Chuyên đề

Tập trung phát triển nguồn lực con người và xã hội

TS. Đoàn Duy Khương 11/10/2023 11:00

Đây là nguồn lực nền tảng thúc đẩy ba nguồn lực còn lại: môi trường, tài chính và sản phẩm, hướng tới một xã hội có sức cạnh tranh mạnh mẽ với năng suất lao động và chất lượng sống của người dân.

Nguồn vốn con người được xem là tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào trong phát triển đất nước. Nguồn lực này là năng suất lao động của mỗi cá nhân, phát triển thông qua giáo dục và đào tạo. Nguồn lực xã hội là lợi thế cạnh tranh được tạo ra dựa trên cách kết nối cá nhân, bao gồm mối quan hệ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống luật pháp, chính trị… cho phép mỗi cá nhân đạt năng suất cao hơn khi làm việc cùng nhau thay vì làm việc riêng lẻ.

Hiện nay, sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực vào kinh tế đất nước ta, do đó tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả giai đoạn 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua lên tới 15.600 đơn vị, vốn đăng ký của số doanh nghiệp mới thành lập và tái gia nhập thị trường giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2021 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản số đơn vị này. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp nhà nước là 1,09 lần… Thống kê cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thua xa so với nhiều nước trong khu vực, nguyên nhân không chỉ là công tác đào tạo lao động mà còn do sự chậm đổi mới thể chế, cấu trúc của các nguồn vốn xã hội.

3423423.jpg

Thế giới ngày nay thay đổi nhanh chóng nhờ những sáng kiến liên kết chiến lược khu vực và toàn cầu, càng đòi hỏi phải sử dụng những người có năng lực nhất để tận dụng cơ hội phát triển vì nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất của mọi tổ chức cũng như quốc gia. Nhưng chỉ có nhân tài tốt nhất là chưa đủ, cần đảm bảo cá nhân được định vị để đạt thành công tối ưu. Nói cách khác, tuyển dụng người giỏi nhất chỉ là một phần của giải pháp, quan trọng hơn là phát huy những điều tốt nhất ở con người.

Để làm được điều này, đòi hỏi phải giải phóng tiềm năng vốn con người và xã hội thông qua việc chủ động xây dựng và đổi mới thể chế, cấu trúc của tổ chức, bao gồm ba thành tố chính: con người, bộ máy và cơ chế, nhằm thực hiện hiệu quả ở cả ba tiêu chí cốt lõi: giá thành, tiêu chuẩn (kỹ thuật, môi trường, xã hội) và tiến độ. Các chuyên gia cạnh tranh cho rằng, đối với các nước đang phát triển, cần tập trung phát triển nguồn lực con người và xã hội. Vì đây là nguồn lực nền tảng thúc đẩy ba nguồn lực còn lại: môi trường, tài chính và sản phẩm, hướng tới một xã hội có sức cạnh tranh mạnh mẽ với năng suất lao động và chất lượng sống của người dân.

Trong tiến trình đó, các nhà quản lý đưa ra ba giải pháp để phát huy hiệu quả, đó là:

Doanh nhân. Phẩm chất đổi mới và sáng tạo của con người được thể hiện qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, cùng với sự phát minh ra cơ chế thị trường và sự xuất hiện của đội ngũ doanh nhân đã đem lại cuộc sống và xã hội thịnh vượng hơn rất nhiều so với trong suốt quá trình lịch sử phát triển nhân loại. Nhu cầu cơ bản của doanh nhân như sản xuất, kinh doanh, học tập và an ninh cá nhân cần phải được đảm bảo khỏi các mối đe dọa bao gồm cả chiến tranh, xung đột, bạo lực và cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nhân với mục đích làm ra lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, cũng cần có niềm tin vào sự liên kết nguồn lực xã hội trong việc xây dựng nền tảng đạo đức kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật, nhằm đạt được mục đích kinh doanh cao nhất.

Doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cần nhận thức doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp xã hội là mô hình của nền kinh tế thị trường phát triển. Những mô hình này mặc dù phức tạp về quản lý nhưng sẽ làm tăng nguồn lực tài chính cũng như nguồn lực xã hội. Chính vì vậy, cần xem chính sách cổ phần hóa là một chiến lược phát triển, khi mà quy mô doanh nghiệp sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng ngày càng cao và thị trường hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Năng suất lao động của Việt Nam thua xa so với nhiều nước trong khu vực: năm 2022 chỉ bằng 1/4 của Hàn Quốc, gần bằng 2/3 so với Trung Quốc và khoảng 2/3 của Thái Lan.

Doanh nghiệp cần tham gia liên kết và liên minh trong các hội, hiệp hội ngành nghề để gia tăng nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đất nước và thế giới thay đổi rất nhanh, tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp cần xác định rõ thể chế, cấu trúc thoát khỏi tính chất hành chính để định vị tư cách pháp nhân và tính đại diện nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của hội viên.

Phát triển vốn xã hội. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định phương hướng đổi mới và tăng cường chất lượng thể chế, trong đó bao gồm cả cấu trúc của cộng đồng doanh nghiệp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Cần đổi mới cơ chế hợp tác công tư nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đối với ba nhóm doanh nghiệp thương mại, công nghiệp và ngân hàng. Trong lĩnh vực đối thoại chính sách của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, cần xây dựng cơ chế hợp tác của giới lãnh đạo thuộc ba lĩnh vực này luân phiên chủ trì hằng năm để tránh hiện tượng nhóm lợi ích, tập trung đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn (hạn chế đầu tư quá mức vào bất động sản) và phù hợp với chu kỳ phát triển của nền kinh tế thị trường. Cần cải tiến chất lượng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển hạ tầng (đặc biệt là giao thông) như là một cơ chế cổ phần để tăng cường hiệu quả sử dụng đất sở hữu nhà nước, hạn chế dùng vốn ngân sách và ODA nhằm tránh tăng nợ công. Doanh nghiệp cần đổi mới, sáng tạo trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm uy tín để vươn ra thế giới.

Chủ động phát triển nguồn lực con người và xã hội, đặc biệt là nguồn lực doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn sẽ góp phần thiết thực kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, hướng tới một quốc gia phát triển và hùng cường khi bước vào 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

TS. Đoàn Duy Khương