Nguồn nhân lực

TP.HCM: Hơn 1.200 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2023

Huy Thắng 02/10/2023 - 17:58

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động tại thành phố năm 2023 có nhiều biến động. Dự kiến hơn 1.200 doanh nghiệp cắt giảm lao động trong năm 2023.

det-may.jpg

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM với gần 10.000 doanh nghiệp và hơn 233.400 lao động về chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong 3 tháng gần đây cho thấy, có hơn 1.200 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2023, chiếm 12,73% tổng doanh nghiệp khảo sát.

Các ngành nghề, lĩnh vực cắt giảm nhiều gồm bán buôn; xây dựng nhà các loại; hoạt động kinh doanh bất động sản; bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động kiến trúc, kiểm tra và phân tích kỹ thuật; hoạt động xây dựng chuyên dụng; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; bán lẻ; vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Các hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm hoặc nghỉ việc luân phiên với 801 doanh nghiệp lựa chọn (chiếm 61,85%); có 121 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương (chiếm 9,34%); 122 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (chiếm 9,42%) và 251 doanh nghiệp lựa chọn hình thức cho lao động thôi việc (chiếm 19,38%).

Trong trường hợp nếu doanh nghiệp cho lao động thôi việc thì có 33 doanh nghiệp trả lời sẽ có chính sách hỗ trợ cho người lao động dưới hình thức hỗ trợ chi phí mất việc làm cho người lao động (chiếm 13,15%); có 4 doanh nghiệp cho rằng tùy vào khả năng tại thời điểm cắt giảm sẽ cân đối hỗ trợ cho người lao động (chiếm 1,59%). Ngược lại, có 214 doanh nghiệp không có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi cho lao động thôi việc (chiếm 85,26%).

Dự báo trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động.

Trong số đó, nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết chưa có đơn hàng mới, do vậy sẽ tiếp tục thỏa thuận với người lao động giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương…

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM đã đạt kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Song song đó, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu được đẩy mạnh. Thêm vào đó, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết cũng góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên trong những tháng cuối năm.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo thấp hơn so với năm trước, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ khó khăn của kinh tế thế giới.

Trong 3 tháng gần đây, TP.HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tương ứng là 3,69%. Tại vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ lao động thất nghiệp tương ứng là 3,08% và đồng bằng sông Cửu Long là 2,87%. Số lao động bị mất việc chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày và tập trung ở TP.HCM (khoảng 34.600 người) và Bình Dương (khoảng 33.600 người).

Huy Thắng