Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group: “Cứu một trẻ em như cứu một mầm xanh”
Vẫn còn nguyên cảm xúc sau chuỗi hoạt động Trung thu 2023 “Chuyện trăng non” cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, khuyết tật… Chủ tịch Kim Oanh Group Đặng Thị Kim Oanh chia sẻ: “Món quà tôi mang lại cho các bé ngày hôm nay không lớn về vật chất nhưng lớn về tinh thần. Tôi đã mang lại cho các bé niềm tin về cuộc sống, tin vào bản thân và tương lai”.
Bà tiếp, năm nay kinh tế khó khăn, dù phải cắt giảm tổ chức Trung thu cho con em cán bộ, công nhân viên, nhưng chúng tôi vẫn dồn hết tâm sức tổ chức các hoạt động Trung thu cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ em mất cha mẹ trong đại dịch Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn, các em tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Hội Bảo trợ trẻ khuyết tật TP.HCM, các em đang được giáo dưỡng tại Long Thành, Đồng Nai.
Tại các điểm đến của chương trình, chúng tôi không chỉ tặng quà cho các em vui Tết Trung thu, tổ chức văn nghệ, vui chơi với các em, mà còn có nhiều hoạt động khác như đọc sách, mời các anh chị doanh nhân, chuyên viên tư vấn tâm lý lên nói chuyện, kể chuyện cho các em nghe, đích thân tôi còn tự tay nấu cả nồi bún bò và chuyển đến Trường Giáo dưỡng số 4 cho hơn 200 trẻ em cùng ăn. Nhìn các em ăn ngon, vui vẻ và ánh mắt ánh lên niềm vui, tôi thấy hạnh phúc lắm. Cảm giác như mình đang mang đến cho các em bữa cơm ấm áp bên gia đình, do chính người mẹ tự tay nấu.
Đó cũng chính là nguồn động lực, giúp các em vượt qua những nghịch cảnh, khiếm khuyết của bản thân, thêm niềm tin để vươn lên và từng bước trưởng thành, hòa nhập với xã hội.
* Thường sau mỗi chuyến đi từ thiện đều để lại cho bà nhiều cảm xúc, chương trình Trung thu “Chuyện trăng non” vừa khép lại đã cho bà cảm xúc thế nào?
- Khi đến trung tâm chăm sóc trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19, được nghe các bé nói lên suy nghĩ, ước mơ của mình trong đêm Trung thu, tôi đã rơi nước mắt và rất nhiều người có mặt hôm đó cũng xúc động, rưng rưng. Có bé chỉ ước mơ: “Làm thế nào để cha mẹ con được sống lại”. Có bé thủ thỉ: “Cảm ơn ba đã chăm sóc con nhưng con chưa được cám ơn thì ba đã đi rồi. Nay con xin cám ơn và báo tin cho ba vui, con đã được Quỹ từ thiện Kim Oanh giúp đỡ nên vẫn được đi học và đã được tốt nghiệp phổ thông”. Có bé thì chia sẻ: “Mẹ ơi, con đã bị trầm cảm sau khi mẹ mất nhưng nay con đã có các cô chú Kim Oanh đến với con, các cô chú đến tận nhà, tận trường, dẫn con đi mua đồ chơi, dụng cụ học tập, ngồi an ủi, động viên con, cô chú cũng thường xuyên điện thoại để động viên và bây giờ bốn chị em con đã hòa nhập vào cuộc sống được rồi, mẹ yên tâm nhé…”. Cũng vì thấu hiểu nỗi lòng các con nên chúng tôi đã thực hiện chương trình “Tìm cha mẹ cho con” và 22 trên tổng số 80 trẻ em mồ côi mà chúng tôi đang nuôi đã được cha mẹ nhận nuôi ngay tại dịp Trung thu này với mức tài trợ một năm 12 triệu đồng mỗi em.
Đây là số tiền quỹ gửi về cho gia đình nuôi bé. Ngoài ra, quỹ còn dành thêm 10 triệu đồng để chăm lo các hoạt động học tập, sinh hoạt, đời sống vật chất tinh thần cho mỗi bé để các bé ổn định tinh thần và tâm lý vượt qua sự mất mát. Như vậy, tổng chi phí cho một bé sẽ tăng lên 22 triệu đồng/năm.
