Văn hóa đọc

Doanh nhân đọc chưa nhiều, viết còn ít

Kim Ngọc - Minh Quân 07/10/2023 06:00

Văn hóa đọc và phong trào viết sách trong giới doanh nhân không còn xa lạ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nhân chưa thật quan tâm đến đọc sách. Riêng viết sách còn ít hơn.

doc-sach.jpg

Doanh nhân chưa quan tâm việc đọc

Mặc dù chưa có cuộc khảo sát hay điều tra xã hội học nào về văn hóa đọc sách của các doanh nhân nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Sách doanh nhân nhận định: “Mặc dù chưa có cuộc khảo sát thực tế nào về việc đọc sách của doanh nhân, vẫn có thể đánh giá mang tính định lượng từ thực tế của thị trường sách. Theo dữ liệu tính đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 805.000 doanh nghiệp đã được đăng ký và hoạt động. Các đầu sách về kinh tế, kỹ năng lãnh đạo, kế toán tài chính, marketing… mỗi năm có thể in khoảng 3.000 bản nhưng đến 1-2 năm sau mới tái bản. Từ đây có thể thấy, doanh nhân chưa thật quan tâm mạnh mẽ đến việc đọc sách”.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) cũng từng nêu tình trạng kém vui, với hơn 30.000 đầu sách được xuất bản mới trong một năm, tương đương 150.000 đầu sách mới ra mắt trong 5 năm; nhưng số lượng sách viết về doanh nhân và doanh nhân viết đều đang chiếm tỷ lệ cực kỳ thấp.

Chia sẻ giá trị của việc đọc sách, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group khẳng định: “Thời nay, nếu không đọc sách, không học hành thì không có nhiều kiến thức, lỗ hổng kiến thức là một thiếu sót lớn và không gì bù đắp được. Cho nên, đọc sách phải trở thành xu hướng không thể thay đổi”.

Riêng việc viết sách trong giới doanh nhân, ông Lê Hoàng cho rằng còn khó hơn việc đọc. Bởi viết sách đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm, không phải ai cũng có thời gian hoặc ý chí, đủ tâm huyết để hoàn thành một cuốn sách chỉn chu. Ở nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản hay các nước phát triển hàng đầu thế giới có Bill Gates, Steve Jobs, Lee Kun Hee… Sách của những nhân vật này đều là những tác phẩm để đời. Nhưng những doanh nhân nổi bật hàng đầu ở Việt Nam vẫn chưa có cuốn sách nào để bạn đọc tìm hiểu thêm những bài học giá trị thực tế về doanh nghiệp nước nhà.

Viết sách chưa nhiều

Thực tế đến nay, số lượng doanh nhân Việt Nam viết sách chưa nhiều, ước tính chưa tới khoảng 100 đầu sách, số lượng phát hành và tiêu thụ cũng chưa được cao. Tuy nhiên, cũng có điểm sáng là đã có những doanh nhân viết sách rất thành công và được rất nhiều bạn trẻ, sinh viên và startup đón nhận như doanh nhân Phan Minh Thông, Đàm Linh, Lý Quí Trung…. Họ đã để lại nhiều cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau trong nhiều lĩnh vực, mang lại cho bạn đọc sự thích thú, thu hút với các kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm từng trải của họ.

Doanh nhân Phan Minh Thông cũng thừa nhận, đa số doanh nhân viết sách là để chia sẻ những trải nghiệm nhưng lại tạo ra hiệu ứng tốt. Một người viết không chỉ tạo ra cho nhiều người khác nguồn cảm hứng để hành động, để thay đổi suy nghĩ, mà còn ra nguồn cảm hứng viết sách cho nhiều người khác. Khi một người yêu kiến thức và yêu sách, họ sẽ trân trọng những kiến thức của doanh nhân đã chia sẻ, từ đó hình thành trong suy nghĩ ngày nào đó mình cũng có thể trở thành doanh nhân viết sách. Có nghĩa, những người viết sách đi trước đang tạo cảm hứng cho nhiều người đi sau.

