Doanh nhân Kha Vạng Cân: Một trí thức tiêu biểu của đất nước (Kỳ 1)
Là một trí thức nổi tiếng của Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động cách mạng trước năm 1945 và tham gia kháng chiến chống Pháp, Kha Vạng Cân còn là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là một doanh nhân tiêu biểu thế kỷ XX.
Kỳ 1: Nhà trí thức và doanh nhân
Kha Vạng Cân sinh ngày 16/10/1908 tại Chợ Lớn (có tài liệu ghi ông sinh ở Thủ Đức, Gia Định) trong một gia đình khá giả. Thân sinh của ông là Kha Ư Phúc - một tiểu tư sản người Việt gốc Hoa. Từ nhỏ, Kha Vạng Cân được cha mẹ kỳ vọng rất lớn vì bộc lộ tố chất thông minh, có chí lớn, có hoài bão, sau này có thể giúp ích cho đời nên đã cho vào học tại Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn). Tuy nhiên, năm 1926, khi đang học năm thứ hai của chương trình tú tài bản xứ khóa 3 của Trường Chasseloup-Laubat, do tham gia bãi khóa nhân lễ tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh, Kha Vạng Cân bị đuổi học.
Năm 1928, Kha Vạng Cân trốn gia đình sang Pháp du học bậc đại học tại Trường Des Art et Métiers và tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại đây năm 1933, sau đó tiếp tục tu nghiệp tại Trung tâm Cơ khí Quốc gia D’Aix en Provence. Với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, năm 1934 Kha Vạng Cân được nhận vào làm chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư tại hãng xe hơi Renault ở Billancourt đến năm 1938.
Năm 1936, ông được chủ hãng bổ nhiệm làm đại diện cho hãng bên cạnh Sở Hỏa xa Đông Dương. Đến năm 1939, Renault giao cho ông cùng Bộ Thuộc địa Pháp tham gia nghiên cứu hệ thống đường sắt Đông Dương và chỉ đạo lắp ráp, đào tạo công nhân sử dụng, vận hành thành thạo loại ô tô ray. Sau khi xong nhiệm vụ ở Đông Dương, Renault cho gọi ông trở lại Pháp để đi Algeria nhưng ông quyết định ở lại Việt Nam. Biết tin, Sở Hỏa xa Đông Dương liền vận động ông làm việc cho họ, hứa giúp đỡ ông nhập quốc tịch Pháp, hưởng lương công chức Pháp nhưng Kha Vạng Cân một mực từ chối.
Năm 1940, Kha Vạng Cân làm Giám đốc hãng Luyện thép và Cơ học - một công ty chuyên về luyện kim có quy mô lớn của Pháp ở Sài Gòn. Sau đó, một người bạn học cũ của Kha Vạng Cân là Trần Văn Vân đã mời ông hùn vốn thành lập hãng luyện thép tư nhân với tên gọi Cân et Văn ở Chợ Quán. Kha Vạng Cân giữ chức giám đốc kỹ thuật trong khi Trần Văn Vân giữ chức giám đốc kinh doanh. Quy mô và hoạt động của hãng luyện thép Cân et Văn rất lớn, người đương thời xem đây là hãng luyện thép lớn nhất của người Việt ở Đông Dương.
Trong giai đoạn 1940-1945, công việc kinh doanh của Cân et Văn rất phát đạt vì chính quyền thực dân Pháp thường đặt hàng các loại thép của hãng cho công trình xây dựng đường sắt ở ba nước Đông Dương. Danh tiếng của Kha Vạng Cân trong giới kinh doanh Việt Nam đương thời rất lớn. Sự giàu có và thành công trong kinh doanh đã giúp ông trở thành thành viên của Hội đồng Liên bang Đông Dương, Hội đồng Quản hạt Sài Gòn - Chợ Lớn. Cũng vì thế mà Kha Vạng Cân trở thành một trong những trí thức, nhà tư sản danh tiếng của Nam Kỳ có mặt trong nhiều nhóm, hội đoàn có tính nghề nghiệp hay văn hóa, xã hội.
Ảnh hưởng và danh tiếng của Kha Vạng Cân khiến chính quyền thuộc địa tìm cách mua chuộc với ý đồ lợi dụng ông để tranh thủ sự trung thành của người bản xứ thông qua ông. Điển hình như năm 1942, Chánh Thanh tra chính trị của Pháp ở Nam Kỳ đã mời Kha Vạng Cân tham gia một loạt tổ chức quần chúng bên cạnh bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên, Kha Vạng Cân nhất mực từ chối những lời mời ấy, thậm chí ông còn từ chối việc nhập quốc tịch Pháp và hưởng những đặc ân của một công dân Pháp ở Đông Dương.
Mặt khác, Kha Vạng Cân lại chọn tham gia vào nhóm Văn Lang. Đây là một nhóm trí thức, tư sản dân tộc tự lập, chuyên kêu gọi tinh thần chấn hưng kinh tế, văn hóa của người Việt. Các thành viên của nhóm là một số trí thức hoặc nhà tư sản được đào tạo từ Pháp như Hồ Tá Khanh, Dương Tấn Tươi, Nguyễn Văn Nhã, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Ngọc Bích, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Nghiêm (sau này là Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ). Cái tên Văn Lang của nhóm được hình thành từ sự ra đời của Tuần báo Văn Lang (số đầu tiên phát hành ngày 29/7/1939) do các thành viên trong nhóm hùn vốn xuất bản.
Ngoài nhóm Văn Lang, doanh nhân - kỹ sư Kha Vạng Cân còn tham gia vào tổ chức Thanh niên Tiền phong cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và luật sư Thái Văn Lung. Đây là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động chủ yếu ở Nam Kỳ trong năm 1945 với mục đích tập hợp thanh niên Việt Nam tham gia giải phóng dân tộc, kiến thiết quốc gia sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945. Tổng bí thư của tổ chức này là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vốn là bạn với kỹ sư Kha Vạng Cân và luật sư Thái Văn Lung lúc họ còn du học ở Pháp, thường gặp nhau khi sinh hoạt trong Hội Hướng đạo Việt Nam.
Bộ ba Phạm Ngọc Thạch - Kha Vạng Cân - Thái Văn Lung là những gương mặt trí thức và tư sản dân tộc tiêu biểu của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã hoạt động tích cực đến tận ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong đó, Kha Vạng Cân trực tiếp làm thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong Chợ Lớn. Thanh niên Tiền phong là tổ chức có vai trò to lớn trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Nam bộ.
Cũng trong năm 1945, Kha Vạng Cân được vua Bảo Đại mời tham gia Hội đồng Cải cách Giáo dục và ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Cải cách Giáo dục Nam Kỳ do Trần Văn Ân làm chủ tịch. Tháng 4/1945, khi chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập, Kha Vạng Cân theo chỉ thị bí mật của Xứ ủy Nam kỳ đã đồng ý nhận lời mời của Trần Trọng Kim giữ chức Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn khi chưa tròn 37 tuổi. Một mặt, Kha Vạng Cân tuy làm việc cho chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim nhưng mặt khác vẫn ngấm ngầm ủng hộ cách mạng và Xứ ủy Nam Kỳ.