Thơ Đỗ Nam Cao, ký ức lại trở về
“Có những vì sao đã tắt nhưng ánh hào quang của nó vẫn rực rỡ đến đau lòng” là ký ức của nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM về nhà thơ Đỗ Nam Cao tại buổi tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi”, do Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn Hiến phối hợp tổ chức vào sáng 12/10/2023.
Nhà thơ Đỗ Nam Cao đã mất 12 năm, nhưng ký ức về con người và tác phẩm của ông vẫn còn nguyên vẹn trong lòng bạn bè, thân nhân và đồng nghiệp. Đó là lý do họ tụ họp lại để trao đổi cùng nhau những kỷ niệm về ông trong ngày này.
Nhà lý luận phê bình Hồ Sĩ Vịnh đã nói rằng, thơ của Đỗ Nam Cao thể hiện sự hiểu biết cặn kẽ các tư liệu dân tộc học, sử học. Thơ ông là phản xạ chân thật của tâm hồn đã thấm nhuần các thể loại nghệ thuật dân gian như đồng dao, thanh ngữ, ca dao, truyện cổ tích và tích điển dân gian. Thơ của ông đã duy cảm, đã trực giác và làm tròn sứ mệnh của nhà thơ như chúng ta được biết qua cuộc đời sáng tạo và nhân cách văn hóa của ông.
Tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao, cuộc đời và tác phẩm” kể về cách Đỗ Nam Cao đã thể hiện cuộc đời nhiều thăng trầm, lắm sóng gió qua các tác phẩm mỗi thời kỳ của ông.
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tham gia khóa bồi dưỡng ngắn hạn của Trường viết văn Quảng Bá, nhà thơ đã vào chiến trường Nam bộ. Hoạt động văn nghệ và báo chí ở Trung ương cục miền Nam, cọ xát với thực tế lao động và chiến đấu của quân dân trên mảnh đất thành đồng Tổ quốc đã làm nên những lời thơ:
“Chim hót lên trong buổi sáng tinh mơ
Đồng đội của tôi đang nửa chừng trận đánh”.
Khi tương tác trực tiếp với khốc liệt bom đạn, Đỗ Nam Cao viết nên những lời thơ Những cánh cò lửa vừa lãng mạn, vừa kiêu hùng. Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, thốt lên những lời thơ kể về thử thách qua cam go nơi tuyến đầu giành lại độc lập tự do cho dân tộc:
“Như thế đấy, em ơi không thể sống yên tĩnh
Đất nước lớn, con người cũng lớn
Ta vượt cao hơn mình mà vẫn không ngờ
Nỗi xa thành khúc hát lời thơ”.
Những bước chân hành quân qua thơ Đỗ Nam Cao luôn trĩu nặng nghĩa tình, nghĩa càng đậm thì tình càng sâu, để thương nhớ hậu phương hun đúc thêm tinh thần tiền tuyến:
“Mưa ở quê nhà có mái rạ vàng che
Có hơi ấm nồng nàn cha mẹ
Mưa ở chiến trường hào hứng thế
Đi ngược chiều cơn mưa vào trận đánh hôm nay”.
Với tập thơ Những cánh cò lửa in chung Nguyễn Khắc Thuần, nhà thơ Đỗ Nam Cao đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Sự ra đi của ông 12 năm trước đã khép lại hành trình đam mê và hồn nhiên, đi bên lề danh lợi để ôm ấp một mưu cầu lớn lao là gắn bó giữa con người với con người.
Và những lời thơ của ông vẫn cần mẫn tiếp tục trò chuyện cùng bao tâm hồn đồng cảm như cách nhà văn Bích Ngân kể về ông.
Nhà văn Thanh Thảo nhớ về nhà thơ Đỗ Nam Cao như người làm “thơ thứ thiệt, không bao giờ sợ thiệt”. Cho nên khi ông qua đời, thơ ông mới được nhiều người biết đến và yêu thương, bởi lẽ ông là một nhà thơ lặng lẽ, có giọng thơ khẽ khàng mà đôi khi cứa vào lòng đau nhói.
Như bài thơ Gửi Trường Sa, là lời vĩnh biệt đời sống cõi này của Đỗ Nam Cao.
“Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa
Hiểu đến xót xa
Tổ quốc là con ốc biển
Anh nâng niu cất gửi tặng quà”.
Suốt cả một kiếp người, nhà thơ Đỗ Nam Cao như bị trống thúc, nhưng ước muốn khi chết được vác hai vai những cột đình gốc đa. Ông đã đạt được ước nguyện khi ghé vai cho nền thi ca nước nhà sống theo thời gian, ký ức của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về Đỗ Nam Cao là như thế đó.
Tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi” đã quy tụ được rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu và sinh viên các trường đại học đến để nghe và bàn luận về các tác phẩm thơ của ông. Bè bạn và đồng nghiệp về thơ và đời của nhà thơ Đỗ Nam Cao đã chia sẻ tập kỷ yếu gần 150 trang gồm 21 bài viết trong tọa đàm, trong đó có nhiều bình luận và những lời kể về ông với lòng mến yêu.
Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ngày 8/6/1948 tại làng Mỹ Lâm, xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường viết văn Quảng Bá - Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1971, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức cùng thời tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam và công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương cục miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà thơ Đỗ Nam Cao về công tác tại Viện Văn học TP.HCM. Ông nguyên là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam, nguyên biên tập viên, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin - chi nhánh TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam… Ông mất ngày 8/11/2011 tại TP.HCM.
Năm 2021, nhà thơ Đỗ Nam Cao được truy tặng “Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Thi - Thành tựu thơ trọn đời” để ghi nhận tài năng và những đóng góp của ông với nền thi ca cách mạng.