Quốc tế

Kinh tế Nhật Bản có nhiều dấu hiệu tích cực trong tháng 9

Nguyễn Văn Phong 23/10/2023 11:00

Dữ liệu Chính phủ Nhật Bản công bố hôm 20/10/2023 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của nước này tăng 2,8% trong tháng 9/2023, giảm so với mức 3,1% của tháng 8, nguyên nhân bởi giá thực phẩm đi lên chậm lại. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Với con số trên, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2023 là chậm nhất kể từ tháng 8/2022. Tuy nhiên, mức tăng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tháng thứ 18 liên tục.

1x-1.jpg
Lạm phát của Nhật Bản giảm nhẹ trong tháng 9 - Ảnh: Bloomberg

Ông Shotaro Kugo - nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Daiwa nói: “Việc tăng giá hàng hóa như thực phẩm nói chung đã giảm bớt, góp phần rất lớn vào việc giảm tỷ lệ lạm phát trong tháng 9. Chính sách tiền tệ trong tương lai của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào tốc độ chậm lại của lạm phát như thế nào. Có thể sau cuộc đàm phán về tiền lương hằng năm vào mùa Xuân 2024 sẽ là thời điểm để sửa đổi chính sách”.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng thông tin, trong tháng 9, giá thực phẩm, không bao gồm hàng tươi sống, tiếp tục tăng mạnh là 8,8%, nhưng đã chậm lại so với con số 9,2% của tháng 8.

Một khảo sát tiến hành vào tháng 9 của Teikoku Databank với gần 200 công ty thực phẩm cho thấy, giá đã tăng đối với 2.148 mặt hàng. Hãng nghiên cứu thị trường này viết trong báo cáo: “Đà tăng giá đã giảm dần trong nửa cuối năm 2023, vì nhiều công ty có thể chuyển một phần nhất định giá nguyên liệu thô cao của năm trước cho khách hàng”.

Cũng liên quan đến kinh tế, dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố mới đây cho thấy, xuất khẩu của nước này tăng 4,3% trong tháng 9/2023. Đây là mức tăng đầu tiên trong 3 tháng qua.

japan_car_exports_ship_dock_lr_mar2020_jump.jpg
Xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng tích cực trong tháng 9 - Ảnh: MSC

Cụ thể, giá trị xuất khẩu tăng lên 61 tỷ USD, trong khi nhập khẩu khoảng 60 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu đã giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước, do giá tài nguyên thiên nhiên giảm, dẫn đến thặng dư thương mại.

Từ đầu năm 2023 tới nay, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm trong 7 tháng, cho thấy kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, nhất là ở Trung Quốc. Số liệu tháng 9 cũng cho thấy, xuất khẩu ô tô và dược phẩm đã phục hồi, đóng góp vào sự tăng trưởng chung.

Tuy nhiên bà Chisato Oshiba - nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cảnh báo, đằng sau con số về xuất khẩu có rủi ro tiềm tàng. Bà nói với Nikkei Asia: “Ô tô đang dẫn đầu hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng các sản phẩm quan trọng khác như chất bán dẫn và thiết bị chế tạo chất bán dẫn lại đang chậm chạp. Trong tương lai, nếu tốc độ tiêu thụ ô tô đi xuống thì đó là vấn đề đáng lo ngại”.

Trong tháng 9/2023, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc tiếp tục giảm với con số 6,2%. Đây là tháng giảm thứ 10 liên tục. Thực phẩm giảm 58% và linh kiện điện tử giảm 22,9%. Mức giảm này cũng cho thấy tác động của các biện pháp kiểm soát thương mại do cả hai phía áp đặt.

Từ cuối tháng 7, Nhật Bản bắt đầu kiểm soát xuất khẩu thiết bị chế tạo chất bán dẫn tiên tiến. Trung Quốc cuối tháng 8 đã đình chỉ tất cả nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản để phản đối việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.

Các yếu tố chính trị trong quan hệ Trung - Nhật có thể gây ra hậu quả lâu dài và nghiêm trọng trong tương lai, ví dụ quy định xuất khẩu có thể được thắt chặt hơn nữa.

Bà Chisato Oshiba - nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life

Bà Oshiba tự hỏi, liệu Trung Quốc có ngừng mua nhiều thứ hơn ngoài hải sản hay không?

Xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường quan trọng khác như Mỹ và Liên minh châu Âu tăng lần lượt 13% và 12,9% trong tháng 9/2023. Ô tô vẫn là mặt hàng chủ lực. Xuất khẩu sang các nước ASEAN giảm 8,1% và sang Hàn Quốc giảm 4,2%.

Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, thâm hụt mậu dịch của nước này từ tháng 4-9/2023 là 19 tỷ USD, giảm 75,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyễn Văn Phong