Văn hóa nghệ thuật

Kịch cà phê còn bấp bênh

Ths. Bích Phượng (*) 29/10/2023 17:00

Được xem là “đặc sản” của sân khấu TP.HCM, kịch cà phê đang cần được quan tâm, nâng chất lượng để phát triển căn cơ hơn, góp phần đưa nghệ thuật sân khấu đến gần với khán giả đại chúng.

Sân chơi đặc trưng trong thưởng thức nghệ thuật

Giống như nhạc phòng trà, kịch cà phê sử dụng không gian nhỏ tại quán cà phê làm nơi diễn xuất cho khoảng 5-6 diễn viên, số ghế dành cho khán giả mỗi đêm khoảng vài chục chỗ ngồi. Đa dạng ở mỗi thể loại từ tâm lý, tình cảm, hài, trinh thám cho đến kinh dị... với giá vé chỉ 90-150 nghìn đồng (gồm cả nước uống), kịch cà phê thu hút được nhiều khán giả, nhất là giới trẻ.

Thời điểm nổi bật nhất, có khoảng 20 nhóm kịch cà phê hoạt động cùng tạo ra nhiều tác phẩm, vừa có tính giải trí vừa mang đến những giá trị nhân văn cho người xem. NSND Trần Minh Ngọc - thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM lúc đó từng nhận định: “Bằng sự đầu tư nghiêm túc, kịch cà phê đã tạo được thành quả khi xu hướng này đang thay dần những tiểu phẩm tấu hài quá cũ để đi vào những câu chuyện có nội dung lành mạnh, lên án lối sống tiêu cực, đề cao tính nhân văn. Tôi nghĩ rằng, kịch cà phê sẽ là một nét đặc trưng mới trong văn hóa thưởng thức nghệ thuật của công chúng TP.HCM”.

5-poster-goi-thieu-vo-cua-nhom-tia-lia.jpg
Poster giới thiệu vở diễn của nhóm kịch cà phê Tía Lia

Đạo diễn Tùng Phi - thành viên nhóm kịch Cà phê bệt những năm 2010 chia sẻ: “Các sinh viên vừa ra trường, làm sao có thể xin cộng tác với các sân khấu có tên tuổi? Cơ hội đó chỉ đếm trên đầu ngón tay khi mà các sân khấu chuyên nghiệp luôn có sẵn một ê kíp riêng của họ. Tìm kiếm một cơ hội là không dễ dàng. Ý tưởng đem kịch vào diễn trong không gian của một quán cà phê từ những chủ quán yêu thích nghệ thuật đã mở ra một sân chơi nhộn nhịp và ý nghĩa. Có thể đối với chủ quán nghiêng về phần bài toán kinh doanh nhiều hơn, nhưng đối với những người trẻ tập tễnh bước chân vào nghệ thuật như chúng tôi, đó là mảnh đất màu mỡ, hoang vu đang chờ sức trẻ khai phá”.

Trên thực tế, sân khấu kịch cà phê như một sân chơi cho người nghệ sĩ rèn luyện, trau dồi tài năng của mình, để họ được thỏa sức sáng tạo ra vùng trời riêng của mình. Không ít những tài năng đã trưởng thành từ sân khấu kịch cà phê như Thanh Tùng tức Tùng Phi, sau này là tác giả của một số vở kịch dài: Thám tử si tình (Sân khấu kịch Idecaf), Những giấc mơ lóng lánh, Chạy (5B, đồng tác giả, đạt giải A trại sáng tác Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thành phố năm 2019), Hot gơ nổi loạn (Thế Giới Trẻ); Huỳnh Lập (nhóm Tía Lia) là tác giả và diễn viên hay đạo diễn của vở Mẹ hát rong, Bí mật tre trăm đốt ... Thái Kim Tùng đảm nhận nhiều vai trò, từ diễn viên trong vở kịch dài đến đạo diễn; Hồng Trang của nhóm Đời được Giải Mai vàng 2021 cho diễn viên phụ xuất sắc, từng tỏa sáng trong các vở: Gia đình siêu quậy, Họa hồn, Hiu hiu gió bấc. Tình Bolero, Thâm cung nội chiến... trên sân khấu Sài Gòn Phẳng.

