Trong nước

TP.HCM: Phát triển giao thông theo mô hình đa trung tâm

Huy Thắng 11/10/2023 - 09:31

UBND TP.HCM đang rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó quận 7 có nhiều kênh kết nối với khu Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông theo hướng kết nối các khu vực của mô hình thành phố đa trung tâm. Theo đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông theo hướng kết nối các khu vực của mô hình thành phố đa trung tâm và đã tính đến giải pháp giãn dân để thực hiện mô hình này.

metro-copy.jpg

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, qua rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì có khoảng 10.000ha có thể phát triển đô thị, trong đó có nhiều khu đất công. Quỹ đất này khai thác tốt sẽ tạo thành nguồn lực để đầu tư công trình, dự án khác.

Phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng (TOD) là định hướng quy hoạch chung của TP.HCM trong tương lai. Ông Phan Văn Mãi đánh giá mô hình TOD là cơ sở để TP.HCM phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm từng đưa ra trước đây nhưng chưa có nguồn lực thực hiện. "Khu đô thị Phú Mỹ Hưng như một đô thị vệ tinh nhưng đi vào trung tâm thành phố mất 45 phút, đến sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 1 giờ nên các đô thị như vậy không phát huy được tác dụng", ông Mãi nhìn nhận.

Đối với hệ thống metro, đến nay TP.HCM mới hoàn thành được tuyến metro số 1 dài khoảng 20km. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 200km còn lại nên cần nguồn lực rất lớn và mô hình tổ chức riêng. Lãnh đạo TP.HCM nhận định các cơ chế vượt trội sẽ tạo nền tảng giúp kinh tế TP.HCM bứt tốc và tăng trưởng ở mức hai con số sau năm 2025.

Huy Thắng