Chuyện làm ăn

Doanh nghiệp quay lại thị trường: Tìm giải pháp cuối năm

Trùng Dương 12/10/2023 17:00

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường trong cả nước và địa bàn TP.HCM gia tăng trong 9 tháng đầu năm 2023. Niềm tin, kỳ vọng đầu tư của doanh nghiệp đang dần gia tăng trở lại.

Tỷ lệ mừng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước.

cokhi.jpg

Còn trên địa bàn TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, từ ngày 1/1 - 20/9/2023, thành phố đã cấp phép 37.224 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 342.516 tỷ đồng, giảm 8,9%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP.HCM tăng 3,2% so với cùng kỳ. Chia ra, ngành khai khoáng tăng 4,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,3%.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường trong cả nước nói chung và địa bàn TP.HCM nói riêng đều gia tăng trong 9 tháng đầu năm 2023, cho thấy tín hiệu đáng mừng, niềm tin, kỳ vọng đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp đang dần gia tăng trở lại.

Về khối lượng sản xuất, có 31% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2023 tăng so với quý II/2023; 34,6% doanh nghiệp cho rằng ổn định và 32,6% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý IV/2023 so với quý III/2023, có 38,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 38,4% doanh nghiệp dự báo ổn định và 22,9% doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng, có 27,6% doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2023 cao hơn quý II/2023; 39% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 33,4% doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý IV/2023 so với quý III/2023, có 37,3% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 39,4% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 23,3% doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III/2023 so với quý II/2023, có 23% doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 42,7% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 34,3% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý IV/2023 so với quý III/2023, có 30,9% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 44,7% doanh nghiệp dự kiến ổn định và 24,4% doanh nghiệp dự kiến giảm.

Vui, nhưng kinh doanh vẫn còn khó. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong cả nước vẫn còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Riêng lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm rất sâu, lên đến 52,4% và tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng ở mức cao nhất 10,7%, điều này cũng diễn ra tương tự trên địa bàn TP.HCM. Ngành kinh doanh bất động sản suy giảm kéo theo rất nhiều hệ lụy như thu ngân sách trung ương và địa phương đều giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các ngành khác như xây dựng, nguyên vật liệu, thiết kế nội thất… cũng như giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động.

chuyen-lam-an-copy.jpg

Kinh doanh còn nhiều khó khăn

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường gia tăng trong 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.

Đơn cử, qua thống kê các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 cho thấy, đa phần doanh nghiệp đều than phiền do nhu cầu, đơn hàng giảm mạnh, cạnh tranh khốc liệt cùng với chi phí nguyên nhiên, vật liệu, tài chính, lãi suất tăng cao.

Bà Vân Hà - Giám đốc Công ty CP TAP, một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thương mại sản phẩm công nghệ thông tin, lắp đặt thiết bị an ninh chia sẻ, chưa bao giờ khó khăn như năm nay, nhu cầu thị trường rất thấp nên tình hình kinh doanh, doanh thu của công ty rất chậm. Khách hàng là các đơn vị nhà nước thường chậm thanh toán vì vướng quy trình, thủ tục, quy định. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao và đâu đó doanh nghiệp vẫn còn phải mua các loại bảo hiểm không hề ăn nhập với khoản vay, mặc dù doanh nghiệp có tài sản bảo đảm đầy đủ và các chi phí chìm đi kèm khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp gia tăng đáng kể.

Cũng chính vì doanh thu, lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh, nên công ty phải mở thêm lĩnh vực về tổ chức các tour du lịch, bán thêm các sản phẩm tiêu dùng khác nhằm duy trì hoạt động của công ty, đa dạng hóa ngành nghề, duy trì bộ máy nhân viên, bản thân bà cũng đích thân tham gia tổ chức tour, dẫn đoàn, bán hàng trực tiếp để tiết giảm chi phí.

Một chủ doanh nghiệp khác, anh Bình - giám đốc một công ty chuyên về thiết kế nội thất, xây dựng cho biết, khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu, anh đã chủ động bán bớt một phần tài sản và thanh lý hết các khoản nợ ngân hàng. Từ đó đến nay, công ty của anh chỉ hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô, giảm nhân công chờ khi nào thị trường tốt mới đầu tư trở lại.

picture5-copy.jpg
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tình hình kinh tế ảm đạm đang tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng đơn hàng của doanh nghiệp. Từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may đã bắt đầu ngấm đòn của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20-30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40-50%. Đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may. Ngoài yếu tố vĩ mô, ngành dệt may đang chịu thêm một “quả tạ” mang tên hàng tồn kho cao.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động với nguồn vốn, nguồn nhân lực rất hạn chế nên dễ bị tổn thương hơn bởi những yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là nền kinh tế mở như Việt Nam. Doanh nghiệp chưa được trang bị kỹ càng năng lực trước khi gia nhập thị trường, những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo còn thấp, môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Tăng tốc cuối năm

Đã qua 9 tháng, gần hết chặng đường năm 2023 đầy thử thách, doanh nghiệp cần đánh giá lại những thành quả đã và chưa đạt được, qua đó hệ thống, quản trị lại công việc và dự báo những mục tiêu cần thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng cuối năm ít ỏi còn lại.

Theo các chuyên gia, việc đầu tiên là doanh nghiệp cần cân đối lại dòng tiền, vì dòng tiền là mạch máu sống còn của doanh nghiệp, cắt giảm ngay những khoản chi phí, tài sản không cần thiết, đánh giá hiệu quả của từng khoản mục, thanh lý ngay những tài sản dôi dư hoặc dự báo đã hết tiềm năng sinh lời hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, đánh giá nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để chuyển hướng kịp thời, tập trung cho những mặt hàng dịch vụ được tiêu thụ, ưa chuộng nhất trong thời gian vừa qua và đưa ra những sản phẩm dịch vụ mới theo nhu cầu trị trường. Bổ sung ngay các giải pháp công nghệ bán hàng mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh doanh trên các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội vốn đã phát triển rất mạnh mẽ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu các mặt hàng sẽ tăng nên các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động đảm bảo dự trữ nguyên vật liệu cũng như dự phòng chi phí về rủi ro tỷ giá, giá cước vận chuyển do giá nhiên liệu thay đổi có thể ảnh hưởng đến đầu vào của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt cập nhật thông tin thị trường, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương, các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất, pháp luật của Nhà nước để tận dụng, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, hàng hóa tồn kho tăng cao… thì ưu tiên kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư trong nước được xem là các giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2023, cần phải có sự trợ giúp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường tổ chức quảng bá các lễ hội, phiên chợ, giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí... giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp.

bang-so-lieu-copy.jpg

Đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Để đẩy mạnh kích cầu đầu tư, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực đẩy mạnh quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại cuối năm, giúp giải phóng nguồn lực, tác động lan tỏa đến các ngành xây dựng, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng. Ngân hàng Nhà nước tiếp túc chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất và các chi phí đi kèm không cần thiết… từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, kích cầu đầu tư, tạo tiền đề động lực tăng trưởng cho năm 2024.

Người đứng đầu mỗi địa phương cần sâu sát, truyền lửa, quyết liệt chỉ đạo các ban ngành tập trung giải quyết công việc hơn nữa, xem việc hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của mình, làm hết việc chứ không hết giờ để giải quyết nhanh chóng các khó khăn của doanh nghiệp, qua đó truyền đi thông điệp hết lòng phụng sự doanh nghiệp, cổ vũ tinh thần máu lửa dám nghĩ dám làm, củng cố niềm tin, niềm lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, sản xuất, đầu tư, vượt qua giai đoạn khó khăn và đóng góp cống hiến phụng sự xã hội.

Trùng Dương