* Ở Trường Giáo dưỡng số 4 - nơi các bé đang độ tuổi thiếu nhi nhưng đã lỡ phạm tội, bà đã mang lại cho các bé niềm tin thế nào?
- Tôi chưa biết các bé ở đây phạm tội gì nhưng khi ngồi cùng các bé trò chuyện, mới thấy các bé rất đáng thương, đáng yêu và còn rất trẻ con. Tôi khuyến khích các bé đọc sách. Tôi nói: “Đọc sách cho các con kiến thức rất lớn, các con phải tự tin, không sợ hãi, phải biết mình là ai và muốn gì. Các con cũng phải biết ơn và thể hiện sự biết ơn, biết sai lầm để sửa chữa và nhất là phải học và đọc sách thật nhiều để sớm ra trường trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội”.
Tôi còn động viên, nếu khi ra hòa đồng với xã hội, bé nào tạo được giá trị cho bản thân thì tôi sẽ giúp cho học nghề, thậm chí bé nào chưa được gia đình cảm thông thì các cô chú Kim Oanh sẽ liên hệ với cha mẹ để tìm sự gắn kết, thông hiểu nhau, để cha mẹ nhận thấy bé đã thực sự trưởng thành.
Tôi cũng chỉ ra cho các bé: “Nếu các con chịu khó thì sẽ có rất nhiều công việc để làm và kiếm sống, tương lai các con ở phía trước rất rộng mở. Biết đâu 5-7 năm sau các con lại trở thành nhân viên của Kim Oanh, hoặc khi các con trưởng thành, các con lại quay trở lại đây để dẫn dắt các em mới vào trường”.
* Lúc đó, bà cảm nhận sự chuyển biến của các bé thế nào?
- Khi tôi nói, các bé nghe rất chăm chú, tôi nhìn thấy những ánh mắt sáng lên, nhất là khi tôi phát biểu: “Nếu các con cần việc làm hay cần sự trợ giúp của cộng đồng, hãy liên hệ cô chú Kim Oanh, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mình và có thể hỗ trợ việc làm tại công ty ở một vị trí phù hợp”. Đã có rất nhiều cánh tay giơ lên hứa sẽ cố gắng.
* Bà luôn dành từ “các bé” khi nói về các em tại Trường Giáo dưỡng, tôi cảm nhận một tình cảm đặc biệt nào đó của bà, có đúng vậy không hay chỉ là cách gọi thôi, thưa bà?
- Như đã nói, chỉ khi bạn đến tận nơi, nhìn thấy gương mặt các bé còn rất trẻ thơ thì mới thấy các bé đáng thương như thế nào. Tôi nghĩ, lỗi các bé hôm nay biết đâu là vì hoàn cảnh, vì gia đình hay vì một lỗi khách quan nào đó. Ở lứa tuổi chưa đủ lớn và trưởng thành, nếu không có được môi trường tốt, không gặp được tình thương và sự giúp đỡ của người tốt thì ranh giới giữa phạm tội sẽ rất gần nhau. Vì vậy, tôi cảm thấy các bé cần phải được yêu thương, động viên để các bé không cảm thấy tự ti khi bị xã hội chê trách và nhiều người xa lánh.
Nếu cho các bé sự bao dung, với đầy ắp tình yêu thương, chịu khó lắng nghe và động viên, biết đâu sau này các bé sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, sẽ là những doanh nhân, những nhà chính khách, kỹ sư, bác sĩ, những người trí thức... Thực tế, cũng đã có rất nhiều trẻ em bước ra từ trường giáo dưỡng nhưng đã trở thành một doanh nhân, giám đốc và tôi đã được chứng kiến.
* Tôi cũng có trăn trở là lâu nay, khi các em hết thời gian ở trường giáo dưỡng thì trường sẽ trả về cha mẹ và địa phương. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để các em không trở lại những lỗi lầm mình đã vi phạm, bà có suy nghĩ vậy không?
- Đây cũng là điều tôi rất trăn trở. Đúng là có rất nhiều bé khi trở về địa phương nhưng không nơi nương tựa thì đàn anh, đàn chị lại lôi kéo đi, lại trở thành tội phạm. Ngay tại lúc này, cũng có nhiều bé đang ở trường giáo dưỡng những cũng không biết hết thời hạn ở trường sẽ đi đâu, về đâu. Vì thế, tôi cảm thấy rất thương các bé và luôn nghĩ, tại sao chúng ta không làm chương trình đào tạo hướng cho các bé có nghề. Làm thế nào để có một quỹ hảo tâm nào đó để hỗ trợ cho các bé trở về có chỗ ăn, chỗ làm việc để trở thành người tốt.
