Sống khỏe

Thế giới sẽ có 2,1 tỷ người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050

Minh Huy 03/10/2023 - 08:27

Báo cáo vừa công bố của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) dự báo đến năm 2050, dân số từ 60 tuổi trở lên trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi và chạm mức 2,1 tỷ người.

nguoi-cao-tuoi.jpg

Theo báo cáo, các khu vực trên thế giới đều sẽ ghi nhận sự gia tăng về số lượng và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân cư. UNFPA nhấn mạnh rằng các khu vực kém phát triển hơn sẽ chứng kiến tỷ lệ dân số cao tuổi tăng cao hơn một chút so với các khu vực khác.

Trong khi đó, số người cao tuổi tại Ấn Độ dự báo tăng gấp đôi và vượt qua số trẻ em ở nước này. Cụ thể, số người trên 60 tuổi sẽ tăng từ mức 149 triệu người của năm 2022 lên 347 triệu người vào năm 2050. Đến năm 2046, số người cao tuổi tại Ấn Độ sẽ vượt qua số trẻ em dưới 14 tuổi, trong khi tỷ lệ dân số từ 15-59 tuổi sẽ giảm.

Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới (hơn 1,4 tỷ người) và tỷ lệ dân số dưới 35 tuổi cũng ở mức cao nhất (chiếm tới 65% tổng dân số). Trong giai đoạn 2022-2050, UNFPA dự báo tổng dân số tại quốc gia Nam Á này sẽ tăng 18%, trong đó tỷ lệ người cao tuổi, đặc biệt là người trên 80 tuổi, sẽ tăng lần lượt 134% và 279%.

Dự báo đến năm 2050, cứ 5 người tại Ấn Độ thì có 1 người là người cao tuổi. Xu hướng già hóa dân số đặt ra hàng loạt thách thức kinh tế, văn hóa - xã hội cho Ấn Độ, đặc biệt khi số lượng góa phụ ngày càng tăng.

Theo UNFPA, các góa phụ lớn tuổi đa phần sống một mình, ít nhận được sự hỗ trợ, nguy cơ mắc bệnh tăng cao khiến nhiều khả năng bị hạn chế. Phụ nữ nông thôn thường chịu tác động nhiều hơn so với những người ở khu vực thành thị.

Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng cô lập, đi lại khó khăn do giao thông kém, thu nhập không ổn định và thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Do đó, các chính sách và chương trình quốc gia cần tập trung phục vụ nhu cầu đặc biệt của nhóm phụ nữ lớn tuổi này.

Đáng chú ý, UNFPA trích dẫn một nghiên cứu cho thấy có tới 51% số nam giới 60 tuổi trở lên tại Ấn Độ vẫn đi làm. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ là 22% đối với phụ nữ.

Người cao tuổi ở vùng nông thôn (40%) đi làm nhiều hơn so với thành thị (25,6%). Điều này khiến một bộ phận người cao tuổi ngày càng trở nên phụ thuộc về kinh tế do không còn thu nhập nhưng chi phí y tế tăng cao.

Việc nhóm dân số cao tuổi không tham gia vào nền kinh tế chính thức còn hạn chế quyền được hưởng nguồn lương hưu cố định, làm gia tăng bất ổn kinh tế.

Minh Huy