Quốc tế

Chính sách đối ngoại của Thái Lan sẽ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Nguyễn Văn Phong 02/10/2023 - 15:09

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nêu bật những ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại của xứ chùa vàng thời gian tới, đặc biệt khôi phục và tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu.

thailand.jpg

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Srettha Thavisin cam kết tôn trọng chủ nghĩa đa phương, đảm bảo các quyền con người, ưu tiên phát triển kinh tế một cách bền vững và chống biến đổi khí hậu.

Ông nói: “Thái Lan vừa hoàn tất một giai đoạn quan trọng trong tiến trình dân chủ. Tôi mới nhậm chức vài ngày, với nhiệm vụ được người dân giao phó là củng cố nền dân chủ, thể chế và các giá trị truyền thống. Đồng thời, phải nâng cao cuộc sống người dân. Họ đã trải qua giai đoạn khó khăn trong mấy năm qua”.

Dẫu vậy, ở bên ngoài phòng họp, lịch trình làm việc của Thủ tướng Srettha Thavisin phần lớn liên quan đến kinh tế. Ông ăn tối với các thành viên Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đồng thời gặp giám đốc điều hành của Goldman Sachs, BlackRock, Google và Microsoft.

Thủ tướng Srettha nói với Nikkei Asia rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, chính phủ sẽ tự xem mình là trung tâm, trước mắt sẽ tái cấu trúc chuỗi cung ứng và vượt qua những căng thẳng địa chính trị. Điều này được thực hiện thông qua các hiệp định thương mại song phương, nhằm kết nối những thị trường đang ngày càng phân cực giữa Mỹ với Trung Quốc.

Thái Lan hiện có hiệp định thương mại với 18 quốc gia. Đàm phán với Liên minh châu Âu về 1 thỏa thuận, vốn bị đình trệ sau cuộc đảo chính năm 2014, cũng mới được nối lại vào đầu tháng 9/2023.

Sau khi kết thúc chuyến đi Mỹ, Thủ tướng Srettha dự tính thăm quốc gia có quan hệ chặt chẽ về thương mại khác là Trung Quốc. Ngay khi nhậm chức, những cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên của ông cũng là với đại sứ Mỹ và đại sứ Trung Quốc.

Thái Lan theo đuổi mối quan hệ hòa bình và hợp tác với tất cả thành viên cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tin có thể đạt được hòa bình lâu dài, nếu tăng cường quan hệ đa phương, dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin

Theo các chuyên gia, Thủ tướng Srettha Thavisin chọn ông Parnpree Bahiddha-Nukara làm ngoại trưởng, cũng báo hiệu chính sách đối ngoại mới sẽ theo đuổi lợi ích kinh tế. Dù có cha và ông nội là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông Parnpree từng làm việc tại Bộ Thương mại dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra, đồng thời là chủ tịch công ty dầu khí nhà nước PTT.

Ngoại trưởng Parnpree nói trong cuộc họp báo trước khi đến Mỹ: “Chúng tôi muốn người dân Thái Lan thấy rằng, Bộ Ngoại giao đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia và cuộc sống của mỗi công dân”.

Theo ông Parnpree, phát triển những ngành công nghệ cao và củng cố an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại thời gian tới. Tất cả đều hướng tới thúc đẩy lợi ích kinh tế và thương mại cho Thái Lan, điều mà các nhà phân tích cho rằng đã suy yếu dưới thời kỳ của người tiền nhiệm Don Pramudwinai trong nội các cựu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

thu-tuong-srettha-thavisin-phat-bieu-tai-lien-hop-quoc-anh-thai-pbs.jpg
Thủ tướng Srettha Thavisin phát biểu tại Liên Hiệp Quốc

Về quan hệ với các nước láng giềng, Ngoại trưởng Parnpree thông báo ông sẽ thăm biên giới phía Đông Thái Lan, sau đó tới Campuchia để thảo luận về vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, như buôn người và buôn lậu ma túy. Chính phủ Thái Lan đang tìm cách đạt được tiến bộ trong thỏa thuận với Campuchia, để cùng phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi Vịnh Thái Lan - nơi hai nước có một khu vực chồng lấn rộng 26.000km2, ước tính chứa 500 triệu thùng dầu và trữ lượng khí đốt lớn.

Đi cùng ông Parnpree là một nhóm các cựu đại sứ và cố vấn của chính phủ trong đảng Pheu Thai trước đây. Điều này phản ánh tính liên tục và sự tái cân bằng các ưu tiên dưới thời Thủ tướng Srettha, cũng như khôi phục sự cân bằng địa chính trị của Thái Lan và tín nhiệm đã suy giảm trong ASEAN, do cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

Ông Thitinan Pongsudhirak - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng, sự thay đổi chiến lược đối ngoại của Thái Lan có thể báo hiệu những điều tích cực phía trước và cơ hội thành công không nhỏ. Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít.

9 năm trước, chính phủ được quân đội hậu thuẫn dưới thời tướng Prayuth đã khiến Thái Lan bị cộng đồng quốc tế xa lánh. Bangkok ngày càng nghiên về phía Bắc Kinh. Quan hệ giữa Thái Lan với các nền dân chủ phương Tây đã trở nên căng thẳng.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak

Sau cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền của tướng Prayuth được xem là gần gũi với các lãnh đạo quân sự Myanmar, những người nắm quyền vào năm 2021, cũng thông qua một cuộc đảo chính, sau đó loại bỏ mô hình xã hội dân sự.

Ông Thitinan nói tiếp: “Thái Lan có bước đi khác lạ, khi làm hỏng hình ảnh tự hào trong quá khứ của mình. Thái Lan đã làm suy yếu đồng thuận 5 điểm của ASEAN để giải quyết khủng hoảng Myanmar, cũng như làm suy yếu chức Chủ tịch ASEAN của Indonesia, bằng cách giúp chính quyền quân sự Myanmar gia tăng tính hợp pháp. Thủ tướng Srettha và Ngoại trưởng Parnpree đã phát tín hiệu quay trở lại với cộng đồng ASEAN. Điều này nghĩa là sẽ gắn bó với lập trường của ASEAN, thay vì đi chệch hướng và thân thiện với chính quyền quân sự Myanmar như trước”.

Để có thể trở thành thủ tướng vào đầu tháng 9 vừa rồi, đảng Pheu Thai của ông Srettha buộc phải từ bỏ liên kết với Move Forward Party - những người chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 5 - để bắt tay với các đảng thân quân đội, những người thực hiện cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính Pheu Thai.

Hiện nay, trong nội các, Pheu Thai nắm giữ các ghế có ưu thế về kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, nhiều ghế chủ chốt khác vẫn do đảng thân quân đội kiểm soát, để đảm bảo phân chia quyền lực một cách công bằng.

Giáo sư Thitinan kết luận: “So với chính phủ của Thủ tướng Prayuth được quân đội hậu thuẫn, chính phủ hiện nay đang mở ra một hướng đi mới trong quan hệ dân sự - quân sự. Thủ tướng Srettha đang có nhiều quyền lực hơn về kinh tế, đủ sự tự chủ trong việc hoạch định chính sách mới. Sự thay đổi này đang mang tính thăm dò và chắp vá. Quân đội đã bám rễ sâu trong mô hình quản lý của Thái Lan. Để thay đổi, không dễ thực hiện trong một sớm một chiều”.

Nguyễn Văn Phong