* Hôm trước còn nghe bà nói mới đi thăm trại dưỡng lão người già neo đơn, tự tay làm hàng trăm cái bánh và 500 tô bún bò và 3.000 phần bánh huế để mang đến tận tay cho các cụ. Phải chăng, từ thiện đã trở thành công việc mang lại niềm vui cho bà?
- Giá trị lớn nhất của kinh doanh là làm những việc có ích cho mình, cho đời và cho người. Khi cuộc sống mình đã đủ thì nghĩ đến người xung quanh, nghĩ đến sự sẻ chia là điều cần có và nên làm. Và không chỉ riêng tôi, hiện nay có rất nhiều anh chị doanh nhân cũng có suy nghĩ như vậy.
Một phần ý nghĩa nữa là do rằm tháng Bảy cũng là ngày nhớ về công ơn cha mẹ. Những ai còn cha mẹ thì còn cơ hội để đền đáp công ơn. Con nuôi của tôi cũng không còn cha mẹ nên tôi muốn đến thăm tặng quà những người không may mắn, không có nơi nương tựa. Tôi xem họ là cha mẹ của mình và mong muốn trao đi tình yêu thương, giúp họ phần nào vơi bớt nỗi cô đơn.
Có nhiều người còn nói tôi bị điên hay sao mà công việc bận rộn cả tuần, ngày thứ bảy, Chủ nhật không nghỉ ngơi mà ba giờ sáng đã lăn dậy nấu ăn, nấu uống rồi đem đi từ thiện. Nhưng tôi làm vì tâm, vì thấy hạnh phúc.
Hạnh phúc của tôi là đem đến cho càng nhiều người đỡ khổ hơn, càng nhiều người có cơ hội sống tốt hơn, có nhiều thức ăn ngon và thấy họ ăn ngon là tôi thấy vui. Vì tôi luôn mong muốn chia sẻ những hạnh phúc tôi đang có cho người khác. Cứ làm nhiều, ăn ít, nghĩa là cho đi nhiều hơn thì sẽ thấy vui.
* Có vẻ như chủ đề buổi trò chuyện hôm nay là những câu chuyện bà làm cho cộng đồng. Tôi hơi tò mò về dự án “Cháu muốn sống”, bà có thể nói kỹ hơn về dự án này?
- Hiện nay, có một số bé bị bệnh nặng như ung thư nhưng nếu qua 8 tuổi thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Vì thế, có nhiều gia đình khó khăn thì cha mẹ sẽ rất khó xoay xở. Trong khi đó, 65% ung thư sẽ có thể chữa khỏi. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị ngân sách khoảng 10 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Thừa Thiên - Huế. Dự án này sẽ triển khai trong cuối năm nay.
Hay như có bệnh chỉ được hỗ trợ 50 triệu đồng, nhưng có bệnh cần lên tới 80 triệu đồng mới chữa lành thì chúng tôi phải kịp thời hỗ trợ để chữa trị. Vì thế, chúng tôi muốn lan rộng và mở rộng quỹ này, vì cứu một em bé giống như cứu một mầm xanh.
Một dự án nữa mà tôi muốn thực hiện, đó là giúp các phụ nữ ở các vùng núi xét nghiệm và khám lâm sàng ung thư. Nếu họ bị bệnh, dự án sẽ giúp họ tinh thần và cơ hội sống vì ung thư được phát hiện sớm sẽ cho họ cơ hội sống. Tiếp theo đó là tạo công ăn việc làm cho họ, đặc biệt là chia sẻ tư duy và quan điểm về hạnh phúc. Tất cả dự án này sẽ được “Quỹ khởi sự từ tâm” tiếp tục thực hiện.
* Tại sao lại là “Quỹ khởi sự từ tâm” khi “Quỹ từ thiện Kim Oanh” đã hoạt động 5 năm. Bà không sợ mất thương hiệu?
