Góc chuyên gia

Xung đột Trung Đông tác động thế nào đến kinh tế thế giới và Việt Nam?

Nguyễn Văn Phong 24/10/2023 06:00

Xung đột Trung Đông bất ngờ bùng phát ngày 7/10/2023, sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel. Đến nay, chiến sự đã đi qua hơn hai tuần, với nhiều thương vong cho các bên cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.

Trong xu thế toàn cầu này, kinh tế Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng không? Kinh tế thế giới đang chao đảo như thế nào? Dự đoán sắp tới tình hình ra sao? Để tìm hiểu thêm về vấn đề trên, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có phỏng vấn ThS. Lưu Văn Vinh - chuyên gia về an ninh tiền tệ và quan hệ quốc tế.

gettyimages-1730208354(1).jpg
Chiến sự tại Trung Đông đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới - Ảnh: Al Monitor

* Thưa ông, từ khi cuộc chiến nổ ra, giá dầu đã tăng do lo ngại xung đột lan rộng, hoạt động khai thác bị đình trệ hoặc các tuyến đường huyết mạch bị ngăn chặn. Ông có thể nói thêm về những yếu tố liên quan tới xung đột khiến giá dầu cao?

- Hiện nay, cả thế giới hướng về Trung Đông, nơi đang bùng phát cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas. Điều khiến dư luận quốc tế băn khoăn không chỉ số nạn nhân thiệt mạng ngày càng cao, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, mà còn là biến động giá dầu có thể đẩy kinh tế thế giới vào đợt suy thoái mới.

Giá dầu tăng trong thời điểm vừa qua, có thể xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chính:

Thứ nhất là yếu tố bên ngoài. Lo ngại giá dầu đi xuống khi kinh tế thế giới giảm tốc, các nước OPEC+ nhất trí cắt bớt sản lượng để giữ giá dầu cao. Điều này hoàn toàn nằm trong lợi ích của OPEC+, đặc biệt là Nga và Ả Rập Saudi.

Cụ thể, Nga giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày, tức 5% sản lượng khai thác trong tháng 8, sau đó 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trước đó, vào ngày 3/8/2023, Ả Rập Saudi quyết định gia hạn việc tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng, đến hết tháng 9/2023, nhằm hỗ trợ nỗ lực ổn định và cân bằng thị trường dầu mỏ quốc tế.

Bên cạnh đó, Mỹ tuyên bố mua 6 triệu thùng dầu thô để bổ sung kho dự trữ chiến lược. Ngoài ra, yếu tố vụ mùa cũng tác động đến việc tăng giá dầu. Thông thường, vào mùa Đông, nhu cầu sử dụng dầu mỏ cao hơn mùa Hè.

Thứ hai là yếu tố bên trong. Cuộc chiến giữa Israel với Hamas dường như là “tác động kép”, đẩy giá dầu tăng lên mức cao mới, khi khả năng gián đoạn nguồn cung ngày càng hiện hữu. Ngày 19/10/2023, giá dầu Brent tăng hơn 1%, đạt 92,38 USD/thùng. Dầu WTI tăng 1,2%, đạt 89,37 USD/thùng.

Điều đặc biệt trong đợt tăng giá này ở chỗ là cuộc chiến xảy ra tại Trung Đông, nơi khai thác và sản xuất dầu chủ yếu của thế giới (cùng với Nga và Mỹ). Các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất toàn cầu đều trực tiếp hay gián tiếp bị cuốn vào cuộc chiến, như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi hay Iran.

Không những vậy, có 4/11 nước đã và sẽ tham gia khối BRICS là đến từ Trung Đông. Họ có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Tất nhiên, đều liên quan tới cuộc xung đột. Đó là Ai Cập, Ả Rập Saudi, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Với nhiều nước can dự vào cuộc chiến Hamas - Israel nêu trên, giá dầu tăng là chắc chắn, đã và đang tác động tiêu cực đến tình hình thế giới lẫn kinh tế thế giới.

* Israel cũng là nhà xuất khẩu khí đốt lớn. Từ khi cuộc chiến nổ ra, một số mỏ của họ phải đóng cửa. Ở chiều ngược lại, Israel nhập khẩu 250.000 thùng dầu mỗi ngày. Iran đang kêu gọi thế giới Ả Rập ngưng bán dầu cho nhà nước Do Thái. Ông nghĩ những điều trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Israel?

- Thế giới đã trải qua hơn hai tuần lo lắng, khi Israel vẫn quyết tâm tiến vào dải Gaza để tiêu diệt Hamas. Với phong cách riêng vốn có, quyết tâm trên của Israel chắc sẽ không thay đổi cả ngắn lẫn trung hạn.

