Bất động sản

Kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm nhà ở cho công nhân

Thanh An 06/10/2023 - 11:20

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đang làm việc tại các khu công nghiệp.

nhaxh-1672043739567762658482.jpg

Theo đó, HoREA kiến nghị cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê, theo cơ chế ban quản lý dự án thiết chế công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh bất động sản, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp tương tự như trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Ngoài ra, HoREA cũng đang đề nghị cho phép công nhân, lao động đang thuê “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Trường hợp trong khu công nghiệp có thiết chế công đoàn bao gồm khu nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp thuê, HoREA cũng đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định “người thuê căn hộ này từ 05 năm trở lên được mua lại nhà ở này” khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ, mà khu nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn phù hợp quy hoạch, để công nhân, lao động đang thuê nhà yên tâm.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, quản lý nhà ở xã hội. Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, loại hình nhà ở xã hội tại thành phố chưa đa dạng, các căn hộ diện tích 25-30m2 và giá 300-400 triệu đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong khi đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn, kéo dài khiến tiến độ dự án nhà ở xã hội còn chậm, thậm chí không thực hiện được.

Nguyên nhân của vấn đề này là do nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội chưa ổn định. Đã vậy, các bước thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức phức tạp nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt, cái khó lớn nhất hiện nay là các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua nhà, kiểm soát lợi nhuận định mức dự án... Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp rất ngại khi tham gia vào phân khúc nhà ở dạng này.

Vì thế, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất thành phố, Trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời, kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng theo hướng cắt giảm hoặc liên thông thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.

Thanh An