Góc nhìn

Khi doanh nhân… nói

Quảng Yên 14/10/2023 06:00

Một trong những điểm yếu của người dùng mạng xã hội bây giờ là có xu hướng muốn mình được đánh giá thế nào hơn là suy xét đúng sai. Vì thế, nhiều người “thân bại danh liệt” chỉ vì… lời nói.

va-mieng.jpg

Thời mạng xã hội ai cũng có thể nói và viết, gần như mỗi người là một “công ty truyền thông”.

Nhớ dạo nào người sáng lập và là Giám đốc Điều hành Facebook - Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ do thu thập thông tin và làm lộ dữ liệu người dùng. Trong một phiên điều trần, có người hỏi, cho nhân loại dùng miễn phí Facebook thì anh sống bằng gì. Câu hỏi ấy bị cho là thiếu hiểu biết về thời công nghệ. Khi dùng không mất tiền thì bạn đã trở thành “sản phẩm” của doanh nghiệp nào đó rồi. Họ kiếm tiền nhờ mỗi lần bạn lướt web. Nó có thể nhấp nháy hỏi bạn đang nghĩ gì, giục bạn nói ra ý nghĩ và bao nhiêu người nhảy vào khen chê, tranh luận, tất cả đã “làm nên nội dung” của một ‘kênh truyền thông”.

Hay trường hợp Jack Ma cũng bị hậu quả của lần vạ miệng liên quan đến chính quyền Trung Quốc. Vào tháng 10/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bến Thượng Hải, Jack Ma đã cho rằng “Trung Quốc không có rủi ro hệ thống tài chính vì đơn giản là chẳng có hệ thống tài chính nào cả”. Chưa kể, ông còn ví các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc chẳng khác gì các tiệm cầm đồ và không giúp đỡ được gì cho những công ty đang “đói vốn”. Chính phát ngôn này đã khiến nhà sáng lập Alibaba bị các cơ quan chức năng mời đến Bắc Kinh gặp mặt và chịu nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu.

Không chỉ Alibaba, Elon Musk cũng phải trả giá hàng tỷ USD chỉ vì những phát ngôn tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” của mình. Ngày 1/5/2020, Elon Musk đã đăng dòng tweet “Cổ phiếu của Tesla đang quá cao”. Ngay sau đó, cổ phiếu của Tesla đã giảm mạnh khoảng 10%, kết phiên với giá 701,32 USD/cổ phiếu. Điều này cũng “thổi bay” 13 tỷ USD giá trị thị trường của hãng xe điện Mỹ và 3 tỷ USD giá trị cổ phần của chính Elon Musk tại công ty này.

Ngày nay, Internet càng rộng, vào mạng càng đông, “cãi nhau” càng khỏe thì càng nhiều doanh nghiệp tìm đến để quảng cáo. Và đó làm nên lợi nhuận kếch xù cho Google và Facebook.

Đặc điểm này mang đến cho con người vừa ưu vừa khuyết. Ưu thì rõ rồi: giao tiếp nhanh, cung cấp kiến thức khổng lồ, nhưng khuyết cũng khủng khiếp: những cuộc “tổng xỉ vả” khiến nhiều người suy sụp.

Trong sự nghiệp kinh doanh, có doanh nhân còn muốn “truyền cảm hứng” và đã có người bị phản ứng đến nỗi phải đóng tài khoản vì không chịu đựng nổi dư luận sau những phát ngôn thiếu suy xét.

Có những doanh nhân không thiếu “thảm kịch” vì những câu nói lan truyền xa dần mục đích và nội dung của phát ngôn, trở thành hài hước, diễu cợt, kiểu “tiền nhiều để làm gì”.

Hạnh phúc đổ vỡ thì tiền có ý nghĩa gì - hàm ý ấy khi loang ra trong một xã hội đang có nhiều người “chỉ khát khao tiền” thì lập tức trở nên hài hước. Người ta lại moi ra thêm một doanh nhân nào đó đã nói đại ý “mỗi gia đình chỉ cần 100 tỷ đồng chứ nhiều quá không hay”. Những chuyện đồn đại do bóc câu nói ấy ra khỏi văn cảnh trở nên ngây ngô.

Cách đây vài năm, trên Facebook cá nhân, doanh nhân Kim Liên - Shark Liên đã gây ra không ít phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng khi xuất hiện câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ hai Winston Churchill: "”Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!”.

Giờ đây, đến một “host chương trình” sân khấu đóng tài khoản vì nói năng “không phải phép”. Khi anh trở thành người dẫn dắt mà nói sai kiến thức lịch sử đã nguy rồi, lại còn lồng thái độ giễu cợt và khinh mạn nữa thì nguy ngay. Người nói có thể muốn tìm một lối nói vui đùa gần cuộc sống cho gần “ngôn ngữ mạng” nên rất dễ bị hớ.

Nói trước công chúng bây giờ không chỉ đòi hỏi trình độ nghề nghiệp của MC, mà của gần như mọi người. Với người bình thường, nói hớ trên Facebook sẽ bị bao người nhảy vào “còm mắng”, nói chi đến người có trách nhiệm và địa vị cao, có nhiều ảnh hưởng.

Doanh nhân bây giờ ở vị trí cao trong xã hội - vị trí dẫn dắt, được tin tưởng vì ngày nay ai cũng biết vai trò của họ trong phát triển kinh tế. Doanh nhân không chỉ đơn thuần là người làm ra sản phẩm phục vụ, mà còn là hình mẫu của sự phấn đấu, của kinh doanh và lối sống hiện đại, văn minh. Người dân nhìn doanh nhân như thế.

Doanh nhân đúng nghĩa không chỉ là “sếp” ở doanh nghiệp, mà còn là người hiện đại trong số các hình mẫu của xã hội với sự kính trọng, tin tưởng.

Một đầu bếp nổi tiếng ăn nói, ứng xử trên tài khoản xã hội đang bị dư luận phản ứng mạnh, thậm chí có nguy cơ phạm pháp khi xúc phạm cả một nghề - một sức mạnh, một lực lượng xã hội.

Một doanh nhân dùng mạng xã hội chửi bới, xúc phạm danh dự, phẩm giá nhiều người suốt cả năm trời, lúc đỉnh dịch Covid-19 phải cách ly mà vẫn “kéo quân” đi gây chia rẽ trong xã hội, vừa bị tòa án xét xử, còn đang nóng hổi những bài học về “doanh nhân ăn nói”.

Nói năng giờ đây quan trọng nhưng kèm… nguy hiểm vì công nghệ có khả năng truyền thông nhanh những cái hay, trong đó có cả “mách lẻo” cái dở ngay lập tức.

Người bình thường còn phải thận trọng nữa là… doanh nhân.

Quảng Yên