Trong bối cảnh cuộc chiến có thể lan rộng và khó lường, Israel quyết định tạm ngưng hoạt động khai thác khí đốt tại Tamar - một trong những mỏ lớn nhất của nhà nước Do Thái trên thềm biển Địa Trung Hải, không xa dải Gaza và nằm trong tầm bắn tên lửa của Hamas.

mo-khi-dot-tamar-cua-israel-anh-times-of-israel(1).jpg
Mỏ khí đốt Tamar của Israel - Ảnh: Times of Israel

Mỏ Tamar có trữ lượng hơn 300 tỷ mét khối khí đốt. Theo Chevron, mỏ này cung cấp 70% nhu cầu năng lượng của Israel để phát điện. Mỏ Tamar không hoạt động, Israel có khả năng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Điều này có thể trầm trọng hơn khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, trong phát biểu ngày 18/10/2023, đã kêu gọi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) không bán dầu cho Israel, cũng như trục xuất các đại sứ Israel.

Mặc dù OPEC, OIC và các nước vùng Vịnh không ủng hộ lời kêu gọi của Iran, nhưng quan điểm có thể thay đổi nếu cuộc chiến lan rộng và lôi kéo thêm quốc gia Trung Đông tham gia.

Với những diễn biến phức tạp và khó lường trên các mặt trận, kinh tế Israel sẽ đối diện nhiều khó khăn trong năm 2023. Cần nhớ rằng, sau 50 năm Israel mới xuất hiện lại một cuộc chiến lớn.

* Từ khi chiến sự nổ ra, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể nói vô cùng lo lắng. Trung Quốc cũng bất an. Ba ông lớn châu Á này nhập khẩu rất nhiều dầu từ Trung Đông. Theo ông, Trung Đông vẫn bất ổn, liệu có phải là điều tốt cho kinh tế Nga? Giá dầu tăng giúp Nga thu nhiều tiền hơn và các thị trường sẽ mua từ họ nhiều hơn?

- Cuộc chiến giữa Israel với Hamas tại Trung Đông tưởng chừng ít lan tỏa ra thế giới, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Xung đột không chỉ tác động đến các quốc gia Trung Đông, mà còn nhiều hơn thế, đặc biệt đối với những nước có nhu cầu dầu mỏ lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong vài năm qua, kinh tế thế giới có nhiều thời điểm “thấm đòn”, khi gián đoạn chuỗi cung ứng dầu mỏ hay khí đốt. Vấn đề này hoàn toàn có thể lặp lại vì cộng đồng quốc tế chưa có giải pháp ngăn chặn cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng.

Xét bối cảnh như vậy, dư luận đặt câu hỏi: Nước Nga là cường quốc dầu mỏ và thành viên OPEC+ có hưởng lợi hay không? Câu trả lời, nước Nga hoàn toàn được lợi, nhất là trong trước mắt.

Cụ thể, giá dầu tăng tạo điều kiện cho nước Nga đạt được các lợi thế: lợi ích tổng quát là thu nhiều tiền hơn, góp phần xử lý một số vấn đề kinh tế phức tạp đang hiện hữu; có thêm đòn bẩy trong xuất khẩu dầu mỏ như làm vô hiệu hóa giá trần xuất khẩu mà Mỹ và phương Tây đang áp đặt là không quá 60 USD/thùng; thiết lập các chuỗi cung ứng an toàn và chủ động với nhiều đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội cho “đàm phán hậu trường” giữa Nga với nhiều quốc gia khác, nhằm phá thế bao vây cấm vận hiện nay.

* Giá dầu tăng ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào, khi chúng ta cũng là nhà nhập khẩu dầu lớn?

- Trước tiên, tôi xin nói về quan hệ kinh tế Việt Nam - Israel. Ngày 25/7/2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký, mở ra cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như Israel.

le-ky-ket-fta-giua-viet-nam-va-israel-anh-dai-su-quan-israel.jpg
Lễ ký kết FTA giữa Việt Nam và Israel - Ảnh: Đại sứ quán Israel

Đây là hiệp định FTA thứ 17 của Việt Nam (trong đó có 4 hiệp định đa phương). Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Israel trị giá 175,8 triệu USD, chiếm dưới 0,01% tổng nhập khẩu. Do đó, nếu xảy ra đứt quãng nguồn cung từ Israel do chiến tranh sẽ không ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu của Việt Nam.

Cũng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Israel 780,5 triệu USD hàng hóa, chiếm 0,2% tổng giá trị. Do đó, việc suy giảm nhu cầu nhập khẩu nếu có từ Israel, cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu tổng thể của Việt Nam. Điều lưu ý nhất với kinh tế Việt Nam hiện nay là giá dầu thô nhập khẩu tăng và nguồn cung chủ yếu đến từ Trung Đông.

6 tháng đầu năm 2022, dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine, giá dầu thô có lúc đạt 120 USD/thùng, gây nhiều khó khăn cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Kịch bản này có thể lặp lại trong năm nay nếu cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng và mất kiểm soát. Đây có thể là rủi ro lớn nhất cho kinh tế Việt Nam trong quý IV/2023.

Việt Nam là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu, nhưng đồng thời là quốc gia nhập khẩu dầu lớn. Trong năm 2022, Việt Nam chi 8,97 tỷ USD nhập khoảng 8,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, tăng 28% về lượng và 4,9 tỷ USD về giá trị so với năm 2021.

