Trong nước

TP.HCM: Chặn đà suy giảm, kinh tế có mức tăng trưởng khá

PV 10/10/2023 16:30

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, TP.HCM vẫn làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ.

Thực hiện chương trình làm việc năm 2023 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy TP.HCM khóa XI; ngày 10/10/2023, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 23 khóa XI (mở rộng) đã được tổ chức.

387593641_351767130526105_6658944308978207730_n.jpg

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng gồm báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023; dự thảo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 15/9/2021 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023

Trong 9 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý những vấn đề, tồn đọng. Song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng.

Thành phố đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98 của Quốc hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt. Phối hợp giữa các ngành, các cấp chuyển biến ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong hoạt động khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, thành phố làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 3,2%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13% (37.224 doanh nghiệp).

Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ hai cả nước về chỉ số chuyển đổi số; chính thức đưa vào vận hành “Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và dự báo kinh tế - xã hội. Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai hoặc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, đưa vào sử dụng ; rà soát quy hoạch đô thị phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3.

Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND TP.HCM, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9/2021

Những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 05 đã được toàn hệ thống chính trị triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đạt được mục tiêu “bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết”; đồng thời, phục hồi và phát triển kinh tế thành phố trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hệ thống y tế từ bị khủng hoảng trong đại dịch đã nhanh chóng hồi phục, củng cố, nâng cao năng lực dự báo, chủ động thích ứng với dịch bệnh. Tập trung củng cố hệ thống y tế, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng y tế, tăng cường cơ sở và y tế dự phòng, phát triển y tế chuyên sâu. Đã thí điểm thành công chương trình thực hành cho bác sĩ gắn với trạm y tế.

Đã bổ sung nguồn vốn giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhiều vấn đề an sinh xã hội cấp bách đặt ra đã được giải quyết với kết quả tích cực.

nguyenvannen-copy.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được củng cố; tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ cao ; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM sau ngày 15/9/2021 đến nay đã từng bước phục hồi, kiểm soát lạm phát, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân dương; tăng trưởng GRDP được cải thiện; cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục bảo đảm theo đúng định hướng với vai trò chủ lực khu vực dịch vụ; tốc độ tăng năng suất lao động tuy chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng đã cải thiện qua các năm. Các lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, xuất nhập khẩu về cơ bản vẫn giữ mức tăng khá; du lịch thành phố tuy chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng khách và chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu.

Thu hút đầu tư FDI tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước, tổng vốn thu hút tới nay đạt hơn 12,1 tỷ USD ; các thị trường tiền tệ, chứng khoán và hoạt động ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định; thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại hàng hóa và dịch vụ; các nguồn lực phục vụ cho phát triển thành phố được bảo đảm huy động có hiệu quả; hoạt động hợp tác, liên kết vùng được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực với nhiều địa phương trên cả nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, hội nghị cũng thẳng thắn và nghiêm túc đánh giá những hạn chế, yếu kém là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng thấp; xuất khẩu tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước có xu hướng chậm lại; doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng nhưng giảm về vốn đăng ký; thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%).

Việc làm, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn; nhiều dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm ngập úng, còn nhiều vướng mắc; thực hiện chủ đề năm chưa đạt yêu cầu đề ra.

9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023 và kế hoạch năm 2024

1. Kiên trì, quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là công cụ quan trọng kích thích tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng. Tập trung đẩy mạnh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng cho việc triển khai thi công.

2. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng và các chính sách mới về miễn giảm thuế phí, tiền sử dụng đất. Tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục nhằmkích thích thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với các dự án nhà ở thương mại. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ.

3. Tìm giải pháp hỗ trợ xuất khẩu. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các giải pháp bình ổn giá, bình ổn thị trường; thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, hội chợ, triển lãm, lễ hội; đặc biệt là tập trung kích cầu du lịch, xem đây là động lực tăng trưởng quan trọng.

4. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98. Sẵn sàng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án thí điểm đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

5. Chuẩn bị tốt các công việc phục vụ nhân dân trong những ngày lễ tết sắp tới, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

6. Tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội; khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc để xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Quan tâm chỉnh trang đô thị gắn với phục dựng, hoàn thiện các công trình, di tích văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

7. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; chủ động các phương án, kế hoạch xử lý tình huống phát sinh về an ninh trật tự, phòng, chống cháy, nổ; quyết tâm kéo giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm đường phố, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, xâm hại trẻ em. Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực bên trong, góp phần thực hiện thắng lợi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

8. Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án mà Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.

9. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng và các vùng tiếp giáp để thúc đẩy hoạt động liên kết vùng ngày càng hiệu quả hơn.

PV