Doanh nhân Kha Vạng Cân: Một trí thức tiêu biểu của đất nước (Kỳ 2)
Là một trí thức nổi tiếng của Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động cách mạng trước năm 1945 và tham gia kháng chiến chống Pháp, Kha Vạng Cân còn là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là một doanh nhân tiêu biểu thế kỷ XX.
Kỳ 2: Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công nghiệp nhẹ
Là một trí thức, một doanh nhân với tinh thần yêu nước cao độ, Kha Vạng Cân đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước năm 1945. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước và Chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ, Kha Vạng Cân lập tức đi theo kháng chiến. Ông được Xứ ủy Nam Kỳ cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ - gọi tắt là Lâm ủy Nam bộ. Trên cương vị chủ tịch của chính quyền mới, để chấm dứt giai đoạn bi thương của dân tộc, Kha Vạng Cân đã cùng các ông Nguyễn Phú Hữu, Nguyễn Văn Thủ ra lệnh triệt hạ các bức tượng do thực dân Pháp dựng lên như Gambetta ở vườn Tao Đàn, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh trước Sở Bưu điện, tượng Rigault de Genouilly bên sông Sài Gòn… Đây là hành động bột phát nhất thời như một tuyên ngôn đoạn tuyệt với quá khứ nô lệ của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam vào ngày 23/9/1945, Kha Vạng Cân tham gia tích cực cuộc kháng chiến chống Pháp với nhân dân Nam bộ trên tư cách một chuyên viên cơ khí. Thời gian này, bộ máy lãnh đạo cách mạng của Đảng ở Nam bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn phải dời về miền Tây Nam bộ để tổ chức kháng chiến. Vốn là một kỹ sư cơ khí lành nghề nên Kha Vạng Cân được phân công làm việc bên cạnh ban chỉ đạo sản xuất vũ khí do ông Tôn Đức Thắng đứng đầu.
Sau khi kết thúc Hội nghị Trí thức Nam bộ tổ chức ở Giồng Riềng, Kiên Giang vào đầu năm 1946, Kha Vạng Cân đã cùng các đại biểu chia tay nhau về thu xếp việc gia đình để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông được phân công trong phái đoàn của Nam bộ ra Hà Nội báo cáo tình hình với Chính phủ Trung ương, nhưng ngay sau khi về Long Xuyên chia tay vợ con, đến điểm hẹn thì ngày 16/2/1946 phái đoàn do luật sư Phạm Văn Bạch dẫn đầu đã bí mật đi bằng đường biển đã lên đường. Do đó, Kha Vạng Cân đã lỡ chuyến ra miền Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhưng Bác Hồ vẫn nhắc đến ông như một trí thức tiêu biểu của Nam bộ thành đồng.
Năm 1946, nhân chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7/1946 trên đất Pháp, hai nước Việt - Pháp đã thống nhất tổ chức Hội nghị Trù bị Đà Lạt từ ngày 19/4 - 11/5/1946, Kha Vạng Cân tham gia làm cố vấn cho phái đoàn Việt Nam. Khi Hội nghị Đà Lạt kết thúc, phái đoàn trở về Hà Nội còn ông và một số vị khác trở lại Nam bộ kháng chiến.
Trong giai đoạn 1947-1954, Kha Vạng Cân tích cực tham gia chống Pháp và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Nam. Kha Vạng Cân được bầu làm ủy viên Ủy ban Hành chính kiêm Giám đốc Sở Kinh tế Nam bộ. Ngày 15/2/1948, ông được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ cho đến tháng 9/1954.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và Hiệp định Genève được ký kết ngày 20/7/1954, cuộc kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm ròng rã của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi vẻ vang, nhưng sau đó lại tạm thời bị chia làm hai miền Nam - Bắc. Cuối năm 1954, Kha Vạng Cân được lệnh tập kết ra Bắc theo chỉ thị của Trung ương.
Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, Kha Vạng Cân đóng góp rất tích cực trong những công việc được phân công. Ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến tận sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.
Từ những năm đầu tiên ở miền Bắc cho đến năm 1960, Kha Vạng Cân được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công về công tác tại Bộ Công Thương và giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật trong 5 năm liên tục. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa II (1960-1964) ngày 8/5/1960, Kha Vạng Cân ứng cử ở Thanh Hóa và từ đó trúng cử đại biểu Quốc hội bốn khóa liên tục, từ khóa II đến khóa V (năm 1960-1976). Như vậy, ông có 16 năm liên tục là đại biểu Quốc hội.
Đến năm 1960, khi Quốc hội khóa II bãi bỏ Bộ Công Thương để thành lập Bộ Thủy lợi và Điện lực, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương, Tổng cục Địa chất, Tổng cục Vật tư thì Kha Vạng Cân được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cử giữ chức bộ trưởng đầu tiên Bộ Công nghiệp nhẹ và giữ chức vụ này suốt 15 năm, từ tháng 7/1960 đến tháng 6/1975.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, Kha Vạng Cân trở về sống tại TP.HCM. Mặc dù đã có 15 năm liên tục là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, nhưng khi về lại thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên, ông vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ mới rất khiêm nhường là Trưởng Ban Khoa học - Kỹ thuật TP.HCM (1976-1978) rồi nghỉ hưu ở tuổi 70.
Ngày 18/1/1982, Kha Vạng Cân qua đời ở TP.HCM, hưởng thọ 74 tuổi.
Ngày nay ở TP.HCM, thành phố Đà Nẵng, thành phố Vũng Tàu, có những con đường lớn mang tên Kha Vạng Cân.