Năm 2022, Việt Nam cũng nhập khẩu 10,8 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 8,2 tỷ USD, tăng lần lượt 8% và 57% về lượng và giá trị so với năm 2021. Như vậy, năm 2022 tổng nhập xăng dầu thành phẩm và dầu thô của Việt Nam vượt 17 tỷ USD.

Nhìn chung 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 7,69 triệu tấn dầu thô với giá trị 4,63 tỷ USD, tăng 25,6% về lượng và giảm 4,9% về giá trị. Bên cạnh đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có công suất khoảng 8,5 triệu tấn/năm, sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng Vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc và đá phiến.

Có thể nói, nếu nguồn cung từ Trung Đông gián đoạn khiến giá dầu tăng cao, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nước ta. Đầu tiên dễ thấy nhất là giá hàng hóa và dịch vụ đi lên, khiến lạm phát khó kiểm soát.

* Từ khi chiến sự bùng phát, Israel huy động hơn 300.000 quân dự bị. Phần lớn trong số họ là công nhân và kỹ sư tại các nhà máy. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vì thiếu người cũng như lo ngại về an ninh, ví dụ bị tên lửa Hamas tấn công. Israel lại là nơi cung ứng hàng đầu các linh kiện điện tử như chip hay chất bán dẫn. Ông nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến kinh tế thế giới? Quốc gia hay công ty nào bị tác động mạnh nhất?

- Dù quốc gia có quy mô nhỏ nhưng Israel lại là gã khổng lồ trong khoa học - công nghệ. Nhiều sản phẩm khoa học - công nghệ, khoa học quân sự của họ thuộc hàng “đỉnh” trên thế giới. Theo OECD, Israel xếp hạng nhất toàn cầu về chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) theo tỷ lệ GDP.

Không những vậy, Israel có thành tích ấn tượng về sáng tạo các công nghệ thúc đẩy lợi nhuận. Nơi đây là lựa chọn hàng đầu của nhiều gã khổng lồ trên hàng loạt lĩnh vực.

Intel và Microsoft đã xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển hải ngoại đầu tiên tại Israel. Các tập đoàn đa quốc gia khác như IBM, Google, Apple, hay HP, đều có mở cơ sở R&D tại Israel. Đặc biệt, theo Time of Israel hồi tháng 6/2023, Intel sẽ đầu tư 25 tỷ USD để xây nhà máy chip tại Kiryat Gat, dự kiến vận hành năm 2027. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, đây là số tiền đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay vào Israel.

Với thế mạnh về công nghệ, Israel hoàn toàn có vị trí xứng đáng trên bản đồ khoa học thế giới. Do đó, nếu cuộc chiến lan rộng và kéo dài, không chỉ dầu mỏ - khí đốt, nguồn cung ứng linh kiện điện tử như chip hay chất bán dẫn từ Israel cũng bị gián đoạn hoặc giảm sút.

Kinh tế thế giới cần lường trước kịch bản xấu này. Khi điều đó xảy ra, các công ty công nghệ của Mỹ như Apple sẽ chịu tác động đầu tiên, vì họ nhập khẩu không nhỏ linh kiện để sản xuất iPhone từ Israel. Nói chung, hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ sẽ chịu tác động.

* Ông dự đoán thế nào về cuộc chiến những ngày tới, cũng tác động đến kinh tế thế giới?

- Những cuộc chiến tại Trung Đông không xa lạ với thế giới, vì diễn ra nhiều lần trong 78 năm qua. Mỗi cuộc chiến đều có toan tính khác nhau và thành bại cũng khác nhau.

Với Israel, cuộc chiến này không phải là đấu với quốc gia Ả Rập nào đó, mà với phong trào vũ trang không hề xa lạ. Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi và thay đổi rất nhanh, do vậy những nguyên lý hay bài học chiến tranh trước kia không dễ áp dụng cho cuộc chiến hiện nay.

Cả hai đều có khó khăn riêng, nhưng Israel dường như đang ở thế kẹt. Họ bị “bó chân, bó tay” trước dư luận thế giới, nếu thiệt hại lớn về người xảy ra tại dải Gaza. Họ cũng đang “lúng túng” trước ánh hào quang, uy tín và thanh thế của quân đội trong lịch sử. Chính vì thế, cuộc chiến này thực sự khó lường.

Về kinh tế thế giới, không may cuối năm 2023 lại xuất hiện thêm một cuộc chiến, thêm một rủi ro cho tăng trưởng GDP toàn cầu. Đây là điều không hề mong đợi, nhưng đã xảy ra và chúng ta cần có kịch bản ứng phó phù hợp.

Tình hình thế giới và kinh tế thế giới vẫn bất ổn trong thời gian tới, là nhận định tôi nghĩ sâu sát nhất hiện nay.

* Xin chân thành cảm ơn ông.

Nguyễn Văn Phong