- Tôi thành lập Quỹ từ thiện Kim Oanh là từ tâm, là muốn đóng góp, chia sẻ với cộng đồng, với nhiều mảnh đời nghịch cảnh những gì mình có khả năng chứ không phải để làm thương hiệu hay PR bản thân, tên tuổi.
Tuy nhiên, nếu để tên quỹ là Kim Oanh nhiều người tưởng đây là quỹ của tôi nên sự tham gia sẽ hạn chế. Vì thé, tôi đổi tên thành “Quỹ khởi sự từ tâm”. Khi mọi người thấy dự án có ý nghĩa và muốn chung tay thì có nghĩa họ đang làm từ thiện cho chính họ chứ không phải cho Kim Oanh. Chúng tôi chỉ là vòng tay nối dài để kết nối, lan tỏa và kêu gọi mọi người cùng làm.
* Tôi thấy hơi lạ là trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí để duy trì kinh doanh, bản thân Kim Oanh Group cũng còn nợ ngân hàng 4.100 tỷ đồng nhưng bà vẫn chi số tiền rất lớn cho các dự án từ thiện. Tại sao?
- Tôi nghĩ, khó khăn là chung. Nếu có giảm tiền từ thiện thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hơn nữa, làm từ thiện mà phải trả hết nợ mới đi làm thì xem như không bao giờ có thể làm được. Bởi nói thật, đã làm kinh tế thì không bao giờ trả hết nợ. Vấn đề là biết cân bằng, cái nào trả nợ, cái nào để phát triển công ty và cái nào đóng góp cho xã hội vì những người nghèo, người bệnh, người khó không chờ chúng ta có tiền nhiều, trả xong nợ đâu…
Tôi nghĩ, cách đây 20 năm, mình mơ ước cái gì thì bây giờ mình còn nhiều hơn như thế, mà cho dù có phải bán đi giá trị tài sản mình cũng còn nhiều hơn. Ngày xưa mình chỉ mơ một miếng đất và một căn nhà, thì bây giờ đã có nhiều hơn căn nhà. Đó là hạnh phúc rồi, chưa kể còn có thêm một đội ngũ cán bộ, công nhân viên và một hệ thống kinh doanh nữa.
Rồi nữa, nếu ai cũng nói bận lắm không đi làm từ thiện được thì ai đi làm. Vì thế, tôi dành buổi trưa để đi và dậy sớm hơn, đặc biệt thứ bảy, Chủ nhật người ta nghỉ đi chơi thì tôi đi làm từ thiện, đó cũng là niềm vui và hạnh phúc. Nếu ai đã đi làm từ thiện thì tôi tin cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc như tôi và những giá trị đem lại.
* Gần đây, nhiều người nhận xét bà có nhiều năng lượng hơn so với cách đây vài năm. Phải chăng, khi công việc kinh doanh chậm lại, bà có thời gian nhiều hơn để cân bằng cuộc sống?
- Cuộc sống áp lực sẽ tạo cho chúng ta nhiều áp lực. Nhưng thời gian qua, không phải tôi có thời gian chăm sóc bản thân mà đó là phép nhiệm màu của “thiền”. Tôi nói phép nhiệm màu không phải vì mê tín hay tâm linh, mà đó là một kết quả không ngờ sau thời gian tôi đã thực hành và phải khẳng định, đây là một môn khoa học chứ không phải như nhiều người cho đây là một tôn giáo và mình sẽ bị dẫn dắt đi đâu đó hoặc đang đi không đúng hướng.
Thường khóa thiền sẽ thực hành trong 10 ngày. Và ba ngày đầu tiên, mọi người chỉ ngồi yên tập hít thở để tâm trí và cơ thể cân bằng trở lại. Bởi suốt quá trình làm việc, cơ thể không có sự đào thải, cân bằng, những độc hại trong cơ thể bị tắc lại, máu huyết không điều hòa, không thông và ức chế. Nguyên lý cơ bản của cơ thể là khi chúng ta đẩy được những năng lượng xấu, tạp chất xấu ứ trong người sẽ làm cho máu lưu thông. Mà khi máu lưu thông thì cơ thể sẽ cảm thấy khỏe, năng lượng dồi dào và tinh thần thông suốt.
Thật ra, ba ngày đầu tiên tập thiền sẽ bị xáo trộn, thiếu tập trung, đầu óc nghĩ lung tung và không thể ngồi yên, nhưng nếu vượt qua được ba ngày đó thì xem như đã vượt qua thử thách khó khăn nhất.
* Sau khóa thiền 10 ngày, bà cảm nhận thay đổi bản thân thế nào?
- Ngoài hiệu quả trước mắt là sức khỏe, thay đổi lớn nhất của tôi là cảm thấy người thanh nhẹ hơn, cả thân và tâm trí, không còn cảm thấy tham, sân, si. Trước đây, tôi rất hay nóng giận, luôn nghĩ rằng mình đúng, đôi lúc hay nghi ngờ, trách móc, hờn giận người xung quanh, không lắng nghe và bảo thủ trước nhiều ý kiến. Nhưng sau khóa thiền, tôi sống chậm hơn, biết lắng lại và nhìn được con người bên trong của mình, nhìn ra điểm yếu và biết lắng nghe. Tôi không còn nóng giận và trước khi trách móc ai, tôi luôn nghĩ mình đã làm gì cho họ chưa. Tôi cũng không còn ảo tưởng vào con người mình và cũng không nghĩ đến việc vào chùa để cầu cho mình được cái này hay cái kia nữa.
Và tâm bình an thì khi sóng gió đến, tôi cũng tỉnh táo hơn để xử lý, xem đó là lẽ đương nhiên, không hoảng loạn nghi ngờ và nóng nảy. Ngộ ra, sự nóng nảy, bực tức, sân si không giải quyết vấn đề gì mà chỉ đem lại mệt mỏi cho mình và khổ đau cho người khác mà thôi. Khi mình thay đổi bản thân, mọi người xung quanh mình cũng thay đổi. Trước đây, tôi luôn nghĩ mình là người chủ nên hay ép các con phải theo ý của mình, nhưng bây giờ khi tôi thay đổi thì các con cũng thay đổi và cùng làm những công việc tôi đang làm.
Từ nhỏ, tôi đã là người đam mê công việc và thích quan tâm, chia sẻ với người khác. Sau khi đi thiền về và thực tập mỗi ngày, tôi làm việc năng suất cao hơn, không biết mệt. Năng lượng làm việc của tôi tăng lên mấy trăm phần trăm. Xử lý công việc rất nhanh. Tâm, trí của tôi bỗng trở nên nhạy bén. Tôi cho đi nhiều hơn, chia sẻ và yêu thương nhiều hơn, cảm thấy rất hạnh phúc chứ không áp lực hay buồn bực như trước.
Khi bạn lấy tình yêu thương để giải quyết tất cả mâu thuẫn, cũng là cách để mình giảm bớt các đối thủ và cạnh tranh, thấy tình thương mang lại cho ta sự ấm áp hơn là hận thù.
* Nhưng để thân tâm được an thì phải buông bỏ bớt…
- Không đúng. Thiền giúp mình nhận ra phải buông những cái cần buông và nắm những cái cần nắm. Đặc biệt, nếu ai đã qua khóa thiền này thì sẽ không bao giờ dám làm bậy, không làm điều xấu để có đồng tiền không chính đáng mang về cho mình. Vì nếu làm sai, làm bậy sẽ sợ nghiệp và phải trả giá.
* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện thân tình hôm nay.
Quan niệm làm từ thiện
Làm từ thiện cũng phải “từ bi có trí tuệ” chứ không phải cứ có tiền là “cho đi” theo kiểu đi rải, làm một cách ào ào, theo cảm tính hay PR, mà phải đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ và cho người cần cho.
Bên cạnh đó, của cho không bằng cách cho. Mình cho một món quà nhưng mình phải nâng niu, biết cảm ơn và tôn trọng người đã cho mình tặng món quà này.
Với người được cho, tôi cũng hướng cho họ biết trân trọng và thấy giá trị món quà họ được nhận, nghĩa là mình cho họ sự thương yêu nhưng họ phải biết trân trọng giá trị mình cho họ. Vì vậy , chúng tôi không tài trợ những chương trình 500 hay 1 triệu phần quà một cách đại trà, mà thực hiện các dự án có kế hoạch dài hạn. Phải giúp cho họ vượt qua nghịch cảnh, vượt qua khó khăn. Đó chính là cho họ chiếc cần câu chứ không cho con cá.