Quản trị

Vì sao nhân viên thích CEO tham gia mạng xã hội?

Khởi Vũ 30/10/2023 06:00

Những người phân tích báo cáo tài chính tin tưởng một CEO dùng mạng xã hội gấp 9 lần người không dùng và 80% nhân viên thích làm việc cho CEO dùng mạng xã hội.

ceo-co-nen-su-dung-mang-xa-hoi.jpg

Mạng xã hội đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Theo khảo sát năm 2022 của công ty phân tích mạng xã hội We Are Social, một người dùng Internet dành trung bình hơn 2 tiếng đồng hồ (151 phút) cho mạng xã hội mỗi ngày, tăng 4 phút so với con số của một năm trước, với tỷ lệ thâm nhập mạng xã hội toàn cầu đạt gần 54%.

Nhận thức điều này, vô số doanh nghiệp (DN) từ lâu đã lập riêng tài khoản mạng xã hội cũng như bổ nhiệm các vị trí quản lý truyền thông xã hội. Tuy nhiên, về phần các CEO, mạng xã hội dường như vẫn đang còn là cơ hội bị bỏ lỡ.

Trên thực tế, một khảo sát năm 2018 của Forbes cho biết hơn 60% trong số 500 CEO tại các DN thuộc danh sách 500 DN lớn nhất nước Mỹ do Fortune xếp hạng không dùng mạng xã hội. Dù vậy, điều này không có nghĩa rằng những cá nhân sử dụng mạng xã hội đang “đốt” thời gian một cách vô ích, khi nhiều CEO đang tận dụng chúng để trở thành các nhà lãnh đạo tư tưởng trong lĩnh vực, ngành nghề của mình.

Bên cạnh đó, sau website DN, mạng xã hội là trang tin tham khảo kế tiếp mà người tiêu dùng và các nhân viên tiềm năng ghé thăm, để có cái nhìn rõ hơn về tổ chức mình đang tiếp cận. Theo báo cáo của công ty tư vấn DN Brunswick, những người phân tích báo cáo tài chính tin tưởng một CEO sử dụng mạng xã hội gấp 9 lần so với người không sử dụng. Một nghiên cứu tương tự cho thấy 80% nhân viên thích làm việc cho các CEO sử dụng mạng xã hội và 82% có sự nghiên cứu về bản thân CEO trước khi quyết định gia nhập DN.

Báo cáo gần đây của FTI Consulting cho thấy, số lượng CEO tích cực tham gia mạng xã hội đã tăng gấp đôi trong hai năm qua.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của người lãnh đạo trong kinh doanh vào thời đại mạng xã hội, Michelle Kennedy - CEO của Peanut, một ứng dụng truyền thông dành cho phụ nữ tại London nói: “Hiện nay có sự kết nối giữa con người với DN theo cách mà tôi không nghĩ trước đây có. Mọi người không chỉ mua một thương hiệu. Họ muốn biết thêm về người đứng sau và cách họ sống. Liệu họ có thực sự đại diện cho những giá trị mà họ nói bản thân đang mang đến hay không? Và tôi nghĩ sự nhận thức này rất quan trọng”.

Do đó, câu hỏi dành cho các CEO hiện nay dường như không còn là “có nên tham gia hay không” mà là “nên tham gia bằng cách nào”.

Người dùng mạng xã hội muốn nghe ý kiến từ cá nhân

Giống như trong cuộc sống thực tế, hiệu quả của việc lãnh đạo không chỉ dừng lại ở bản thân CEO. Một báo cáo cho thấy việc có ít nhất 4 nhà lãnh đạo trong ban điều hành DN hoạt động trên mạng xã hội sẽ làm tăng ảnh hưởng chung lên 36%. Sự minh bạch sẽ xây dựng nên niềm tin và 92% chuyên gia có nhiều khả năng tin tưởng vào một DN có lãnh đạo cấp cao sử dụng mạng xã hội. Trên LinkedIn, các nội dung đăng bởi một nhà lãnh đạo nhận được gấp đôi mức độ tương tác và gấp 3 lần nhận xét so với của tài khoản công ty.

Cân bằng giữa cá nhân và nghề nghiệp

Dù người dùng mạng xã hội có thể trông chờ vào người lãnh đạo để biết thêm các kiến thức về chuyên môn, sự kết hợp giữa nội dung cá nhân và nghề nghiệp cho thấy nó mới là cách chia sẻ hiệu quả nhất. Sự hiệu quả tại đây đồng nghĩa với việc nội dung chia sẻ đến được với những người bạn muốn tiếp cận và được họ đón nhận một cách tích cực.

Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo nên thoát khỏi lối suy nghĩ sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền hình mà phải phản hồi, tương tác và trò chuyện với nội dung và tin nhắn của người khác.

Và để có thể đạt được hiệu quả tối đa trong xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, việc lập chiến lược ngay từ đầu là hết sức quan trọng. Bà Sophie Chung - người hiện có hơn 11.000 người theo dõi trên LinkedIn cho biết: “Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là chọn hình ảnh công chúng của bạn ngay từ đầu và xây dựng điều này, vì thông điệp càng rõ ràng thì việc xây dựng khán giả và cộng đồng càng dễ dàng hơn”.

Xử lý khủng hoảng và khiếu nại

Nhân viên và những người phân tích báo cáo tài chính xem việc giao tiếp trong khủng hoảng là trách nhiệm chính của các CEO. Theo công ty tư vấn DN Brunswick, 92% những người phân tích báo cáo tài chính và 78% nhân viên kỳ vọng các CEO tích cực truyền đạt thông tin trên trực tuyến về DN của họ trong thời kỳ khủng hoảng. Một tỷ lệ tương tự cũng xem việc “sửa thông tin sai lệch về DN” trên mạng xã hội là trách nhiệm quan trọng của người lãnh đạo.

50% CEO thuộc nhóm 100 DN có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán London (FTSE 100) hiện có bài đăng trên mạng xã hội việc làm LinkedIn

Do đó, sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội của CEO có thể mang lại lợi ích trước khi khủng hoảng ập đến, khi nền tảng vững chắc của việc tham gia mạng xã hội liên tục có thể giúp nhà lãnh đạo tiếp cận và giảm bớt tác động tiêu cực một cách nhanh chóng. Ngược lại, các CEO chỉ sử dụng mạng xã hội trong thời kỳ khủng hoảng có xu hướng nhận được số lượng tương tác thấp nhất trên mỗi bài đăng.

Lý do đơn giản vì mọi người đều thích một người cụ thể nắm quyền chủ động và chịu trách nhiệm hơn là nhận lời xin lỗi từ những tài khoản công ty mà chẳng thấy mặt mũi của ai.

Nhận thức được điều này, các CEO như Voort thường trực tiếp tương tác với các khách hàng khó chịu khi khiếu nại của họ có cơ sở vững chắc. “Điều này phát đi một thông điệp rằng bạn thực sự quan tâm tới vấn đề”, ông giải thích. Thậm chí, một số DN lớn như Tech Mahindra của Gurnani còn thiết lập các tài khoản mạng xã hội riêng để giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Khởi Vũ