Thực trạng và giải pháp phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp an toàn
Các chuyên gia tại một diễn đàn mới đây thừa nhận, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt sẽ góp phần tạo nên những giá trị bền vững cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Diễn đàn "Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn" diễn ra tại TP.HCM vào ngày 29/9/2023. Sự kiện được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng một số bên liên quan đồng tổ chức. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo lãnh đạo các cấp, cùng nhiều công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và logistics.
Đánh giá chung về quy mô xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Phó chủ tịch VCCI Võ Tấn Thành nhận định, nước ta là một trong những quốc gia có quy mô xuất khẩu nông sản đứng đầu thế giới. Sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, nhưng khả năng cung cấp số lượng lớn còn hạn chế, do nhiều khó khăn bất cập cả chủ quan lẫn khách quan.
Theo thống kê, 80% nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, có ít giá trị và khả năng cạnh tranh không cao. Để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, cần có sự quyết liệt của các ban ngành nhà nước, bà con nông dân lẫn doanh nghiệp. Những mặt hàng nước ta có tiềm năng lớn là cà phê, hồ tiêu, hạt điều và thủy sản. Tất cả đều có thể nâng cao giá trị khi xuất khẩu, thông qua chế biến, hoặc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về nuôi trồng, để tạo ra sản phẩm cuối cùng có chất lượng cao nhất.
Hiện nay, ngành nông nghiệp được cho là đang gặp không ít khó khăn, như thuế giá trị gia tăng chưa hợp lý. Sản xuất cũng còn lạc hậu, tốn tài nguyên nhất là nước sạch, ô nhiễm môi trường, các loại thức ăn chăn nuôi chưa được kiểm soát kỹ, dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao. Ví dụ hàm lượng chất kháng sinh và tăng trưởng trong thịt động vật tại nhiều nơi vượt ngưỡng cho phép.
Theo các chuyên gia tại buổi hội thảo, để khắc phục những bất hợp lý, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững và gia tăng nguồn thu cho bà con nông dân, một số phương hướng được đưa ra như sau:
Cần phát triển nền nông nghiệp theo hướng tập trung. Áp dụng triệt để máy móc và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để sản xuất trên quy mô lớn, cũng như phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Các sản phẩm nông nghiệp nên tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và từng bước hội nhập quốc tế. Để đạt được điều đó phải có mục tiêu rõ ràng và từng bước cụ thể. Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp phải cùng bắt tay với người nông dân, cũng như những hiệp hội của bà con nông dân.
Tất cả hướng đến đáp ứng 5 nhu cầu của thị trường hiện nay. Nếu thành công, Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nông sản các nước như Trung Quốc hay Thái Lan. 5 nhu cầu bao gồm thứ nhất là giá cả; thứ hai phải có khả năng cung cấp thường xuyên - đúng thời hạn; thứ ba là phải cung cấp được số lượng lớn; thứ tư phải có chất lượng tốt, đồng đều và bao bì đảm bảo; thứ năm là an toàn vệ sinh thực phẩm.
TS. Từ Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương cho biết, xu hướng tiêu thụ thực phẩm trên thế giới hiện nay đặc biệt ưu tiên đến sức khỏe và bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp trong nước phải cố gắng xâm nhập được những thị trường ngách. Sản phẩm phải đảm bảo ít nhất 3 tiêu chuẩn: sức khỏe, thuận tiện và làm cho người dùng thấy hứng thú. Đây là những giá trị cốt lõi của mỗi mặt hàng.
Các chuyên gia tại diễn đàn kết luận, trong bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều biến động, khách hàng bây giờ không chỉ yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, mà còn muốn quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như đạo luật chống phá rừng mới đây của châu Âu. Đó là lý do ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng cần thay đổi mạnh mẽ, để từng bước thích ứng, cũng khẳng định vai trò là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu.