Quốc tế

Hệ lụy gì từ cuộc chiến mới ở Trung Đông?

Khả Hân 27/10/2023 06:00

Khu vực Trung Đông không chỉ là nguồn cung dầu mỏ lớn nhất, chiếm khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới, mà còn là tuyến đường vận chuyển năng lượng cực kỳ quan trọng. Liệu cuộc chiến mới giữa Hamas và Israel còn mang đến những hệ lụy lâu dài như thế nào?

the-gioi-661.jpg

Bất ổn thị trường tài chính

Giá dầu toàn cầu trong ngày 9/10 tăng 4%, chỉ hai ngày sau khi Hamas tấn công Israel từ dải Gaza. Dù cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà sản xuất dầu lớn nhưng giao tranh lại nổ ra ở Trung Đông - một khu vực xuất khẩu dầu quan trọng của thế giới, nên đã gây ra tâm lý lo ngại trên thị trường và dòng tiền đầu cơ ồ ạt đổ vào “vàng đen”.

Theo sau đà tăng của giá dầu, giá nhiều mặt hàng năng lượng khác cũng đi lên mạnh mẽ. Đơn cử như giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng hơn 50% trong vòng một tháng qua do lo ngại ngày càng tăng về việc liệu có đủ nguồn cung hay không. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Chevron của Mỹ đã ngừng sản xuất tại mỏ khí đốt tự nhiên Tamar ngoài khơi gần bờ biển phía Bắc của Israel, khi xung đột Israel - Hamas ngày càng leo thang.

Theo dự báo của Bloomberg Economics, giá dầu có thể tăng đến 150 USD/thùng nếu xung đột lan rộng khiến Israel đụng độ trực tiếp với Iran. Khoảng 1.000 tỷ USD là thiệt hại của suy thoái kinh tế.

Vàng - một kênh trú ẩn an toàn mỗi khi chiến sự nổ ra cũng tăng hơn 120 USD/ounce chỉ trong vòng 10 ngày sau khi chiến sự bùng phát và đang hướng trở lại mốc 2.000 USD/ounce, cao nhất trong gần 6 tháng qua. Giới phân tích dự báo giá vàng sẽ còn tiếp tục lên cao trong bối cảnh xung đột quân sự tại khu vực Trung Đông ngày càng tăng, cộng thêm lực mua gia tăng trở lại từ các ngân hàng trung ương khắp thế giới.

Ngược lại, các kênh đầu tư có tính rủi ro cao và nhạy cảm với căng thẳng địa - chính trị chịu tác động bất lợi, thể hiện qua thị trường cổ phiếu toàn cầu đứng trước áp lực giảm mạnh và chịu cảnh bán tháo. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sau đợt giảm trong ba ngày 9, 10 và 11/10 do nhà đầu tư đổ xô mua vào, nay tiếp tục đi lên và đang hướng đến mốc 5%, cho thấy những rủi ro tiềm ẩn mà nền kinh tế có thể sắp phải đối mặt.

Điều khiến nhiều người lo ngại nhất hiện nay là xung đột giữa Israel và Hamas có thể lan rộng, kéo dài, làm gián đoạn nền kinh tế thế giới và thậm chí khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Về lực lượng, rõ ràng quân đội Israel hiện đại và có sức mạnh đáng kể so với Hamas, tuy nhiên Hamas có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nước Hồi giáo, khi quá khứ cũng từng cho thấy các cuộc chiến ở Trung Đông vốn rất phức tạp vì nguồn gốc đến từ những xung đột tôn giáo và sắc tộc.

Hệ lụy lâu dài

Cụ thể, giới quan sát e ngại xung đột có thể lan sang Lebanon và Syria - nơi Iran cũng hỗ trợ các nhóm vũ trang thì xung đột hiện nay ở Gaza sẽ biến thành một cuộc chiến giữa Iran và Israel, tổn thất kinh tế sẽ tăng vọt. Theo dự báo của Bloomberg Economics, nếu xung đột lan rộng khiến Israel đụng độ trực tiếp với Iran, giá dầu có thể tăng đến 150 USD/thùng và kinh tế toàn cầu giảm 1,7% - một cuộc suy thoái khiến thế giới thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.

Cần biết rằng, khu vực Trung Đông không chỉ là nguồn cung dầu mỏ lớn nhất, khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới, mà còn là tuyến đường vận chuyển năng lượng cực kỳ quan trọng. Nhìn lại quá khứ, cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1973 dẫn đến lệnh cấm vận dầu mỏ đẩy giá dầu tăng gấp 4 lần, khiến nền kinh tế, sản xuất công nghiệp trì trệ trong suốt nhiều năm là ví dụ rõ ràng nhất. Giờ đây, giới quan sát cho rằng Mỹ sẽ sớm áp đặt trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào dầu mỏ Iran.

Đặc biệt, giá dầu tăng cao cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm lạm phát toàn cầu - giữ ở mức gần 6%, khiến lạm phát có thể quay trở lại và duy trì áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi nhiều nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái. IMF cho rằng, cứ 10% giá dầu tăng thêm sẽ khiến tốc độ lạm phát toàn cầu tăng thêm 0,4 điểm phần trăm.

Giới chức tài chính quốc tế nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tại dải Gaza xảy ra đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang ở trong trạng thái mong manh, đặt ra rủi ro mới giữa lúc đang dần hồi phục từ hai cú sốc lớn là đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine. Trong bối cảnh niềm tin suy giảm, các nền kinh tế chật vật tăng năng suất lao động, hàng rào thương mại được dựng lên ngày càng nhiều giữa căng thẳng địa - chính trị gia tăng, cuộc xung đột mới này có thể làm tình hình thêm trầm trọng.

Chẳng những vậy, thế giới còn phải đối mặt với các rủi ro tài khóa khi nợ công tăng ở khắp các nền kinh tế. Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu được dự báo sẽ vượt 100% vào cuối thập niên này, làm dấy lên lo ngại về bền vững nợ, khi cuộc chiến có thể thúc đẩy các nước chạy đua vũ trang nhiều hơn để tự bảo vệ mình.

Các hệ lụy có thể kéo dài hơn, khi bạo lực giữa Israel và nhóm Hamas làm sâu sắc hơn sự chia rẽ giữa thế giới Hồi giáo Ả Rập và Do Thái giáo của Israel - vốn là một trong những nguyên nhân gây xung đột lâu đời và phức tạp nhất trên thế giới. Những năm gần đây, quan hệ giữa các nước Ả Rập với Israel đã có những chuyển biến tích cực khi hàng loạt nước Ả Rập tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel, tuy nhiên mọi thứ có thể thay đổi sau cuộc xung đột này.

Khủng hoảng Israel - Hamas cũng làm bộc lộ sự phân cực của thế giới hiện nay. Trong khi Mỹ và phương Tây lên án mạnh mẽ nhóm Hamas và cam kết sát cánh cùng Israel thì Iran đã lên tiếng bảo vệ nhóm này, đồng thời kêu gọi các nước Hồi giáo ủng hộ Palestine. Trung Quốc giữ thái độ trung lập khi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và chấm dứt hành động thù địch. Tuy nhiên, đề xuất của Bắc Kinh về việc thành lập nhà nước Palestine độc lập lại khiến Washington không đồng tình.

Cuối cùng, một vấn đề từ cuộc xung đột này cũng đang khiến các nước châu Âu lo ngại chính là nguy cơ khủng hoảng người di cư. Ngày 7/10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU): “Có thể sẽ có một làn sóng di cư khác từ Trung Đông tấn công châu Âu. Tất nhiên, an ninh và bảo vệ biên giới Ba Lan cũng như biên giới của EU càng trở nên quan trọng hơn”.

Khả Hân