Văn hóa nghệ thuật

Văn hóa bản địa trong phim điện ảnh Việt

Đan Khanh 15/10/2023 17:00

Một nội dung quan trọng trong các chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam là thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.

Tôn vinh văn hóa dân tộc

Tro tàn rực rỡ vừa được Hội đồng Quốc gia tuyển chọn là phim đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển hạng mục phim quốc tế Oscar 2024. Dựa trên hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡCủi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, phim khắc họa tình cảm của người phụ nữ Á Đông dành cho người đàn ông họ yêu thương.

Trên thực tế, một bộ phim muốn ghi được dấu ấn mạnh mẽ ở các liên hoan phim quốc tế thì trước hết phải có những lát cắt văn hóa bản địa trong đó. Bởi văn hóa bản địa mới xác lập được giá trị khiến bộ phim đó khác biệt với hàng trăm bộ phim của các nước khác. Trong Tro tàn rực rỡ, văn hóa bản địa của miền Tây Nam bộ được khắc họa một cách riêng biệt, với nón lá, kiến trúc Chăm và Khmer của nhà sàn tránh lũ, công việc làm than củi, ép chuối khô hay những căn nhà vò võ ngoài khơi xa, con đê ngăn mặn...

canh-trong-phim-giao-lo-8675.jpg
Cảnh trong phim Giao lộ 8675

Công chiếu từ ngày 6/10, bộ phim Giao lộ 8675 thể hiện những lát cắt trong văn hóa bản địa của các địa phương Ninh Bình, Bình Định và TP.HCM. Không chỉ đưa khán giả “du ngoạn” qua những cảnh sắc, danh thắng đầm Vân Long, cố đô Hoa Lư, Cố Viên Lầu, Bảo tàng Quang Trung, mũi Vi Rồng… mà trên phim còn là những di sản tinh thần (võ cổ truyền Bình Định), di sản thiên thiên nhiên, hay hình ảnh “hòn ngọc Viễn Đông” vừa hiện đại, vừa bình dị.

Điện ảnh lan tỏa giá trị văn hóa, di sản rất lớn, hơn tất cả phương thức truyền tải khác. Với khán giả trong nước, văn hóa bản địa trong phim có giá trị giúp cho lòng tự hào dân tộc trỗi dậy. Một bộ phim thành công không chỉ đạt doanh thu cao hay có giải thưởng lớn, mà còn là có góp phần tôn vinh giá trị văn hóa bản địa, vùng miền của đất nước. Chẳng hạn, tên của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trở thành tên gọi vùng đất Phú Yên, nơi hoa vàng trên cỏ xanh.

Cuối tháng 9 rồi, UBND huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm văn hóa - du lịch Chợ Ma Định Yên (hay chợ chiếu đêm Định Yên) - một làng nghề dệt chiếu in đậm dấu ấn lịch sử của vùng đất Định Yên từ hơn hai thế kỷ trước, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 9/2013.

cho-chieu-dinh-yen-trong-phim-lat-mat-6.jpg
Cảnh chợ chiếu đêm Định Yên trong phim Lật mặt 6

Trước đó, bộ phim Lật mặt 6 đã phục dựng lại nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có làng chiếu ở xã Định Yên cùng phong tục bán chiếu đêm ở Chợ Ma tại Định Yên. Phim công chiếu và “ăn khách” đã góp phần quảng bá làng chiếu Định Yên đến đông đảo khán giả trong nước và cả ở nước ngoài. “Khi làm phim, ngoài việc xây dựng cốt truyện và nhân vật, Lý Hải luôn cài cắm những yếu tố văn hóa đặc trưng của nước mình vào, để khán giả thấy được đất nước Việt Nam rất đẹp và thông qua đó có thể giới thiệu đến khán giả văn hóa, con người Việt Nam”, đạo diễn của Lật mặt 6 chia sẻ.

“Chìa khóa” giúp điện ảnh vươn xa

Tháng 10 và tháng 11 tới, có hai phim Việt được kỳ vọng là “bom tấn” của năm 2023 sẽ công chiếu, đều có câu chuyện và bối cảnh mang đậm dấu ấn của văn hóa bản địa.

Đầu tiên là Đất rừng phương Nam (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi) có bối cảnh trải dài trên nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ giàu thiên nhiên, giàu tình người. Trong đó, nổi bật là xóm chợ nổi thể hiện không khí sinh hoạt tấp nập của người dân, với hàng chục chiếc ghe thuyền trên hệ thống kênh rạch của rừng tràm. Rồi những cánh rừng ngập mặn, vườn cò, những đồng lúa bát ngát, bãi bùn mênh mông được ghi hình ở các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ...

canh-trong-phim-dat-rung-phuong-nam.jpg
Cảnh trong phim Đất rừng phương Nam

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Với thế hệ khán giả trẻ, các bạn sẽ tìm thấy ở phim những khám phá về văn hóa thông qua cuộc phiêu lưu của các bạn nhỏ, trong đó các em sẽ gặp người tốt kẻ xấu, vượt qua những thử thách để rồi trở nên độc lập và trưởng thành hơn”.

Bộ phim thứ hai là Người vợ cuối cùng, thể loại cổ trang của đạo diễn Victor Vũ, có những cảnh quay bắt đầu từ hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) với cảnh sắc thiên nhiên miền núi phía Bắc thơ mộng, rồi những cảnh phiên chợ quê, múa rối nước, cùng hình ảnh chiếc nón ba tầm đặc trưng của vẻ đẹp văn hóa Bắc Bộ. Người vợ cuối cùng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của Hồng Thái, có câu chuyện diễn ra vào thế kỷ XIX.

“Nhắc đến cổ trang, mọi người thường nghĩ đến phim chủ đề lịch sử hoặc võ hiệp. Thế nhưng, điều mà tôi được truyền cảm hứng nhiều nhất từ thể loại này là yếu tố văn hóa Việt Nam. Lần này, tôi muốn kể một câu chuyện tình cảm, tâm lý dựa trên bối cảnh Việt Nam thời xưa song vẫn gần gũi với người xem thời nay”, Victor Vũ tiết lộ.

canh-trong-phim-nguoi-vo-cuoi-cung.jpg
Cảnh trong phim Người vợ cuối cùng

Những lát cắt văn hóa bản địa còn xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh Việt khác, như Cánh đồng bất tận, Mê Thảo - Thời vang bóng, Mùa len trâu, Hai Phượng, Đêm tối rực rỡ, Lô tô, Mắt biếc, Song Lang, Bên trong vỏ kén vàng... và gần đây trong phim về đề tài zombie có tựa Bến phà xác sống, cũng có phân cảnh người phụ nữ luống tuổi cất cao câu cải lương - yếu tố văn hóa miền Tây Nam bộ - về tình mẹ để thu hút sự chú ý của xác sống.

Xu hướng làm phim có chất liệu văn hóa bản địa vẫn tiếp tục với khá nhiều dự án đang và sắp khởi quay, công chiếu của điện ảnh Việt trong thời gian tới. Bởi văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc là kho tàng chất liệu giàu có và phong phú cho các nhà làm phim khai thác, sáng tạo những bộ phim mang dấu ấn riêng biệt với khán giả nội địa và quốc tế. Đồng thời bản sắc văn hóa cũng là “chìa khóa” để giúp cho điện ảnh Việt Nam vươn xa, vươn cao hơn trong tương lai.

Đan Khanh