Góc chuyên gia

Bệ phóng cơ chế chính sách sẽ đẩy doanh nghiệp đi xa hơn

Như Ngọc - Thảo Minh 10/10/2023 17:00

Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 còn khó khăn, doanh nghiệp (DN) còn nhiều thách thức, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa vẫn lạc quan và đặt niềm tin vào đội ngũ doanh nhân, DN sẽ tiếp tục vượt khó vươn lên và năm 2024 sẽ là năm kinh tế TP.HCM bứt phá.

nguyen-ngoc-hoa.jpg

* Thưa ông, ông có điều gì muốn chia sẻ đến cộng đồng DN TP.HCM nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam?

- Năm nay, doanh nhân, DN Việt Nam và TP.HCM kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh thị trường đang còn nhiều khó khăn và thách thức. Kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn nhiều biến động và diễn biến khó lường, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, đơn hàng sụt giảm.

Dù một số đơn hàng mới trở lại nhưng đều nhỏ và ngắn hạn, thị trường quốc tế vẫn đang tiếp tục thăm dò và tìm kiếm, trong nước sức mua cũng rất yếu, môi trường kinh doanh cũng cần cải thiện nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng tình hình thị trường sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn.

* 19 năm qua, kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, đội ngũ doanh nhân đã có những bước phát triển như thế nào, thưa ông?

- Phải nói rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển từ rất lâu. Thời kỳ phong kiến, Việt Nam đã có tầng lớp doanh nhân, đã có những thương cảng như Phố Hiến, Cù Lao Phố, Thương cảng Hội An, rồi những ông tổ nghề như tổ nghề da giày... Tuy nhiên, tiềm lực cũng như vị thế của doanh nhân thời điểm đó còn khiêm tốn, thậm chí trước đây doanh nhân còn bị gọi là “dân buôn, con buôn”.

Ngày nay, doanh nhân không chỉ lớn hơn về số lượng mà cả chất lượng, hoạt động đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực. Trước đây, chúng ta chỉ buôn bán với các nước lân cận thì bây giờ buôn bán với tất cả các nước trên thế giới. Trước đây, chỉ buôn bán qua thương lái thì bây giờ đã có nhiều doanh nhân mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa đi khắp năm châu và vươn lên mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

* Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với hơn 40 cơ chế đặc thù của 7 lĩnh vực quan trọng nhất. Theo ông thì Nghị quyết 98 mở ra triển vọng gì cho DN?

- Phải nói rằng, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài sự phấn đấu, nỗ lực tự thân, doanh nhân rất cần môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ của cơ chế chính sách. Nó đóng vai trò là bệ phóng để tiếp thêm sức và đẩy DN có thể đi xa hơn. Đặc biệt, với TP.HCM - trung tâm kinh tế và là nơi tập trung nhiều doanh nhân nhất của cả nước, muốn trở thành đầu tàu kinh tế thì cần có những thử nghiệm, đột phá mới, cần có những cơ chế chính sách đặc thù. Nói cách khác là nếu TP.HCM mặc chung một cái áo “chính sách” thì đôi khi không vừa, mà cần cái áo rộng hơn.

Vì thế, khi Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đội ngũ doanh nhân, DN rất vui mừng, kỳ vọng có những chính sách mới đột phá, thử nghiệm những cơ chế mới, chính sách mới. Nếu chúng ta bắt tay vào cuộc đổi mới nhanh thì cộng đồng DN sẽ có thêm sự trợ lực rất lớn.

* Cụ thể trong bối cảnh hiện tại, doanh nhân, DN đang cần chính sách gì trước mắt để tháo gỡ khó khăn, thưa ông?

- Trước mắt, DN đang rất kỳ vọng vào việc thành phố khởi động trở lại chính sách kích cầu để tiếp thêm lực cho doanh nhân, DN. Thành phố xác định rõ những lĩnh vực, ngành nghề nào đang muốn quan tâm và phát triển trong tương lai để gợi mở cho DN ý tưởng hưởng ứng và tham gia theo định hướng mà thành phố đang thúc đẩy.

Khi DN tham gia sẽ được hỗ trợ vốn tốt hơn, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất. Tín hiệu vui là hiện nay, thành phố cũng đang chuẩn bị thành lập tổ công tác để xét duyệt, phía DN cũng đã chuẩn bị dự án để trình thành phố.

Thứ ba, về nguồn lực đất đai, nếu thành phố chủ động hơn trong việc quyết định, quy hoạch… sẽ giải quyết được nguồn lực quan trọng về đất đai. Bởi DN muốn xây nhà máy thì cũng phải cần đất.

Về nguồn lực con người, với những chính sách trong Nghị quyết 98, cần có những cơ chế đặc thù trong việc thu hút các chuyên gia giỏi để phát triển. Có những chính sách đầu tư, hỗ trợ cho những DN tiên phong trong lĩnh vực. Ví dụ, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói…

* Hiện nay, doanh nhân có phần mệt mỏi, mất hưng phấn, giảm nhuệ khí khi tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có chia sẻ gì ?

- Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN phải làm sao hợp lực, đồng hành trên thương trường và cần sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan quản lý nhà nước. Làm sao tạo được môi trường sản xuất, kinh doanh thật thông thoáng, công khai, minh bạch. Hiện nay, DN gặp khó là do khách quan là chính. Làm sao để doanh nhân thấy mình không đơn độc.

* Còn vấn đề xây dựng văn hóa DN, theo ông nên như thế nào cho hiệu quả nhất?

- Văn hóa DN là bản sắc riêng của mỗi DN, do đó xây dựng văn hóa DN thì vẫn là tự thân DN làm, còn vai trò Nhà nước chỉ là khuyến khích. Nhà nước chỉ tạo ra môi trường chung để xúc tiến, để quảng bá, đẩy mạnh văn hóa DN, giới thiệu nó đến cộng đồng người tiêu dùng. Văn hóa vừa là nội lực, vừa là chuyện của riêng từng DN nhưng quan trọng nhất là hướng tới những người “nuôi mình lớn lên”, đó là khách hàng.

* Năm 2024, để đội ngũ doanh nhân có những bứt phá trong sản xuất, kinh doanh thì cần những yếu tố gì?

- Bao giờ cũng cần yếu tố nội ngoại kết hợp. Nội lực là bản thân doanh nhân phải kiên trì và dấn thân với nghề mình đã chọn. Ông bà mình ngày xưa nói rất hay “nghề” kèm với “nghiệp”, cái nghề cũng chính là cái nghiệp. Phải xem chuyện mình chọn kinh doanh là một nghề và đó cũng chính là cái nghiệp mình mang suốt đời nên phải dấn thân, phải đam mê nó. Có như vậy thì mới có tìm tòi cái mới, cách làm mới, bây giờ gọi là đổi mới, sáng tạo. Rất kỳ vọng ngoại lực là cơ chế, là chính sách sản xuất, kinh doanh thông thoáng, là sự đồng hành của công chức nhà nước và cũng là đối tác của DN.

* Cảm ơn ông!

Như Ngọc - Thảo Minh