Quốc tế

Vì sao lao động Thái Lan tham gia nhiều trong nền kinh tế Israel?

Nguyễn Văn Phong 22/10/2023 17:00

Trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023, đã có hơn 20 công dân Thái Lan thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt làm con tin. Nhiều năm qua, lao động Thái Lan rất đông đảo ở Israel. Họ có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, nhất là về nông nghiệp.

Anh Boonchai Saeyang quốc tịch Thái Lan, đã về nước vào ngày 13/10/2023, nhưng vẫn nặng lòng vì nhiều đồng bào còn ở lại Israel làm việc. Anh tâm sự khi đến sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok, Thái Lan rằng, nhiều người không chịu quay về, bất chấp lời kêu gọi của chính phủ và những đe dọa về an ninh từ Hamas. Lý do bởi gia đình còn mắc nợ, phải bám trụ để mang tiền về.

xxa6yvm6nbnplg34uqn4ivvy7y.jpg
Công nhân Thái Lan từ Israel về nước ngày 16/10/2023 - Ảnh: Nikkei Asia

Anh Boonchai nói với các phóng viên: “Họ bảo tôi về trước. Họ sẽ ở đó chờ xem tình hình tiếp theo, có thể về nếu mọi thứ xấu đi. Nhưng họ tin các trang trại gần dải Gaza - nơi nhiều người đang làm việc sẽ sớm quay lại hoạt động bình thường”.

Anh Boonchai năm nay 35 tuổi, là một trong hàng trăm nghìn người Thái đến Israel khoảng 10 năm qua, theo chương trình hợp tác lao động giữa hai nước về nông nghiệp.

Ước tính chính thức, hàng trăm người nước ngoài đã thiệt mạng trong đợt tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023. Riêng người quốc tịch Thái Lan, con số là 29, cộng với 18 người khác vẫn bị bắt làm con tin.

Chính phủ Thái Lan cam kết hồi hương tất cả công dân có nguyện vọng. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa 4.000 người trở về trong tháng 10 này. Theo một số nguồn tin, hiện có khoảng 7.000 công dân Thái đang chờ để trở về.

Theo số liệu của Chính phủ Israel, vào tháng 7/2023, nước này có khoảng 119.000 lao động nước ngoài hợp pháp và 25.000 lao động bất hợp pháp. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp là gần 23.000 lao động hợp pháp và hơn 7.000 lao động bất hợp pháp. Lĩnh vực nông nghiệp, đại bộ phận lao động đến từ Thái Lan. Số ít còn lại là thực tập sinh từ châu Phi và châu Á, đến Israel theo diện vừa học vừa làm.

Lịch sử người Thái làm việc ở Israel có từ nhiều thập kỷ trước

Theo nghiên cứu của nhà nhân chủng học Matan Kaminer, hàng trăm thực tập sinh và tình nguyện viên Thái Lan trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến Israel vào những năm 1980. Hàng nghìn người khác tiếp tục đến trong thập niên 1990.

Ông Kaminer nói với Nikkei Asia: “Nhà nước Israel đã đưa ra một quyết định chiến lược khi đó, nhằm thay thế công nhân Palestine bằng công nhân nhập cư, để không bị phụ thuộc”.

Dưới áp lực của Mỹ và các nhóm phi chính phủ về quyền lao động, lộ trình tuyển dụng người nước ngoài của Israel đã được chính thức hóa vào năm 2011. Thỏa thuận “Hợp tác Thái Lan - Israel về bố trí người lao động (TIC)”, đã được triển khai từ năm 2013.

Thỏa thuận giúp loại bỏ nhà môi giới trung gian ở Thái Lan và thiết lập mức phí cố định. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo lao động tại Thái Lan trước khi sang Israel. Về phía Israel, 13 cơ quan nhân lực do chính phủ chỉ định, chịu trách nhiệm tuyển dụng và duy trì chính sách phúc lợi cho người lao động.

Theo một nghiên cứu năm 2019, thỏa thuận TIC cho phép người Thái Lan làm việc ở Israel tối đa 5 năm 3 tháng, nhưng chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Người lao động cũng chỉ phải trả phí dịch vụ khoảng 2.100 USD, thay vì 9.000 USD như trước.

Với thỏa thuận song phương trên, ngành nông nghiệp của Israel là lĩnh vực đồng nhất về lao động nước ngoài, khi gần 100% là đến từ Thái Lan.

Năm 2020, hai nước ký nâng cấp TIC, tuy không có sự tham gia của IOM nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên các điều khoản.

Hợp tác hai bên cùng có lợi

Theo một số nghiên cứu, hầu hết lao động Thái Lan ở Israel là nam giới và 84% đến từ vùng Đông Bắc nghèo khó.

Vùng Đông Bắc có mức sống thấp bậc nhất toàn quốc, nên xuất khẩu lao động đã trở thành thế mạnh. Phần lớn đến Israel làm trong lĩnh vực nông nghiệp, được trả lương tương đối hậu hĩnh, hơn 1.000 USD mỗi tháng.

Một quan chức Bộ Lao động Thái Lan nói rằng, sự hợp tác này giúp đôi bên cùng có lợi. Israel có nguồn nhân lực tay nghề cao, khỏe mạnh và hiền lành. Lao động Thái Lan có thu nhập và học được kiến thức tiên tiến về nông nghiệp của Israel, có thể áp dụng sau khi về nước.

Quan chức này cho biết thêm, nhiều lao động khi trở về mang theo số tiền rủng rỉnh, giúp trả hết nợ và xây dựng lại nhà cửa. Đây là ước mơ của rất nhiều gia đình khó khăn.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp cũng được báo cáo liên quan đến lao động Thái Lan phải làm thêm trong nhiều giờ, bị trả lương dưới mức tối thiểu hoặc không được tiếp cận đầy đủ dịch vụ y tế. Ngoài ra, lao động bất hợp pháp cũng gây khó cho cơ quan quản lý.

Trong một bài đăng trên Facebook mới đây, đại sứ Israel tại Thái Lan Orna Sagiv cam kết, các công nhân Thái Lan bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Hamas sẽ được đối xử và bảo vệ như người Israel bình thường.

Bà Yahel Kurlander - một học giả ở Israel nhận định, tình hình sắp tới sẽ thiếu hụt lao động nghiêm trọng hơn, do người nước ngoài rời đi và người Palestine ngày càng ít sang Israel làm việc. Do đó, những công nhân Thái Lan quyết định ở lại có thể sẽ nhận được nhiều tiền và quyền lợi hơn.

Nguyễn Văn Phong