Cũng theo ông Thông, ở các nước phát triển, việc doanh nhân viết sách đã trở nên bình thường và ở Việt Nam, những năm gần đây, nhiều doanh nhân cũng bắt đầu có xu hướng viết sách để chia sẻ những trải nghiệm, tạo ra những cuốn sách có kỹ năng, kiến thức giúp những người đi sau có thể lĩnh hội được kinh nghiệm và trải nghiệm của mình để vượt qua khó khăn và sai lầm sẽ gặp phải trong tương lai. Đây là tín hiệu rất vui và là một xu hướng tích cực, có giá trị.

Hoàn thành cuốn sách thứ hai Phép màu vượt lên chính mình, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo, Phó chủ tịch Hội đồng Sách doanh nhân cũng chia sẻ: “Thông qua những câu chuyện thật đã trải qua trong quá trình kinh doanh, cách thức vượt qua khó khăn đó, tôi muốn truyền lại những kinh nghiệm đó trong những cuốn sách của mình, xem đó như một chiếc gương để nhìn lại, đồng thời là tư liệu tham chiếu để các bạn trẻ và độc giả tham khảo”.

Viết sách vẫn khó

Vẫn biết, viết sách là cách để các doanh nhân lưu lại kiến thức, tư duy và trải nghiệm của mình cho thế hệ sau, nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn trong việc viết sách khiến các doanh nhân vẫn chưa sẵn sàng và còn khá rụt rè và e ngại khi đặt bút kể lại trải nghiệm của mình trong cuộc sống. Ông Lê Hoàng đưa ra một số khó khăn.

Thứ nhất, nhiều doanh nhân chưa có nhu cầu, chưa thực sự quan tâm đến việc viết sách và đặc biệt chưa có nguồn cảm hứng đủ để khơi gợi lên việc họ muốn kể câu chuyện của mình. Thứ hai, vì họ quá bận rộn và có những áp lực riêng trong công việc kể cả cuộc sống khiến họ mệt mỏi, không có điều kiện thuận lợi để viết. Và thứ ba là họ vẫn chưa có trải nghiệm thực tế, chưa cảm nhận được rõ nhu cầu muốn biết thêm về câu chuyện doanh nghiệp của bạn đọc.

Thực tế có rất nhiều đầu sách viết về kinh tế, doanh nghiệp, khởi nghiệp của các lãnh đạo trên thế giới dù rất hay, nhiều bài học được đúc kết nhưng không phải tất cả đều có thể áp dụng vào thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam, vì mỗi quốc gia sẽ có nền văn hóa khác nhau. Chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới có những câu chuyện “làm ăn” thực tế, mang đến cái nhìn chính xác, rõ ràng nhất đến độc giả Việt.

Vì thế, để động viên các doanh nhân tự tin và mạnh dạn hơn trong việc viết sách ông Lê Hoàng nói thêm: “Nên có những buổi workshop, giới thiệu sách, để doanh nhân có cơ hội nói chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp, tiếp cận gần hơn với sinh viên các trường đại học. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã làm khá tốt khi giới thiệu trên mặt báo các tác phẩm của doanh nhân Việt Nam.

Các chuỗi hoạt động như Tuần lễ sách của Doanh Nhân Sài Gòn hằng tháng nên được tiếp tục duy trì. Nên để tủ sách của doanh nhân viết ở đường sách tạo cho doanh nhân nguồn cảm hứng, khiến họ cảm thấy sách của mình được trân trọng và đón nhận. Phải làm sao vận động được một đội ngũ, câu lạc bộ sách và đặc biệt là doanh nhân cũng nên tiếp cận với hội nhà văn, nhà báo để tìm được những người có khả năng đồng hành với doanh nhân để hợp tác cùng viết tạo ra những bản thảo, tác phẩm cùng đứng tên có sức hút hơn”.

Việc viết sách là ở doanh nhân nhưng song song đó tạo cho họ nguồn cảm hứng viết vẫn còn nằm ở quý độc giả. Vì vậy văn hóa đọc và viết sách trong giới doanh nhân không phải “ngày một ngày hai” mà đó là câu chuyện lâu dài, cần có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau đến từ nhiều phía trong xã hội.

Kim Ngọc - Minh Quân