hoặc tương tác với người khác. Ở nơi làm việc, người thực hiện Silent Treatment thường lạnh lùng, phớt lờ, không trả lời tin nhắn, cuộc gọi, thậm chí tránh nhìn vào mắt người khác. Việc hoàn toàn “bơ đẹp” một ai đó thường được sử dụng như một cách để thể hiện sự không hài lòng, tức giận hoặc để trừng phạt người khác mà không cần phải trao đổi ý kiến hoặc giải quyết xung đột trực tiếp.

Có thể trong một số trường hợp, im lặng là lựa chọn tối ưu, ví dụ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài, do khác biệt về văn hóa, nên khi lãnh đạo người Nhật xuống kiểm tra công trình đang thi công, hoặc nhà máy đang hoạt động, họ thường im lặng từ đầu đến cuối. Sự im lặng này mang đến không khí trang nghiêm, cũng như tinh thần và thái độ tập trung. Quản lý cấp dưới lẫn người lao động không biết cấp trên đang nghĩ gì, có phần hoang mang sợ sệt, dẫn đến tâm lý phải làm việc chăm chỉ hơn, tập trung hơn, để tạo ra nhiều sản phẩm hơn, với chất lượng cao hơn. Không ít doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng phong cách này khi đến đầu tư ở những quốc gia đang phát triển, tính chuyên nghiệp của nhân sự chưa cao.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Silent Treatment cũng mang nghĩa tích cực. Tại công ty kia có hai đồng nghiệp tranh luận với nhau. Người A cảm thấy mình có lý lẽ hơn, nhưng vì người B liên tục tấn công bằng các câu hỏi, nên người A không thể trình bày được một cách thuyết phục. Về đến nhà người A vẫn thấy khó chịu trong lòng. Cô bỏ bữa tối và giấc ngủ chập chờn. Những ngày sau, cô vẫn cảm thấy không thoải mái khi nhớ đến các câu hỏi đánh đố và có phần lấn át của người B. Dù không nói ra, nhưng cả hai đều khó chịu mỗi khi chạm mặt. Sự im lặng bao trùm mối quan hệ.

Các nhà tâm lý học cho rằng, cảm xúc và động lực làm việc ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến người lao động nghỉ việc hoặc chuyển việc.

Trong một chia sẻ vừa qua, GS. Phan Văn Trường - cựu cố vấn thương mại của chính phủ Pháp cho biết, lúc còn làm lãnh đạo các tập đoàn lớn, ông thường xuyên giao tiếp riêng với nhân viên. Mục đích để họ nói ra những điều cất giữ trong lòng. Ví dụ họ bực bội với ai, không hài lòng về quy trình nào, hay có ý kiến gì muốn đóng góp.

Mục đích thứ hai của những cuộc trao đổi gần gũi này để nhân viên hiểu lãnh đạo luôn quan tâm đến cuộc sống và hạnh phúc mỗi người. Làm được vậy, nhân viên sẽ trút được tâm sự mà họ để trong lòng không thể giãi bày cùng ai. Nhân viên cũng rất cảm động trước sự tận tình của cấp trên. Kết quả là năng lượng được tái tạo, động lực và niềm yêu thích với công việc quay trở về. Tất nhiên, cũng có một số trường hợp, nhân viên không thể trao đổi thẳng thắn với sếp. GS. Trường gợi ý, có nhiều cách giúp họ mở lời, như bằng các form giấu tên.

Không ít doanh nghiệp nước ngoài nhận định, người Việt có kỹ năng tìm hiểu cái mới cực kỳ giỏi. Ví dụ trong ngành phần mềm, một công nghệ vừa ra đời, các kỹ sư người Việt chỉ cần 2-3 hôm là quen. Các đồng nghiệp nước ngoài sẽ cần ít nhất một tuần.

Tuy nhiên, điểm yếu của công nhân viên người Việt là tinh thần làm việc nhóm chưa cao. Có gì đó không vừa ý là lặng lẽ ghim trong lòng, ngại nói chuyện một cách thẳng thắn và trực tiếp. Tệ hơn là có xu hướng đem ra bàn tán ở sau lưng. Sự im lặng như trên có nguy cơ rất cao sẽ phá hủy mối quan hệ, vì mỗi người đi theo một chiều hướng suy nghĩ khác.

Nói về tác hại, các chuyên gia cho rằng, Silent Treatment âm thầm để lại nhiều tổn thương tâm lý. Đầu tiên là tổn thương lòng tự trọng. Các nhà tâm lý học gọi biện pháp này như hành vi “cố ý gây đau đớn”. Vì bản năng sơ khai con người vẫn cần giao tiếp qua lại để ý thức về sự tồn tại của mình trong tập thể.

Im lặng do đó trở thành nhát dao cắt đứt mọi nỗ lực gắn kết, khiến một người cảm thấy mình “không được công nhận” và sự tồn tại của mình là vô nghĩa. Tâm lý học ví hành vi im lặng như “vẫy một khúc xương trước mặt chú chó cưng nhưng lại rút ngay về không cho nó được lấy”, khiến nạn nhân rơi vào hố đen ức chế.

Tiếp theo là thao túng tâm lý. Người bị im lặng sẽ rơi vào trạng thái ghét bỏ bản thân, muốn thay đổi tình hình và có thể xuống nước năn nỉ thậm chí đánh mất bản thân họ.

Ai đó nói rằng “người uống rượu, không biết cái hại của rượu, người không uống, không biết cái lợi của rượu”. Thế giới chúng ta đang sống vận hành chính xác như vậy. Mỗi người nhìn sự vật hiện tượng theo đúng thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Đó là lý do chúng ta cần giao tiếp, để tìm ra điểm chung và cùng nhau giải quyết vấn đề. Điều này cực kỳ quan trọng trong môi trường công sở, khi mọi người tiếp xúc thường xuyên và không thể tránh mặt nhau được.

Nguyễn Phong - Minh Quân