Cần được quan tâm hơn

Chỉ với một không gian nhỏ với điều kiện ánh sáng và âm thanh hạn chế, những nghệ sĩ trẻ vẫn tìm được cách đưa khán giả vào không gian nghệ thuật của mình, khiến họ khóc cười cùng nhân vật. Theo PGS-TS. Trần Yến Chi - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, trong điều kiện còn yếu kém về cơ sở vật chất, lại quá thiếu địa điểm để xây dựng nhà hát theo chuẩn thì kịch cà phê là dễ chấp nhận. Tuy nhiên, ở thời điểm sân khấu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, xã hội vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19, kịch cà phê là một sân chơi bấp bênh với người yêu nghệ thuật. Trước đây, những nhóm kịch cà phê có thể diễn hằng tuần với một lượng khán giả nhất định, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 5 nhóm kịch cà phê như Xóm kịch, Tikey (Rùa Con), Gánh nhỏ, Đời... hoạt động cầm chừng với rất ít suất diễn. Chẳng hạn Đời diễn vào tối thứ tư hằng tuần tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM; Tikey diễn vào hai buổi tối cuối tuần tại Sân khấu Rùa Con ở Gò Vấp.

3-tikey-tren-san-khau-rua-con.jpg
Một cảnh diễn của nhóm Tikey trên Sân khấu Rùa Con

Điều đầu tiên dẫn đến sự thoái trào của kịch cà phê là sự phát triển của công nghệ thông tin. Với vô số lựa chọn giải trí từ rạp phim, sân khấu lớn, mạng Internet... và một mức giá tương đương, thậm chí thấp hơn; việc lựa chọn đến một không gian nhỏ, chật chội, không thoải mái và dễ gây mất tập trung như một quán cà phê để xem kịch không còn sức hấp dẫn với khán giả. Nội dung và chất lượng vở diễn của kịch cà phê cũng là yếu tố quan trọng khiến sân khấu này mất dần khán giả. Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan mà chất lượng các vở diễn của sân khấu kịch cà phê không còn như xưa. Người nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, trào lưu TikTok, khiến những vở kịch trở nên lê thê, rời rạc, không có chiều sâu. Đã có những vở hài nhảm, lạm dụng chủ đề gây sốc để câu kéo khán giả. Chỉ một vài hiện tượng không tốt, một bộ phận nghệ sĩ có tên tuổi trong nghề đã quay lưng và phán xét kịch cà phê, thành kiến với những diễn viên trẻ xuất phát từ kịch cà phê.

Mới đây, nhà báo Thanh Hiệp - Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM cho biết, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM đã chỉ đạo Ban Lý luận phê bình và Câu lạc bộ Phóng viên sân khấu thực hiện chuyến khảo sát thực tế về mô hình sân khấu kịch cà phê, để tham mưu với UBND TP.HCM tổ chức Liên hoan Kịch cà phê TP.HCM vào năm 2024, nhằm nâng cao vị thế của sân khấu kịch cà phê - bộ môn nghệ thuật khá độc đáo, dường như hiện chỉ có ở TP.HCM.

Từ năm 2018, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã đưa ra tiêu chí về kiểm định kịch cà phê. Hiện nay, vở diễn kịch cà phê phải đăng ký và Sở Văn hóa Thể thao cấp phép mới được biểu diễn. Có được sự kiểm duyệt, quản lý kịch bản sẽ là nền tảng để sân khấu kịch cà phê phát triển căn cơ, bền vững hơn. “Khán giả TP.HCM bây giờ vẫn cần hoạt động kịch cà phê không? Tôi nghĩ khi tận tâm tạo ra những tác phẩm tốt, phù hợp thì sàn diễn nào cũng đem đến những món ăn tinh thần đặc sắc”, đạo diễn Tùng Phi bày tỏ.

(*) Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM

Ths. Bích Phượng (*)