Thư Bác Hồ gửi giới công thương viết bằng thư pháp: Giá trị nhân văn, lưu giữ hồn cốt dân tộc
Mới đây, nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn đã viết lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam bằng chữ thư pháp Việt. Đây là độc bản được nghệ nhân Phan Thanh Sơn dành tặng cho Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023).
Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Trong bức thư này, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Đã 78 năm trôi qua, bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam vẫn vẹn nguyên những giá trị cao đẹp.
Để mọi người, nhất là đội ngũ doanh nhân thành phố mang tên Bác nói riêng, cả nước nói chung ôn lại bức thư tâm huyết của Bác, thêm nỗ lực vượt qua những thách thức, “biến nguy thành cơ”, phục hồi sản xuất - kinh doanh; cũng như gửi lời chúc tốt lành nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn đã viết lại nội dung bức thư này bằng chữ thư pháp Việt và độc quyền dành tặng cho Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
“Năm 2004, TS. Phạm Hảo Hớn - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) giai đoạn 2001-2004 đã trực tiếp ký tờ trình kiến nghị với Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 13/ 10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam theo đề xuất của Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn). Đó là lý do tôi dành tặng bức thư pháp cho Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, bằng cách viết theo lối chữ thư pháp vừa để thể nhắc nhớ, vừa để trang trí trong cơ quan một cách trang trọng mà còn phát huy cái đẹp, hồn cốt của từng nét chữ truyền thống của dân tộc”, nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn cảm xúc nói.
Ông cho biết mình luôn có một ước mơ là làm những việc có ích cho bản thân, cho cuộc đời, truyền đạt những kinh nghiệm mà mình đã có để có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống đẹp đẽ và quý báu của dân tộc
Với đôi tay điêu luyện của một nghệ nhân, lại có niềm mong ước cho doanh nhân TP.HCM đọc và xem thư của Bác Hồ qua thư pháp, ông Sơn đã bỏ nhiều thời gian, tâm sức miệt mài, nắn nót viết từng câu chữ. Không chỉ viết chữ sao cho đẹp, khoáng đạt và trang trọng, ông còn muốn người xem như được thấy tận mắt hình ảnh Bác Hồ vào thời điểm đó, năm đó thông qua thư pháp.
Sự dụng công của ông Sơn cùng với những nét bút bay bổng, tài hoa trong tác phẩm sẽ nhắc nhớ, cổ vũ tinh thần đội ngũ doanh nhân TP.HCM, dù gặp phải những khó khăn vây bủa trên thương trường nhưng không hề lùi bước, mà với tinh thần “doanh nghiệp vững mạnh thì quốc gia mới hùng cường và thịnh vượng”.
Chia sẻ về bức thư pháp, ông Sơn cho biết, bức thư pháp có khung bằng nhựa, nền gỗ, chữ khắc chìm, khổ 81x115cm, được ông thực hiện trong khoảng 40 ngày miệt mài qua từng công đoạn mới hoàn thành. Mỗi chữ của ông Sơn viết trong bức thư pháp này, vừa trọng ý vừa trọng hình.
Dù có mất thời gian, công sức, nhưng đam mê với thư pháp, cùng với lòng kính trọng dành cho Bác, ông Sơn cho biết mình cảm thấy hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được hoàn thành. Cũng theo ông Sơn, thông qua bức thư pháp này, ông mong góp phần giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước sự độc đáo của nghệ thuật thư pháp Việt.
Được biết, nghệ nhân Phan Thanh Sơn bén duyên với bộ môn thư pháp Việt từ năm 1990. Ông tâm niệm, viết thư pháp chữ có đẹp, nét có hồn hay không là nhờ vào tâm người viết. Trong suốt hành trình ấy, ông Sơn đã không ngừng trau dồi để tạo nên những tác phẩm thư pháp mang đậm chiều sâu văn hóa, giàu cảm xúc bằng hoạt động văn hóa và dành 20 năm lên chùa để viết thư pháp tặng miễn phí cho các Phật tử.
Ông Phan Thanh Sơn được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2022. Gần đây nhất, ngày 26/8/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục cho nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn với tác phẩm “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ và 133 câu nói, lời dạy của Bác Hồ viết bằng thư pháp chữ Việt trên vải toan bồi lụa gấm, ép hai mặt lớn nhất Việt Nam.